1.1. Yêu cầu viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội
– Nêu rõ hiện tượng xã hội được thuyết minh và cung cấp một số thông tin cơ bản giúp người đọc hình dung bước đầu về hiện tượng.
– Làm sáng tỏ nguyên nhân của hiện tượng, tác động tích cực hoặc tiêu cực của hiện tượng đối với đời sống.
– Nêu được giải pháp phát huy hiện tượng tích cực hoặc khắc phục hiện tượng tiêu cực.
– Rút ra ý nghĩa của việc thuyết minh hiện tượng hoặc tác dụng của các giải pháp được đề xuất.
– Sử dụng kết hợp trong văn bản thuyết minh một hay nhiều yếu tố như miêu tả, tự sự, biểu cảm hoặc nghị luận.
1.2. Cách làm bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội
Bước 1: Chuẩn bị viết
– Để viết bài thuyết minh, trước hết phải chọn được một hiện tượng xã hội đáng quan tâm.
– Ví dụ:
+ Việc xuất hiện quá nhiều các cuộc thi sắc đẹp;
+ Tình trạng tôn thờ thần tượng một cách thái quá;
+ Hiện tượng nhiều người thích đi phượt;
+ Hiện tượng muốn trải nghiệm cuộc sống trước khi quyết định lựa chọn con đường cho tương lai của giới trẻ
+ …
=> Cần chọn hiện tượng xã hội phù hợp để triển khai bài viết theo cấu trúc “nguyên nhân – hệ quả – giải pháp”.
– Sau khi đã chọn được hiện tượng xã hội để thuyết minh, bạn cần tập trung suy nghĩ, tham khảo các tài liệu có liên quan, ghi chép các ví dụ, số liệu cần thiết,…
Bước 2: Tìm ý, lập dàn ý
* Tìm ý
Để tiến hành tìm ý cho bài thuyết minh về một hiện tượng xã hội, cần nêu một số câu hỏi để trả lời:
– Thực chất của hiện tượng là gi?
– Hiện tượng có nguyên nhân từ đâu?
– Hiện tượng đó có tác động tích cực hay tiêu cực đối với đời sống? Biểu hiện của những tác động ấy là gì?
– Cần làm gì để phát huy tác động tích cực hoặc xoá bỏ tác động tiêu cực của hiện tượng đối với đời sống con người?
– Việc thuyết minh hiện tượng xã hội có ý nghĩa gì? Cần có những giải pháp nào để phát huy hoặc khắc phục hiện tượng?
* Lập dàn ý
Sắp xếp các ý đã tìm được vào các phần theo bố cục của một bài thuyết minh.
– Mở bài: Giới thiệu hiện tượng cần thuyết minh, nêu rõ sự tồn tại của hiện tượng trong thực tế đời sống xã hội.
– Thân bài:
+ Thuyết minh về thực chất của hiện tượng xã hội.
+ Lí giải rõ ràng nguyên nhân của hiện tượng.
+ Trình bày tác động tích cực hoặc tiêu cực của hiện tượng đối với đời sống con người, có sử dụng các cứ liệu cụ thể.
+ Nêu giải pháp phát huy hiện tượng tích cực hoặc hạn chế hiện tượng tiêu cực.
– Kết bài: Nêu ý nghĩa của việc ủng hộ hay bày tỏ sự phản đối hiện tượng đó.
Bước 3: Viết
– Phần Mở bài, Kết bài và mỗi ý được nếu trong Thân bài cần được triển khai thành các đoạn văn.
– Cần bám sát cấu trúc: nguyên nhân – hệ quả – giải pháp để triển khai bài thuyết minh. Riêng hai phần nguyên nhân và hệ quả có thể thay đổi vị trí linh hoạt nhằm gây được ấn tượng cho người đọc.
– Lời văn thuyết minh cần sáng sủa, mạch lạc, các cứ liệu phải chính xác, trung thực, có tác dụng làm rõ hiện tượng.
– Sử dụng linh hoạt, phù hợp các yếu tố miêu tả, tự sự, biểu cảm, nghị luận… nhằm tăng thêm hiệu quả thuyết minh.
– Từ ngữ cần trong sáng, đơn nghĩa, tránh lạm dụng các hình thức tu từ dễ khiến người đọc hiểu sai về hiện tượng.
Bước 4: Chỉnh sửa, hoàn thiện
Đọc lại bài viết, đối chiếu với yêu cầu của kiểu bài thuyết minh một hiện tượng xã hội và dàn ý đã lập để chỉnh sửa, hoàn thiện:
– Bổ sung những diễn giải cụ thể, các cứ liệu liên quan đến hiện tượng cần thuyết minh nếu thấy chưa đầy đủ.
– Kiểm tra trật tự các ý, nếu thấy chưa thật hợp lí thì có thể thay đổi, sắp xếp lại.
– Rà soát, phát hiện các lỗi về hình thức diễn đạt (chính tả, từ ngữ, ngữ pháp,…).