Kho tàng tài liệu học tập phong phú.

Viết văn bản NL về một vấn đề xã hội trong tác phẩm văn học – Ngữ văn 11 Tập 2 Chân Trời Sáng Tạo

1.1. Yêu cầu

1.1.1. Kiểu bài

Nghị luận về một vấn đề xã hội trong tác phẩm văn học là kiểu bài dùng lí lẽ và bằng chứng để bàn luận, làm sáng tỏ một vấn đề xã hội (một ý kiến, một tư tưởng đạo lí hay một hiện tượng xã hội) được đặt ra trong tác phẩm văn học và giàu ý nghĩa đối với cuộc sống.

1.1.2. Yêu cầu đối với kiểu bài

Luận điểm rõ ràng, chặt chẽ, thể hiện quan điểm của người viết về vấn đề.

– Đưa ra hệ thống lí lẽ, bằng chứng thuyết phục, chính xác, tin cậy, thích hợp, đầy đủ, để làm sáng tỏ luận điểm.

– Nêu và phân tích, trao đổi về các ý kiến trái chiều.

Bố cục bài viết gồm ba phần:

+ Mở bài: Giới thiệu vấn đề xã hội cần bàn luận, thể hiện rõ quan điểm của người viết về vấn đề đó.

+ Thân bài: Trình bày hệ thống luận điểm, lí lẽ, bằng chứng để làm sáng tỏ cho quan điểm của người viết, phản biện các ý kiến trái chiều.

+ Kết bài: Khẳng định lại quan điểm của người viết về vấn đề, đưa ra những đề xuất giải pháp phù hợp.

1.2. Cách làm

1.2.1. Chuẩn bị viết

– Khi xác định đề tài, bạn có thể chọn một vấn đề về mối quan hệ giữa con người với tự nhiên được gợi ra từ một trong ba truyện ngắn đã học. Chẳng hạn, bạn có thể chọn một trong các đề tài sau:

+ Nạn săn bắn thú rừng hoang dã ở Việt Nam hiện nay qua truyện ngắn Muối của rừng (Nguyễn Huy Thiệp).

+ Cách chung sống hoà hợp với môi trường tự nhiên được gọi ra từ truyện ngắn Kiến và người (Trần Duy Phiên).

+ Khát vọng mưu sinh trên biển của con người thể hiện qua truyện ngắn Chiều sương (Bùi Hiển).

1.2.2. Tìm ý, lập dàn ý

Chẳng hạn, với vấn đề nạn săn bắn thú rừng hoang dã ở nước ta gợi lên từ truyện ngắn Muối của rừng (Nguyễn Huy Thiệp), dàn ý bài viết có thể triển khai như sau:

a. Mở bài: Nêu được vấn đề bảo vệ động vật hoang dã được gợi lên từ tác phẩm Muối của rừng.

b. Thân bài: Cần có ít nhất hai luận điểm. Chẳng hạn:

Luận điểm 1:

Muối của rừng cho thấy tình trạng săn bắn thú rừng ở nước ta diễn ra như thế nào?

+ Tác phẩm có tác dụng gì trong việc cảnh báo, nhắc nhở độc giả về vấn đề? (Lí lẽ và bằng chứng).

Luận điểm 2:

Cần có những biện pháp gì để xử lí vấn đề này?

+ Nếu trông chờ vào lòng trắc ẩn của cá nhân con người như ông Diểu trong truyện thì có ưu điểm và hạn chế gì? (Lí lẽ và bằng chứng).

Lưu ý: Để tăng tính thuyết phục cho bài viết, bạn cần bình luận thêm về vấn đề mối quan hệ giữa con người với tự nhiên đã được tác phẩm đặt ra và giải quyết như thế nào, vấn đề được gọi ra từ tác phẩm có ý nghĩa hoặc tác động như thế nào đến nhận thức của bạn hay của cộng đồng

c. Kết bài: Sau khi khẳng định lại vấn đề, nêu bài học/giải pháp giải quyết vấn đề… cần có đánh giá về đóng góp của tác phẩm Muối của rừng đối với vấn đề nêu trên.

1.2.3. Viết bài

Từ dàn ý đã lập, bạn hãy viết bài văn hoàn chỉnh theo một số gợi ý:

– Để bài văn được mạch lạc, rõ ràng, cần có những câu văn nêu rõ luận điểm và sử dụng các từ ngữ có chức năng chuyển ý.

– Có thể sử dụng trích dẫn, danh ngôn để tăng sức thuyết phục cho lí lẽ.

– Đối thoại với người đọc, sử dụng hiệu quả các yếu tố thuyết minh, tự sự, miêu tả, biểu cảm để người độc dễ dàng hình dung về vấn đề cần bàn luận, khơi gợi sự đồng cảm ở người đọc. Lựa chọn ngôn ngữ phù hợp với người đọc và mục đích viết.

– Để mở bài, kết bài gây ấn tượng, có thể sử dụng một câu chuyện có ý nghĩa, trích dẫn một danh ngôn, dùng một hình ảnh để ví von, so sánh, đặt ra một câu hỏi để khơi gợi trí tò mò của người đọc… Có thể chọn cách viết mở bài và kết bài hô ứng để tạo dư âm.

1.2.4. Xem lại và chỉnh sửa

– Sau khi chỉnh sửa, hãy chia sẻ bài viết của mình với các bạn trong lớp. Lưu ý ghi chép lại ý kiến đóng góp cũng như câu hỏi của các bạn để cân nhắc, điều chỉnh.

– Rút ra bài học kinh nghiệm liên quan đến việc viết một bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội trong tác phẩm văn học.