Đạo đức kinh doanh là một phần không thể thiếu để tạo ra lợi nhuận trong môi trưởng cạnh tranh gay gắt. Tuân thủ đạo đức kinh doanh là điều kiện quan trọng bảo đảm cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp nói riêng và của nền kinh tế nói chung. |
1.1. Quan niệm và vai trò của đạo đức kinh doanh
a. Quan niệm: Đạo đức kinh doanh là tập hợp các nguyên tắc, chuẩn mực có tác dụng điều chỉnh, đánh giá, định hướng hành vi của các chủ thể sản xuất kinh doanh.
b. Vai trò: Thực hiện đạo đức trong kinh doanh góp phần:
- Điều chỉnh hành vi của các chủ thể kinh doanh;
- Xây dựng lòng tin và uy tín với khách hàng;
- Đẩy mạnh hợp tác và đầu tư, tạo ra lợi nhuận cho các chủ thể sản xuất kinh doanh;
- Thúc đẩy sự vững mạnh của nền kinh tế quốc gia.
Đạo đức kinh doanh: Nền tảng để doanh nghiệp phát triển bền vững
1.2. Các biểu hiện của đạo đức kinh doanh
a. Một số biểu hiện cụ thể của đạo đức kinh doanh: Đạo đức kinh doanh được biểu hiện ở việc giữ chữ tín, trung thực, trách nhiệm:
- Chủ thể sản xuất kinh doanh phải giữ chữ tín, tôn trọng và bảo vệ lợi ích của khách hàng; thực hiện đúng nghĩa vụ và cam kết với khách hàng; trung thực, trách nhiệm trong kinh doanh; không sản xuất kinh doanh hàng giả, kém chất lượng, độc hại cho sức khỏe người tiêu dùng; không quảng cáo cường điệu, sai sự thật, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, nhãn mác và xuất xứ hàng hóa.
- Chủ thể sản xuất kinh doanh phải tôn trọng, đảm bảo lợi ích chính đáng của người lao động (tiền lương, điều kiện lao động, bảo hiểm, chế độ chính sách,... ) theo đúng cam kết; đối xử bình đẳng, công bằng với nhân viên.
- Chủ thể sản xuất kinh doanh tích cực thực hiện trách nhiệm xã hội, tuân thủ các quy định của pháp luật, không trốn thuế, lậu thuế, sản xuất kinh doanh những mặt hàng quốc cấm; không làm ô nhiễm môi trường tự nhiên và môi trường xã hội.
- Các chủ thể sản xuất kinh doanh vừa hợp tác vừa cạnh tranh lành mạnh, không thông đồng bán hạ giá, phá giá nhằm triệt hạ đối thủ; không đánh cắp bí mật thương mại của đối thủ,...
Một số hành vi vi phạm đạo đức kinh doanh
b. Trách nhiệm của học sinh:
- Chủ động, tích cực tìm tòi, học hỏi phẩm chất đạo đức của nhà kinh doanh;
- Có ý thức nhắc nhở, tuyên truyền, vận động người thân trong gia đình và những người xung quanh thực hiện tốt đạo đức kinh doanh.
- Phê phán những biểu hiện vi phạm đạo đức kinh doanh, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh lành mạnh.