1.1. Cường độ dòng điện
– Cường độ dòng điện đặc trưng cho tác dụng mạnh yếu của dòng điện và được xác định bằng điện lượng chuyển qua tiết diện thẳng của vật dẫn trong một đơn vị thời gian.
\(v = \frac{I}{{Sne}}\)
Đơn vị đo cường độ dòng điện là ampe, kí hiệu A.
– Coulomb là lượng điện tích chuyển qua tiết diện thẳng của dây dẫn trong 1 s khi có cường độ dòng điện 1 A chạy qua dây dẫn.
– Cường độ dòng điện qua dây dẫn được xác định bằng biểu thức I = Snve, với n là mật độ hạt mang điện, S là tiết diện thẳng của dây, v là tốc độ dịch chuyển của hạt mang điện tích e.
1.2. Điện trở
– Điện trở của vật dẫn là đại lượng đặc trưng cho tác dụng cản trở dòng điện đi qua nó. Nguyên nhân chính gây ra điện trở của kim loại là do sự va chạm của các electron với các ion dương ở các nút mạng.
– Điện trở có đơn vị là ohm, kí hiệu là Ω. 1 Ω là điện trở của một dụng cụ điện, khi hiệu điện thế ở hai đầu là 1 V thì có dòng điện 1 A chạy qua.
– Định luật Ohm cho vật dẫn kim loại: Cường độ dòng điện đi qua một vật dẫn kim loại tỉ lệ thuận với hiệu điện thế giữa hai đầu vật dẫn và tỉ lệ nghịch với điện trở của nó.
\(I = \frac{U}{R}\)
– Ở nhiệt độ không đổi, đường đặc trưng I-U của vật dẫn kim loại là một đoạn thẳng.
– Điện trở của đèn sợi đốt và của điện trở nhiệt thay đổi theo nhiệt độ.
1.3. Nguồn điện, năng lượng điện và công suất điện
– Nguồn điện thực hiện công làm cho hạt mang điện chuyển động có hướng trong mạch điện kín. Suất điện động của nguồn điện là đại lượng đặc trưng cho khả năng thực hiện công của nguồn điện và được xác định bằng công của nguồn điện dịch chuyển một điện tích đơn vị theo một vòng kín của mạch điện.
– Điện trở trong của nguồn điện càng lớn thì hiệu điện thế giữa hai cực của nguồn càng nhỏ.
U = E – Ir
– Năng lượng điện tiêu thụ của đoạn mạch được đo bằng công của lực điện thực hiện khi dịch chuyển các điện tích:
A = Ult
– Công suất tiêu thụ năng lượng điện P của đoạn mạch là năng lượng điện mà đoạn mạch tiêu thụ trong một đơn vị thời gian, được tính bằng:
\(P = \frac{A}{t} = UI\)