Kho tàng tài liệu học tập phong phú.

Viết văn nghị luận về một tác phẩm nghệ thuật – Ngữ văn 11 Tập 2 Kết Nối Tri Thức

1.1. Yêu cầu viết văn nghị luận về một tác phẩm nghệ thuật

– Nêu được những thông tin khái quát về tác phẩm nghệ thuật sẽ bàn tới trong bài viết (tác giả, tên tác phẩm, hoàn cảnh sáng tác, đánh giá của công chúng).

– Xác định rõ nội dung và hệ thống luận điểm sẽ triển khai:

+ Miêu tả chung về tác phẩm bằng ngôn ngữ phù hợp với loại hình nghệ thuật của nó;

+ Phân tích tác phẩm trên cả hai phương diện nội dung và nghệ thuật;

+ Đánh giá tổng quát; gợi ý về cách tiếp cận phù hợp đối với tác phẩm.

– Phối hợp linh hoạt giữa việc trình bày lí lẽ và nêu bằng chứng cụ thể.

– Thể hiện được sự rung động trước tác phẩm và sự đồng cảm đối với tác giả.

1.2. Cách viết văn nghị luận về một tác phẩm nghệ thuật

Bước 1: Chuẩn bị viết

– Đề tài viết của kiểu bài này rất rộng vì nghệ thuật là một lĩnh vực bao gồm nhiều ngành khác nhau, trong đó có sáng tác ngôn từ (nghệ thuật ngôn từ).

– Danh mục tác phẩm bạn biết có thể rất phong phú nhưng chỉ nên chọn viết về tác phẩm nào bạn có đủ thông tin (qua tra cứu, tìm hiểu).

– Gợi ý một số tác phẩm có thể được chọn làm đề tài viết:

+ Phim: các bộ phim được giải Ốt-xca (Oscar) , giải Bông sen vàng (của Liên hoan phim Việt Nam), giải Cánh diều vàng (của Hội Điện ảnh Việt Nam);

+ Tác phẩm âm nhạc: ca khúc, video clip được yêu chuộng của giới trẻ;

+ Tác phẩm nghệ thuật tạo hình: một số tượng đài hay pa-nô-ra-ma (panorama) được đặt, thực hiện tại các khu di tích lịch sử – văn hoá nổi tiếng;

+ Các bức tranh được Nhà nước Việt Nam công nhận là Bảo vật quốc gia,…

 

Bước 2: Tìm ý, lập dàn ý

* Tìm ý

Có thể đặt ra các câu hỏi như sau để tìm ý:

– Tác phẩm của ai, tên là gì, được hoàn thành trong bối cảnh và thời điểm nào?

– Nội dung tác phẩm đề cập vấn đề gì?

– Tác phẩm được sáng tác theo phong cách hoặc trường phái nào, bằng chất liệu gì?

– Có thể nói đến thành công và hạn chế nào của tác phẩm về các mặt nội dung và nghệ thuật thể hiện?

Lưu ý: Mặc dù cần nêu được một số thông tin cơ bản về tác phẩm nhưng công việc trọng tâm vẫn là triển khai phân tích và đánh giá về tác phẩm đó, tránh biến văn bản nghị luận thành một văn bản thông tin đơn thuần.

* Lập dàn ý

Mở bài: Nêu được các thông tin cơ bản về tác phẩm (tác giả, tên tác phẩm, hoàn cảnh sáng tác, sự đón nhận của công chúng,…).

Thân bài:

+ Nhìn nhận khái quát về tác phẩm (tóm tắt cốt truyện phim; nêu chủ đề và ấn tượng ban đầu về tiết tấu, giai điệu, ca từ của ca khúc; diễn tả bằng lời văn về hình tượng đã được thể hiện bằng chất liệu riêng của tác phẩm tạo hình – điều có thể thấy rõ trong bài viết tham khảo ở trên;..

+ Phân tích từng khía cạnh nổi bật của tác phẩm với lí lẽ và bằng chứng rõ ràng, đầy đủ.

+ Nêu những điều mà người xem, người nghe cần chuẩn bị để có được sự thưởng thức trọn vẹn, nhiều hứng thú đối với tác phẩm.

Kết bài: Đánh giá chung về tác phẩm (thành công chính và những khiếm khuyết theo quan điểm nhìn nhận của người viết).

 

Bước 3: Viết

– Dựa vào dàn ý đã lập để viết.

– Cần triển khai từng luận điểm thành các đoạn văn đảm bảo được yêu cầu về mạch lạc và liên kết.

– Tuỳ loại hình nghệ thuật của tác phẩm mà đưa ra các bằng chứng phù hợp để phân tích.

– Chú ý dùng giọng văn có tính biểu cảm, thể hiện được niềm hứng thú và xúc động của người viết đối với tác phẩm.

 

Bước 4: Chỉnh sửa, hoàn thiện

– Gạch bỏ những từ, những câu trùng lặp, thiếu thông tin hoặc thông tin chung chung.

– Kiểm tra sự liền mạch giữa các ý, các đoạn. Bổ sung các phương tiện liên kết hợp lí nếu thấy cần thiết.

– Đính chính các thông tin chưa chính xác (nếu có) về tác phẩm sau khi đối chiếu cẩn thận với các nguồn tài liệu đáng tin cậy.

– Sửa lại các lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu (nếu có).