Kho tàng tài liệu học tập phong phú.

Vật lý 12 Bài 26: Các loại quang phổ

2.1. Máy quang phổ lăng kính

a. Định nghĩa

Máy quang phổ lăng kính là dụng cụ phân tích 1 chùm sáng phức tạp thành các thành phần đơn sắc(nhận biết cấu tạo của nguồn sáng) dựa trên hiện tượng tán sắc ánh sáng.

b. Cấu tạo

– Gồm 3 bộ phận chính: Ống chuẩn trực, hệ tán sắc, buồng tối (buồng ảnh)

Máy quang phổ lăng kính

– Ống chuẩn trực

+ Gồm TKHT L1, khe hẹp F đặt tại tiêu điểm chính của L1.

+ Tạo ra chùm song song.

– Hệ tán sắc

+ Gồm 1 (hoặc 2, 3) lăng kính.

+ Phân tán chùm sáng thành những thành phần đơn sắc, song song.

– Buồng tối

+ Là một hộp kín, gồm TKHT L2, tấm phim ảnh K (hoặc kính ảnh) đặt ở mặt phẳng tiêu của L2.

+ Hứng ảnh của các thành phần đơn sắc khi qua lăng kính P: vạch quang phổ.

+ Tập hợp các vạch quang phổ chụp được làm thành quang phổ của nguồn F . 

2.2. Quang phổ phát xạ

– Quang phổ phát xạ của một chất là quang phổ của ánh sáng do chất đó phát ra, khi được nung nóng đến nhiệt độ cao.

– Có thể chia thành 2 loại:

a. Quang phổ liên tục

– Là quang phổ mà trên đó không có vạch quang phổ, và chỉ gồm một dải có màu thay đổi một cách liên tục.

– Do mọi chất rắn, lỏng, khí có áp suất lớn phát ra khi bị nung nóng.

b. Quang phổ vạch

– Là quang phổ chỉ chứa những vạch sáng riêng lẻ, ngăn cách nhau bởi những khoảng tối.

– Do các chất khí ở áp suất thấp khi bị kích thích phát ra.

– Quang phổ vạch của các nguyên tố khác nhau thì rất khác nhau (số lượng các vạch, vị trí và độ sáng các vạch), đặc trưng cho nguyên tố đó.

2.3. Quang phổ hấp thụ

– Quang phổ liên tục, thiếu các bức xạ do bị dung dịch hấp thụ, được gọi là quang phổ hấp thụ của dung dịch.

– Các chất rắn, lỏng và khí đều cho quang phổ hấp thụ.

– Quang phổ hấp thụ của chất khí chỉ chứa các vạch hấp thụ. Quang phổ của chất lỏng và chất rắn chứa các “đám” gồm cách vạch hấp thụ nối tiếp nhau một cách liên tục.