
ONTHITHPT.com giới thiệu đến bạn đọc tài liệu lý thuyết trọng tâm và các dạng bài tập trắc nghiệm hướng động trong chương trình Sinh học lớp 11.
- Mục tiêu:**
Kiến thức:
+ Trình bày được khái niệm của cảm ứng ở thực vật, hướng động.
+ Phân biệt hướng động dương và hướng động âm.
+ Phân biệt được các loại hướng động: hướng sáng, hướng nước, hướng hóa, hướng trọng lực, hướng tiếp xúc.
+ Nêu được vai trò hướng động trong đời sống thực vật.
Kĩ năng:
+ Đọc và xử lí thông tin trong sách giáo khoa để lấy được ví dụ minh họa về hướng động.
+ Phân tích dự đoán thông qua việc quan sát cách bố trí thí nghiệm về hướng sáng, hướng trọng lực.
+ So sánh và phân tích để phân biệt hướng động dương và hướng động âm, phân biệt các loại hướng động gồm hướng sáng, hướng nước, hướng hóa, hướng trọng lực, hướng tiếp xúc.
- I. LÍ THUYẾT TRỌNG TÂM**
- 1. Khái niệm cảm ứng ở thực vật.**
Khái niệm: cảm ứng là khả năng phản ứng của thực vật đối với các kích thích của môi trường. Đặc điểm: phản ứng chậm, phản ứng khó nhận thấy, hình thức phản ứng kém đa dạng.
- 2. Khái niệm hướng động.**
Hướng động là hình thức phản ứng của cơ quan thực vật đối với các tác nhân kích thích từ một hướng xác định. Có 2 loại hướng động chính: hướng động dương và hướng động âm. + Hướng động dương (sinh trưởng hướng tới nguồn kích thích) xảy ra khi các tế bào ở phía không được kích thích (phía tối) sinh trưởng nhanh hơn so với các tế bào được kích thích (phía sáng). + Hướng động âm (sinh trưởng theo hướng tránh xa nguồn kích thích) xảy ra khi các tế bào ở phía được kích thích sinh trưởng nhanh hơn so với tế bào không được kích thích.
- 3. Các kiểu hướng động.**
Hướng động có các kiểu tương ứng với tác nhân kích thích. 3.1. Hướng sáng Hướng sáng của thân là sự sinh trưởng của thân (cành) hướng về phía ánh sáng. + Thân cây uốn cong về phía nguồn sáng, thân cây có hướng sáng dương. + Rễ cây uốn cong theo hướng ngược lại nên rễ cây có hướng sáng âm. Hình 1. Vận động hướng sáng của cây Giải thích tính hướng sáng của ngọn cây: Khi ánh sáng tác động từ một phía → auxin phân bố ở phía không được chiếu sáng nhiều hơn → kích thích các tế bào phía không được chiếu sáng sinh trưởng kéo dài nhanh hơn → đẩy ngọn cây mọc hướng về phía được chiếu sáng. 3.2. Hướng trọng lực Phản ứng của cây đối với trọng lực gọi là hướng trọng lực. + Đỉnh rễ cây sinh trưởng theo hướng của trọng lực gọi là hướng trọng lực dương. + Đỉnh thân sinh trưởng theo hướng ngược lại hướng của trọng lực gọi là hướng trọng lực âm. Hình 2. Hướng trọng lực Giải thích tính hướng trọng lực của rễ cây: khi đặt cây nằm ngang thì rễ cây mọc quay xuống đất vì khi cây nằm ngang auxin tập trung về phía mặt dưới của rễ cây nhiều hơn mặt trên → hàm lượng auxin cao sẽ ức chế sinh trưởng kéo dài của các tế bào phía dưới → các tế bào mặt trên sinh trưởng kéo dài nhanh hơn → đẩy rễ cây mọc cong về phía dưới. Cơ chế chung của tính hướng ở thực vật là do tốc độ sinh trưởng không đồng đều của các tế bào tại hai phía đối diện nhau của cơ quan (rễ, thân, tua cuốn). Sự khác biệt về tốc độ sinh trưởng như vậy chủ yếu là do sự phân bố nồng độ hoocmôn sinh trưởng (auxin) không đồng đều tại hai phía của cơ quan. 3.3. Hướng hóa Hướng hóa là phản ứng sinh trưởng của thực vật đáp lại tác động của hóa chất. + Rễ cây luôn hướng về nơi có nguồn dinh dưỡng thích hợp và cần thiết cho sự phát triển (hướng hóa dương) và tránh xa nơi có hóa chất độc hại với nó (hướng hóa âm). 3.4 Hướng nước Hướng nước là sự sinh trưởng của rễ cây hướng tới nguồn nước Hướng nước và hướng hóa xác định sự sinh trưởng của rễ cây hướng tới nguồn nước và phân bón. 3.5. Hướng tiếp xúc Hướng tiếp xúc là phản ứng sinh trưởng đối với sự tiếp xúc. Sự tiếp xúc đã kích thích sự sinh trưởng kéo dài của các tế bào tại phía không tiếp xúc của tua làm cho nó quấn quanh giá thể. Các loài cây này dùng tua quấn để quấn lại các vật cứng khi nó tiếp xúc.
- 4. Vai trò của hướng động trong đời sống thực vật.**
Hướng động có vai trò giúp cây thích nghi đối với sự biến đổi của môi trường để tồn tại và phát triển. SƠ ĐỒ HỆ THỐNG HÓA.
- II. CÁC DẠNG BÀI TẬP**