1.1. Lực và gia tốc
Ôn tập nội dung kiến thức Bài 1: Lực và gia tốc
– Với một vật có khối lượng không đổi, giá trị a của gia tốc tỉ lệ thuận với giá trị F của lực tác dụng: \(a = \frac{F}{m}\).
– Trong hệ SI có 7 đơn vị cơ bản.
1.2. Một số lực thường gặp
Ôn tập nội dung kiến thức Bài 2: Một số lực thường gặp
– Hai lực nằm dọc theo một đường thẳng, ngược chiều, tác dụng vào cùng một vật và có độ lớn bằng nhau là hai lực cân bằng.
– Trọng lực là lực hấp dẫn của Trái Đất tác dụng lên vật. Trọng lực đặt vào trọng tâm của vật, có phương thẳng đứng, chiều hướng xuống, độ lớn gọi là trọng lượng và tính bằng P = mg.
– Lực ma sát luôn ngược hướng chuyển động.
– Vật chuyển động trong nước hoặc không khí chịu tác dụng lực cản của môi trường ngược hướng chuyển động.
– Lực đẩy Archimedes có xu hướng đẩy vật lên phía trên khối chất lỏng hoặc chất khí.
– Lực căng dây xuất hiện khi dây bị kéo căng, có phương dọc theo dây, chiều chống lại xu hướng bị kéo giãn. Lực đàn hồi của lò xo là lực căng của lò xo.
– Vật rơi nhanh dần dưới tác dụng của trọng lực thì lực cản của không khí cũng tăng dần. Khi lực cản cân bằng với trọng lực thì vật đạt tốc độ ổn định.
1.3. Ba định luật Newton về chuyển động
Ôn tập nội dung kiến thức Bài 3: Ba định luật Newton về chuyển động
– Định luật I Newton: Vật sẽ đứng yên hoặc chuyển động thẳng đều mãi mãi trừ khi có hợp lực khác không tác dụng lên vật.
– Định luật II Newton: Với một vật có khối lượng không đổi, gia tốc của nó tỉ lệ thuận với độ lớn và cùng hướng với hợp lực tác dụng lên vật.
– Định luật III Newton: Khi hai vật tương tác, mỗi vật tác dụng một lực lên vật kia, hai lực này cùng nằm dọc theo một đường thẳng, ngược chiều và có độ lớn bằng nhau.
1.4. Khối lượng riêng. Áp suất chất lỏng
Ôn tập nội dung kiến thức Bài 4: Khối lượng riêng. Áp suất chất lỏng
– Khối lượng riêng của một chất là khối lượng của một đơn vị thể tích chất đó.
– Chênh lệch áp suất giữa hai điểm trong chất lỏng: \(\Delta p = \rho g\Delta h\).
– Chênh lệch mực chất lỏng giữa hai nhánh của bình thông nhau chứa chất lỏng thường được ứng dụng để đo áp suất.
1.5. Tổng hợp và phân tích lực
Ôn tập nội dung kiến thức Bài 5: Tổng hợp và phân tích lực
– Hợp lực F của hai lực F1, F2 đồng quy, tạo với nhau góc \(\alpha \) có độ lớn được tính bằng
\({F^2} = F_1^2 + F_2^2 + 2{F_1}.{F_2}\cos \alpha \) và có hướng so với hướng của lực F1 được xác định bởi \(\cos \theta = \frac{{{F^2} + F_1^2 – F_2^2}}{{2F.{F_1}}}\)
– Lực F được phân tích thành hai thành phần vuông góc có giá trị tính bằng: \({F_x} = F\cos \theta \) và \({F_y} = F\sin \theta \) với \(\theta \) là góc giữa hướng của lực F và hướng Ox (thường chọn trùng hướng chuyển động).
1.6. Mômen lực. Điều kiện cân bằng của vật
Ôn tập nội dung kiến thức Bài 6: Mômen lực. Điều kiện cân bằng của vật
– Hợp lực của hai lực F1 và F2 song song, cùng chiều là một lực F song song, cùng chiều với hai lực ấy, có độ lớn bằng tổng các độ lớn của hai lực thành phần và điểm đặt O của lực F chia đoạn thẳng nối điểm đặt O1, O2, của hai lực F1, F2 thành những đoạn thẳng tỉ lệ nghịch với độ lớn của hai lực ấy.
– Mômen M của một lực đặc trưng cho tác dụng làm quay của lực đó và được tính bằng tích độ lớn của lực với khoảng cách từ trục quay đến đường thẳng chứa vectơ lực (giá của lực).
– Ngẫu lực là hai lực song song, ngược chiều, bằng nhau về độ lớn tác dụng vào một vật và giá của hai lực cách nhau một khoảng d.
– Mômen của ngẫu lực bằng: M = Fd
– Điều kiện cân bằng tổng quát của một vật rắn gồm:
+ Lực tổng hợp tác dụng lên vật bằng không.
+ Tổng mômen của các lực tác dụng lên vật đối với trục quay bất kì bằng không.