2.1. Khái niệm Nghị luận xã hội
- Nghị luận xã hội là phương pháp nghị luận lấy đề tài từ các lĩnh vực xã hội chính trị, đạo đức làm nội dung bàn bạc nhằm làm sáng tỏ cái đúng – sai, cái tốt – xấu của vấn đề được nêu ra. Từ đó đưa ra một cách hiểu thấu đáo về vấn đề nghị luận cũng như vận dụng nó vào đời sống.
- Gồm có hai dạng:
- Nghị luận về một tư tưởng, đạo lý.
- Nghị luận về một hiện tượng đời sống.
2.2. Nghị luận về một tư tưởng, đạo lý
a. Khái niệm
- Nghị luận về một tư tưởng, đạo lý là quá trình kết hợp những thao tác lập luận để làm rõ những vấn đề tư tưởng, đạo lí trong cuộc đời. Bao gồm:
- Lí tưởng (lẽ sống)
- Cách sống
- Hoạt động sống
- Mối quan hệ trong cuộc đời giữa con người với con người (cha con, vợ chồng, anh em và những người thân thuộc khác). Ở ngoài xã hội có các quan hệ: tình làng nghĩa xóm, thầy trò, bạn bè…
b. Hai dạng đề nghị luận về một tư tưởng, đạo lý thường gặp
- Dạng đề trong đó tư tưởng, đạo lý được nói tới một cách trực tiếp
- Ví dụ:
- Đề 1: Suy nghĩ của anh (chị) về: Đức tính hy sinh.
- Đề 2: Trình bày ý kiến của anh (chị) về vấn đề: Sự tự tin của con người trong cuộc sống.
- Dạng đề trong đó tư tưởng, đạo lý được nói tới một cách gián tiếp: thường ẩn trong một câu tục ngữ, một câu danh ngôn, một câu ngạn ngữ, một câu chuyện, một văn bản ngắn…
- Ví dụ:
- Đề 1: Viết một bài văn ngắn (không quá 400 từ) trình bày ý kiến của anh (chị) về câu nói sau đây của nhà văn Nga Lep Tôn-xtôi: “Bạn đừng nên chờ đợi những quà tặng bất ngờ của cuộc sống mà hãy tự mình làm nên cuộc sống”.
- Đề 2: Viết một bài văn ngắn (không quá 400 từ) trình bày suy nghĩ của anh (chị) về câu nói sau: “Một trong những tổn thất không có gì bù đắp được là tổn thất về thời gian”.
- Đề 3: Phát biểu ý kiến của anh (chị) về mục đích học tập do UNESCO đề xướng: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”.
c. Kĩ năng làm văn nghị luận về một tư tưởng, đạo lý
- Phân tích đề
- Đọc kĩ đề, chú ý từ ngữ quan trọng, những khái niệm khó, nghĩa đen, nghĩa bóng. Chia vế, ngăn đoạn, tìm mối tương quan giữa các vế.
- Xác định ba yêu cầu:
- Yêu cầu về nội dung: Vấn đề nghị luận là gì? Có bao nhiêu ý cần triển khai? Mối quan hệ giữa các ý như thế nào?
- Yêu cầu về hình thức: Cần kết hợp các thao tác lập luận giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận.
- Yêu cầu về phạm vi dẫn chứng: đời sống văn học, đời sống thực tiễn (chủ yếu là đời sống thực tiễn).
- Lập dàn ý
- Nội dung luận đề cần được triển khai thành hệ thống luận điểm, luận cứ, luận chứng.
- Cần sắp xếp các ý thành hệ thống chặt chẽ và bao quát nội dung.
- Cần chú ý các bước cơ bản của bài văn nghị luận về tư tưởng, đạo lý:
- Giải thích tư tưởng, đạo lý cần bàn luận.
- Phân tích, chứng minh những mặt đúng, bác bỏ những biểu hiện sai lệch có liên quan đến vấn đề cần bàn luận.
- Nêu ý nghĩa, rút ra bài học nhận thức và hành động.
- Tiến hành viết bài văn
- Đọc lại và sửa chữa để hoàn chỉnh bài viết