Kho tàng tài liệu học tập phong phú.

Tự đánh giá: Thề nguyền – Ngữ văn 11 Tập 1 Cánh Diều

1.1. Tự đánh giá: Thề nguyền

Đọc văn bản “Thề nguyền” (trang 61 – 63 sgk Ngữ văn lớp 11 Tập 1 – Cánh diều) và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

Câu 1: Trường hợp nào dưới đây không phải là điển cố?

A. Trướng huỳnh

B. Rèm the

C. Giấc hòe

D. Đỉnh Giáp non thần

Đáp án B. Rèm the không phải điển cố.

 

Câu 2: Trong câu thơ: Nàng rằng: “Khoảng vắng đêm trường/ Vì hoa nên phải trổ đường tìm hoa”, từ “hoa” được dùng với biện pháp tu từ nào?

A. So sánh

B. Hoán dụ

C. Ước lệ

D. Ẩn dụ

Đáp án D. Ẩn dụ – hoa.

 

Câu 3: Nhận xét nào dưới đây phù hợp với đêm thề nguyền của Kim Trọng – Thúy Kiều trong đoạn trích?

A. Giản dị, thân mật

B. Cầu kì, phức tạp

C. Thơ mộng, thiêng liêng

D. Lễ nghi, khách sáo

Đáp án C. Thơ mộng, thiêng liêng.

 

Câu 4: Những hành động “vội rủ rèm the”, “Xăm xăm băng lối vườn khuya”, “Vì hoa nên phải trổ đường tìm hoa” cho thấy trong tình yêu, Thúy Kiều là người như thế nào?

A. Vội vàng và nông nổi

B. Táo bạo nhưng sỗ sàng

C. Mạnh dạn và chủ động

D. Chân thật nhưng thiếu vẻ đẹp nữ tính

Đáp án A. Vội vàng và nông nổi.

 

Câu 5: Câu thơ “Bây giờ rõ mặt đôi ta/ Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao” cho thấy Thúy Kiều đang sống trong tâm trạng như thế nào? Vì sao?

Lời giải chi tiết:

“Bây giờ rõ mặt đôi ta/ Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao” cho thấy Thúy Kiều đang sống trong tâm trạng lo âu, sợ hại, dự cảm về sự xa cách luôn luôn thường trực.

 

Câu 6: Bình luận nhận định sau của Hoài Thanh: “Gót chân nàng “thoăn thoắt” đi sang nhà Kim Trọng, cái hình ảnh nàng “Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” bây giờ đây vẫn còn có thể làm cho một số người ngơ ngác, phân vân.”. (Trích Nguyễn Du: một trái tim lớn, một nghệ sĩ lớn).

Lời giải chi tiết:

– Hành động của Thúy Kiều “Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” khi sang nhà Kim Trọng trong đêm thề nguyền: Kiều có tình yêu sâu nặng, mãnh liệt với Kim Trọng, do đó bất chấp luật hà khắc của chế độ phong kiến, Kiều đã dám “xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” sang nhà Kim Trọng. Hai từ ngữ “xăm xăm”, “băng” được đặt liền kề nhau cho thấy được sự khẩn trương, gấp gáp của cuộc thề nguyền, Kiều như đang chạy đua với thời gian để buồn tỏ và đón nhận tình yêu, một tình yêu mãnh liệt, tha thiết,…Mặt khác, các từ này cũng dự báo sự không bền vững, sự bất bình thường của cuộc tình Kim Trọng – Thúy Kiều.

 

Câu 7: Cảm nhận của em về không gian của cuộc thề nguyền.

Lời giải chi tiết:

Nguyễn Du đã xây dựng một khung cảnh tuyệt đẹp, một đêm trăng tình yêu, vầng trăng ước hẹn để từ đó thể hiện khát khao về tình yêu tự do của Thúy Kiều, người con gái xinh đẹp, tài hoa nhưng bạc mệnh.Tình yêu giữa Thúy Kiều và Kim Trọng là tình yêu trong sáng, thủy chung, vượt lên trên lễ giáo phong kiến. Chính những điều này đã làm tăng thêm tính hấp dẫn và giá trị nhân văn cho đoạn trích “Thề nguyền” nói riêng và tác phẩm “Truyện Kiều” nói chung.

 

Câu 8: Phân tích tác dụng nghệ thuật của hình tượng “trăng” trong đoạn trích Thề nguyền.

Lời giải chi tiết:

Hình tượng “trăng” trong đoạn trích là biểu tượng cho sự sum vầy, đoàn viên, sự hạnh phúc mỹ mãn, biểu thị cho tình yêu trong sáng, thuần khiết và chân thành của Thúy Kiều và Kim Trọng, trở thành minh chứng thiêng liêng cho tình yêu tuyệt đẹp của đôi trai tài gái sắc.

 

Câu 9: Nêu suy nghĩ của em về tình yêu Thúy Kiều – Kim Trọng qua văn bản Thề nguyền.

Lời giải chi tiết:

Qua đoạn trích Thề nguyền đã cho thấy được sức mạnh của tình yêu mãnh liệt đã khiến cho Thuý Kiều chủ động tìm đến với người mình yêu để thề nguyền và tình tự. Cùng với đó, thể hiện sự đồng lòng sắt son, là tình yêu chân thành sâu sắc đến từ cả hai phía, vượt qua mọi sự ngăn cản của lễ giáo phong kiến – vốn tồn tại khá nặng nề trong tâm thức con người lúc đó, một lòng theo đuổi thứ tình yêu đích thực, tươi đẹp nhất cuộc đời.

1.2. Hướng dẫn tự học

Câu 1: Tìm đọc thêm:

– Một số bài học chữ Hán của Nguyễn Du: Long Thành cầm giả ca (Bài ca người gảy đàn đất Long Thành), Điếu La Thành ca giả (Viếng ca nữ đất La Thành), Sở kiến hành (Những điều trông thấy),…

– Văn tế thập loại chúng sinh (Văn chiêu hồn).

Lời giải chi tiết:

– Bài thơ Điếu La Thành ca giả (Viếng ca nữ đất La Thành):

Nhất chi nùng diễm há Bồng Doanh,

Xuân sắc yên nhiên động lục thành.

Thiên hạ hà nhân liên bạc mệnh?

Trủng trung ưng tự hối phù sinh.

Yên chi bất tẩy sinh tiền chướng

Phong nguyệt không lưu tử hậu danh.

Tưởng thị nhân gian vô thức thú,

Cửu tuyền khứ bạn Liễu Kỳ Khanh.

Sở kiến hành (Những điều trông thấy):

Hữu phụ huề tam nhi

Tương tương toạ đạo bàng

Tiểu giả tại hoài trung

Ðại giả trì trúc khuông

Khuông trung hà sở thịnh

Lê hoắc tạp tì khang

Nhật án bất đắc thực

Y quần hà khuông nhương

Kiến nhân bất ngưỡng thị

Lệ lưu khâm lang lang

Quần nhi thả hỉ tiếu

Bất tri mẫu tâm thương

Mẫu tâm thương như hà

Tuế cơ lưu dị hương

Dị hương sảo phong thục

Mễ giá bất thậm ngang

Bất tích khí hương thổ

Cẩu đồ cứu sinh phương

Nhất nhân kiệt dung lực

Bất sung tứ khẩu lương

Duyên nhai nhật khất thực

Thử kế an khả trường

Nhãn hạ uỷ câu hác

Huyết nhục tự sài lang

Mẫu tử bất túc tuất

Phủ nhi tăng đoạn trường

Kỳ thống tại tâm đầu

Thiên nhật giai vị hoàng

Âm phong phiêu nhiên chí

Hành nhân diệc thê hoàng

Tạc tiêu Tây Hà dịch

Cung cụ hà trương hoàng

Lộc cân tạp ngư xí

Mãn trác trần trư dương

Trưởng quan bất hạ trợ

Tiểu môn chỉ lược thường

Bát khí vô cố tích

Lân cẩu yếm cao lương

Bất tri quan đạo thượng

Hữu thử cùng nhi nương

Thuỳ nhân tả thử đồ

Trì dĩ phụng quân vương

Câu 2: Trên cơ sở phân tích điểm tương đồng giữa bài Đọc “Tiểu Thanh kí” với đoạn thơ sau trong Truyện Kiều để tìm hiểu đề tài mà Nguyễn Du quan tâm trong sáng tác của ông.

Rằng: Hồng nhan tự thưở xưa

Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu

Nỗi niềm tưởng đến mà đau

Thấy người nằm đó biết sau thế nào?”

Lời giải chi tiết:

Nguyễn Du là một trong những nhà thơ luôn đau đáu khôn nguôi về phận đời bất hạnh của người phụ nữ, người phụ nữ là hình ảnh trung tâm trong các tác phẩm của ông. Đặc điểm chung của những tác phẩm đó là khắc họa người phụ nữ mang những vẻ đẹp về cả ngoại hình lẫn phẩm chất. Họ là những người tài sắc vẹn toàn, nhưng lại truân chuyên. Họ đều phải trải qua những tháng ngày bất hạnh, tuy là những người ở những thời đại khác nhau, song đều gặp chung ở số phận tài hoa nhưng bạc mệnh.

 

Câu 3: Tìm đọc một số bài phân tích, đánh giá về Truyện Kiều (nhất là các bài liên quan đến các đoạn trích trong sách giáo khoa), một số bài thơ viết về Nguyễn Du và Truyện Kiều (ví dụ: Kính gửi cụ Nguyễn Du của Tố Hữu, Bài học nhỏ về nhà thơ lớn của Tế Hanh, Nhớ Tố Như của Huy Cận, Bên mộ cụ Nguyễn Du của Vương Trọng,…)

Lời giải chi tiết:

Kính gửi cụ Nguyễn Du (Tố Hữu):

Nửa đêm qua huyện Nghi Xuân

Bâng khuâng nhớ Cụ, thương thân nàng Kiều…

 

Hỡi lòng tê tái thương yêu

Giữa dòng trong đục, bánh bèo lênh đênh

Ngổn ngang bên nghĩa bên tình

Trời đêm đâu biết gửi mình nơi nao?

Ngẩn ngơ trông ngọn cờ đào

Đành như thân gái sóng xao Tiền Đường!

 

Nỗi niềm xưa nghĩ mà thương:

Dẫu lìa ngó ý, còn vương tơ lòng…

Nhân tình, nhắm mắt, chưa xong

Biết ai hậu thế, khóc cùng Tố Như?

Mai sau, dù có bao giờ…

Câu thơ thuở trước, đâu ngờ hôm nay!

 

Tiếng đàn xưa đứt ngang dây

Hai trăm năm lại càng say lòng người

Trải bao gió dập sóng dồi

Tấm lòng thơ vẫn tình đời thiết tha

Đau đớn thay phận đàn bà

Hỡi ôi, thân ấy biết là mấy thân!

 

Ngẫm xem qua kiếp phong trần

Đời vui nay đã nửa phần vui đây.

Song còn bao nỗi chua cay

Gớm quân Ưng Khuyển, ghê bầy Sở Khanh.

Cũng loài hổ báo ruồi xanh

Cũng phường gian ác hôi tanh hại người!

 

Tiếng thơ ai động đất trời

Nghe như non nước vọng lời nghìn thu

Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du

Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày.

Hỡi Người xưa của ta nay

Khúc vui xin lại so dây cùng Người!

 

Sông Lam nước chảy bên đồi

Bỗng nghe trống giục ba hồi gọi quân…

– Bài học nhỏ về nhà thơ lớn (Tế Hanh)

Tôi về Nghi Xuân

Hỏi quê nhà thi sĩ

Một bà cụ trả lời tôi giản dị:

Nguyễn Du nào tôi chẳng nhớ tên

 

Tôi nói thêm: Nguyễn Du người đã viết

Truyện thơ nôm hay nhất, Truyện Kiều

Cụ vội đáp: Thế thì tôi biết

Rẽ hướng này ông hãy đi theo

 

Cụ vui vẻ: Chúng tôi ai chẳng thuộc

Một ít câu Kiều như từ thuở ông cha

Người yêu đoạn cuối Kim Kiều tái hợp

Người yêu đoạn đầu trong cõi người ta

 

Đoạn báo oán báo ân tôi thích nhất

Khi Thuý Kiều vạch tội lũ Hoạn thư

Bọn Khuyển Ưng, Tú bà, Sở Khanh… đền tội ác

Và sư Giác Duyên, chị quản gia… được trả nghĩa nhân từ

 

Tôi chào cụ ra đi, suy nghĩ:

Đây là thơ không biết có thời gian

Nhà thi sĩ của những nhà thi sĩ

Ôi người con yêu quý của Việt Nam!

 

Một nhân vật như Thuý Kiều đã đi vào lịch sử

Chịu thay chúng ta bao áp bức trên đời

Những câu thơ thành ca dao tục ngữ

Ru hồn ta như tiếng mẹ ru nôi

 

Bà cụ không nhớ tên Nguyễn Du có gì đâu đáng trách

Một cái tên như bao cái tên thường

Nhưng cụ đã gửi lòng trong áng sách

Theo dõi đời Kiều từng đoạn từng chương

 

Cuộc gặp gỡ tình cờ đem cho tôi bài học

Như thể qua hai trăm năm, nhà thơ nhắn lại bây giờ

Hãy đi con đường vào trái tim bạn đọc

Người ta có thể quên tên người làm thơ nhưng đừng để quên thơ