Kho tàng tài liệu học tập phong phú.

Tự đánh giá: Thế hệ trẻ cần có quyết tâm lớn và phải biết hành động – Ngữ văn 11 Tập 2 Cánh Diều

1.1. Tự đánh giá: Thế hệ trẻ cần có quyết tâm lớn và phải biết hành động

Đọc văn bản “Thế hệ trẻ cần có quyết tâm lớn và phải biết hành động” (trang 142 sgk Ngữ Văn 11 Tập 2 – Cánh diều) và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

Câu 1: Mục đích của bài viết là gì?

A. Thuyết phục mọi người dân phải có quyết tâm và hành động vì mục tiêu phát triển đất nước hùng cường

B. Thuyết phục các bạn trẻ phải có quyết tâm và hành động xứng đáng để xây dựng đất nước hùng mạnh

C. Khẳng định truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất của nhân dân ta trong lịch sử chống giặc ngoại xâm

D. Khẳng định những cơ hội và thách thức lớn đối với đất nước ta trong thời kì hội nhập quốc tế

Đáp án: B.

 

Câu 2: Đối tượng chính mà bài viết muốn hướng tới là ai?

A. Công nhân, chuyên viên giỏi

B. Kĩ sư, bác sĩ, giảng viên

C. Cán bộ lãnh đạo, quản lí

D. Học sinh, sinh viên, trí thức trẻ

Đáp án: D.

 

Câu 3: Theo tác giả, Việt Nam chỉ “nhỏ bé” ở giai đoạn lịch sử nào?

A. Trước thế kỉ XX

B. Từ đầu thế kỉ XX đến trước năm 1945

C. Từ năm 1945 đến trước đổi mới (1986)

D. Từ năm 1986 đến năm 2006 (20 năm đổi mới)

Đáp án: B.

 

Câu 4: Để khẳng định Việt Nam không phải là nước nhỏ bé, tác giả đã không đưa ra những lí lẽ hoặc dẫn chứng nào?

A. Cùng với Lào, Cam-pu-chia, chúng ta là Đông Dương thuộc Pháp có 95% dân số thoát nạn mù chữ

B. Cách mạng tháng Tám thành công dẫn đến sự ra đời của Nhà nước Cách mạng đầu tiên ở Đông Nam châu Á

C. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp với Chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng, làm lung lay cả hệ thống thực dân thế giới

D. Cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ kéo dài hai mươi mốt năm và kết thúc với thắng lợi vĩ đại khiến cả thế giới biết đến Việt Nam

Đáp án: A.

 

Câu 5: Với việc dẫn ra các số liệu (Việt Nam thu nhập 600 USD / đầu người / năm. Thái Lan: 2 000 USD / đầu người / năm, Ma-lai-xi-a: 5 000 USD / đầu người / năm, Hàn Quốc năm 1950 mới 100 USD / đầu người / năm đến nay đã lên đến trên 19 000 USD/ đầu người / năm,…), tác giả muốn làm rõ điều gì?

A. Việt Nam đã xuất khẩu được gạo và nhiều hàng hoá ra các nước trên thế giới 

B. Việt Nam là quốc gia phát triển, có tốc độ tăng trưởng kinh tế tương đối tốt 

C. Việt Nam vẫn còn là nước rất nghèo, tụt hậu so với nhiều nước xung quanh 

D. Việt Nam có mức thu nhập tính trên đầu người thuộc nhóm thấp ở Đông Nam Á

Đáp án: C.

 

Câu 6: Phương án nào thể hiện đúng và đầy đủ nhất những mong muốn của tác giả đối với thế hệ trẻ?

(1) Phải đứng dậy, không né tránh mà chấp nhận cuộc đấu tranh, hội nhập quốc tế, tham gia WTO.

(2) Phải biết đặt lợi ích của Tổ quốc lên trên hết để đoàn kết lại thành một khối, từ đó tạo ra sức mạnh.

(3) Phải giúp mọi người dân tăng trưởng kinh tế, tăng thu nhập để sánh vai với các nước trong khu vực.

(4) Phải biết cách học để trở thành những người có chuyên môn giỏi, có năng lực tốt và tầm nhìn xa.

(5) Phải biết đấu tranh và vượt qua những yếu kém, tiêu cực đang làm cho mọi người bất bình, căm giận.

A. (1) (2) (3).

B. (1)-(3)-(5).

C. (2) (3) (4).

D. (2)-(4)-(5).

Đáp án: D.

 

Câu 7: Em hiểu ý của tác giả trong câu văn sau như thế nào: “Bản thân học sinh và sinh viên phải tự mình khắc phục những suy nghĩ lệch lạc, những tiêu cực của mình …”?

Trả lời:

Ý của tác giả trong câu văn: “Bản thân học sinh và sinh viên phải tự mình khắc phục những suy nghĩ lệch lạc, những tiêu cực của mình …” là: học sinh và sinh viên là những người làm chủ đất nước tương lai. Vì vậy, họ cần trau dồi và rèn luyện, tránh xa các suy nghĩ lệch lạc, tiêu cực để xây dựng và phát triển đất nước.

 

Câu 8: Em có đồng tình với quan điểm dưới đây không? Vì sao?

“Phải có sức mạnh của trí tuệ, chúng ta mới có thể khắc phục những yếu kém, nhược điểm để có thể cạnh tranh với các nước, tiến về phía trước.”.

Trả lời:

Em đồng tình với quan điểm trên vì tri thức là văn minh của nhân loại, có tri thức chúng ta mới có thể tiếp thu những thành tựu của thế giới, để đưa những thành tựu đó trở thành sức mạnh để bảo vệ, phát triển đất nước; giúp đất nước vượt qua những khó khăn, yếu kém, để đủ sức cạnh tranh với năm châu và tiến tới tương lai.

 

Câu 9:  Bằng các lí lẽ và dẫn chứng cụ thể, em hãy làm sáng tỏ luận điểm sau: “Ta còn nhiều khó khăn nhưng mọi người đều thấy hiện nay ta có vận hội lớn …”.

Trả lời:

Các lí lẽ và dẫn chứng cụ thể để làm sáng tỏ luận điểm:

Những khó khăn:

+ Sự chống phá của các thế lực thù địch trong và ngoài nước.

+ Điều kiện môi trường sống không tốt với các hiện tượng thời tiết cực đoan lũ lụt, hạn hán, thiên tai, mất mùa.

+ Bị chiến tranh tàn phá, bắt đầu phát triển muộn hơn so với các nước khác…

Những vận hội:

+ Tinh thần yêu nước của nhân dân ta.

+ Nguồn thiên nhiên và nhân lực lao động dồi dào.

+ Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã kiên cường vượt qua nhiều khó khăn, giành nhiều thành tựu, được cả thế giới khen ngợi….

Dẫn chứng:

+ Liên tiếp từ năm 2016 – 2019, Việt Nam đứng trong top 10 nước tăng trưởng cao nhất thế giới, là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất. 

+ Năm 2020, Kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng dương 2,91%, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 543,9 tỷ USD, tăng 5,1% so với năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 281,5 tỷ USD, nhập khẩu 262,4 tỷ USD. Thị trường trong nước ổn định, hàng hóa dồi dào, giá cả phải chăng ngay trong giai đoạn khó khăn do đại dịch. Dòng vốn FDI tiếp tục đổ về Việt Nam trong năm qua với 28,5 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn.

1.2. Hướng dẫn tự học

Câu 1: Tìm đọc các văn bản nghị luận sau:

– Toàn văn bài viết (tiểu luận) Một thời đại trong thi ca trong Thi nhân Việt Nam (Hoài Thanh, Hoài Chân)

– Các bài diễn văn hoặc bài phát biểu của các nhà chính trị, văn hoá, khoa học nổi tiếng thế giới. Ví dụ: Tôi sẵn sàng để chết (I am prepared to die) của Nen-xơn Man-đê-la (Nelson Mandela), Hẹn hò với định mệnh (Tryst with Destiny) của Gia-oa-hác-lan Nê-ru (Jawaharlal Nehru)….

Trả lời:

– Toàn văn bài viết (tiểu luận) Một thời đại trong thi ca trong Thi nhân Việt Nam (Hoài Thanh, Hoài Chân):

https://kien-thuc.fandom.com/vi/wiki/M%E1%BB%99t_th%E1%BB%9Di_%C4%91%E1%BA%A1i_trong_thi_ca

Tôi sẵn sàng để chết (I am prepared to die) của Nen-xơn Man-đê-la (Nelson Mandela):

https://dotchuoinon.com/2011/09/15/cac-di%E1%BB%85n-van-lam-thay-d%E1%BB%95i-th%E1%BA%BF-gi%E1%BB%9Bi-toi-la-b%E1%BB%8B-cao-d%E1%BA%A7u-tien-nelson-mandela/

 

Câu 2: Viết bài văn trình bày ý kiến về một hiện tượng đời sống ở địa phương mà em đang sinh sống hoặc của nhân loại mà em thấy gần gũi, thiết thực. 

Trả lời:

Cứ mỗi dịp tháng tư về, khi mà đất nước đang hân hoan trong những ngày mùa xuân lịch sử của ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, tôi lại thấy xúc động khi nghe những giai điệu của bài hát “Lá Cờ”:

“Tôi lớn lên khi đất nước không còn chia Bắc – Nam
Chẳng biết chiến tranh là gì, chỉ được nghe trong những câu chuyện của cha…”

Có lẽ những thế hệ đi trước đã từng chứng kiến hai cuộc chiến tranh lớn của dân tộc sẽ không bao giờ có thể quên được những năm tháng đau thương mà hào hùng đó. Tôi tự hỏi để có nền độc lập như hôm nay, con người đã phải chịu đựng những hậu quả nào của chiến tranh?

Thật khó để có thể hiểu rõ chiến tranh là gì. Nhưng nếu hiểu một cách đơn giản nhất, chiến tranh là một hiện tượng xã hội mang tính lịch sử. Đó là hoạt động đấu tranh giữa các nước, các giai cấp, các lực lượng chính trị có xung đột về lợi ích, địa vị đối lập nhau. Các lợi ích đó có thể trên lĩnh vực kinh tế hay chính trị. Một cuộc chiến tranh diễn ra có thể dẫn đến một cuộc chiến về quân sự như hai cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914 – 1918) và Chiến tranh thế giới lần thứ hai (1939 – 1945) hoặc phi quân sự như cuộc Chiến tranh lạnh giữa hai nước Mỹ và Liên Xô (1945 – 1991).Một cuộc chiến tranh nổ ra xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân. Nhưng cho dù nguyên nhân cụ thể của cuộc chiến ấy là gì thì nguyên nhân sâu xa nhất vẫn xuất phát từ việc tranh chấp quyền lợi về kinh tế và chính trị.

Vậy chiến tranh đã gây ra những gì? Khi một cuộc chiến tranh xảy ra, dù là chính nghĩa hay phi nghĩa cũng đều để lại những hậu quả hết sức nặng nề cho các bên tham chiến. Có lẽ chẳng cần phải học lịch sử, mỗi người đều có thể chứng kiến được những hậu quả của chiến tranh. Mất mát to lớn nhất không gì bù đắp được phải chăng chính là con người? Hàng ngàn những ngôi mộ liệt sĩ nằm lặng im trong các nghĩa trang tưởng niệm. Các anh các chị đều là những con người tuổi đời còn rất trẻ mới mười tám đôi mươi với nhiều hoài bão thanh xuân vì chiến tranh phải ra đi, nhưng đều mang trong mình lời thề: “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”. Họ đã yên nghỉ nhưng cho đến tận hôm nay vẫn không ai biết tên biết tuổi biết quê hương của họ ở nơi đâu. Không chỉ là mất mát của người ra đi, đó còn là mất mát của những người ở lại. Không phân biệt quốc gia hay dân tộc, những người mẹ có con tham gia chiến tranh đều chung một tấm lòng: lo lắng khi tiễn con lên đường, mỏi mòn chờ đợi tin tức của con và chạnh lòng, đau đớn khi nghe tin đứa con của mình mãi mãi không trở về. Ở Việt Nam, không hiếm những bà mẹ Việt Nam anh hùng phải chịu cảnh mất đi không chỉ một đứa con. Những người mẹ ấy đã sinh con ra nuôi con lớn nhưng chưa kịp nhận sự đáp đền thì con đã đem đời mình hiến dâng cho tổ quốc. Tự hào đấy nhưng cũng thật đau thương, xót xa. Còn có những người tham gia vào cuộc chiến, họ may mắn trở về nhưng lại mang trong mình những di chứng của cuộc chiến. Họ không thể trở về cuộc sống bình thường, phải sống trong cảm giác bất lực và sự ám ảnh về chết chóc, bom đạn và sự mặc cảm với đồng đội đã hy sinh. Điều đó thực sự còn tàn nhẫn hơn là nỗi đau của người đã ra đi.

Không chỉ là nỗi đau của con người, chiến tranh còn phá hủy cả môi trường tự nhiên. Từ lúc xảy ra cho đến khi kết thúc, chiến tranh đã tàn phá mọi thứ mà nó đi qua. Ô nhiễm môi trường nghiêm trọng bởi khói lửa của bom đạn, của các chất hóa học do con người chế tạo nhằm phục vụ cuộc chiến. Các công trình kiến trúc được coi là văn minh nhân loại, những cánh rừng bất tận không còn màu xanh mà chỉ thấy khói lửa… Chiến tranh cũng khiến cho nền kinh tế trở nên kiệt quệ. Bóc lột giữa con người với con người ngày càng gia tăng, chênh lệch giàu nghèo càng rõ ràng. Cuộc sống của người dân thường xuyên rơi vào đói nghèo, trình độ văn hóa thấp. Mọi quyền dân chủ bình đẳng tự do đều bị xâm phạm một cách nghiêm trọng. Điển hình như ở Việt Nam, trong suốt những năm bị thực dân Pháp đô hộ, nhân dân ta đã bị chúng bóc lột về mọi mặt. Khó có thể quên được nếu đã từng đọc bản “Tuyên ngôn độc lập” của Hồ Chí Minh khi người viết về tội ác của thực dân Pháp:

“Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào. Chúng thi hành những luật pháp dã man.

Chúng lập ba chế độ khác nhau ở Trung, Nam, Bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết.

Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu…”

Không phải cuộc chiến tranh nào cũng là phi nghĩa, cuộc chiến tranh vệ quốc của nước Nga hay cuộc chiến tranh nhân dân ở Việt Nam đều là những cuộc chiến tranh chính nghĩa khi mà nhân dân đứng lên chống lại sự áp bức bóc lột của phát xít Đức hay thực dân Pháp. Cũng không phải cuộc chiến tranh nào cũng xảy ra những xung đột về vũ trang. Ví dụ như Chiến tranh lạnh diễn ra trong hơn bốn mươi năm giữa hai cường quốc là Mỹ và Liên Xô. Tuy không xảy ra xung đột vũ trang trực tiếp nhưng những cuộc xung đột về chính trị và quân sự khiến cho tình hình thế giới luôn trong trạng thái căng thẳng và nguy cơ về cuộc Đại chiến thế giới thứ ba sẵn sàng bùng nổ đã đe dọa nghiêm trọng đến nền hòa bình nhân loại.

Như vậy, mỗi cuộc chiến tranh qua đi thực sự đã để lại những hậu quả nặng nề cho thế giới nói chung và cho đất nước Việt Nam nói riêng. Đối với mỗi học sinh như chúng tôi, là thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước luôn cần cố gắng học tập tốt, tích cực tham gia các hoạt động xã hội như tuyên truyền về hậu quả của chiến tranh, nói không với chiến tranh. Để có thể xứng đáng với thế hệ cha ông đã chiến đấu vì nền tự do của dân tộc, giống như lời bài hát viết về một thời đầy tự hào:

“Một thời chiến đấu cha tôi anh hùng
Một thời gian khó mẹ tôi đảm đang
Vẫn giữ nụ cười và tiếng hát át tiếng bom
Để rồi nay bước trên con đường đời
Dù bao gian khó, chông gai đời tôi
Thì đứng dưới bóng cờ, là con tim ngân lên tiếng ca:
– Đoàn quân Việt Nam đi…”

(Lá cờ)

 

Câu 3: Chuyển bài văn đã thực hiện ở mục 2 thành bài thuyết trình, khuyến khích sử dụng các phần mềm điện tử để tạo các bài thuyết trình hấp dẫn (Ví dụ: Canva, PowerPoint,…) 

Trả lời:

Chào thầy/cô và các bạn. Mình tên là Nguyễn Văn A, hôm nay mình xin được phép thuyết trình về hiện tượng đi xe đạp không đội mũ bảo hiểm.

An toàn giao thông đường bộ là một vấn đề nóng đối với xã hội hiện tại. Nhất là với đối tượng học sinh – những chủ nhân tương lai của đất nước thì càng cần phải giáo dục ngay từ đầu. Ngày nay, nhiều học sinh tham gia giao thông không chấp hành Luật giao thông đường bộ, cụ thể là đi xe đạp điện nhưng không đội mũ bảo hiểm. Hiện tượng này thực sự là một vấn đề đáng lo ngại cho xã hội.

Xe đạp điện là một phương tiện được giới trẻ yêu thích, đặc biệt là học sinh THCS và THPT. Theo quy định của Luật giao thông đường bộ, người điều khiển phương tiện này cần phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, có không ít học sinh đã không chấp hành quy định trên. Nhiều học sinh khi điều khiển xe đạp điện, phóng nhanh vượt ẩu, không đội mũ bảo hiểm. Nhiều học sinh đội mũ bảo hiểm theo cách đối phó: Chỉ khi ra vào trường học vì có sự giám sát của nhà trường. Một số học sinh đội mũ nhưng không cài quai mũ, chỉ cần phóng nhanh hoặc có gió mũ sẽ rơi ra bất cứ lúc nào. Có những bạn còn đem theo mũ bảo hiểm nhưng không đội mà để ở giỏ xe, lúc nhìn thấy lực lượng cảnh sát giao thông từ xa mới dừng lại đội mũ. Học sinh ngồi phía sau cũng không đội mũ bảo hiểm… Những hành vi trên sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho chính bản thân và những người tham gia giao thông xung quanh. Nếu xảy ra tai nạn, người điều khiển phương tiện sẽ gặp phải những chấn thương nghiêm trọng về não bộ, ảnh hưởng đến học tập và công việc trong tương lai. Mũ bảo hiểm không được đeo đúng cách khi rơi xuống đường sẽ gây cản trở giao thông hoặc gây tai nạn cho người khác. Nhiều người không đội mũ bảo hiểm sẽ làm xấu đi hình ảnh một thành phố văn minh.

Vậy nguyên nhân của vấn đề nằm ở đâu? Trước hết, nó xuất phát từ chính học sinh. Do bản thân thiếu hiểu biết về Luật giao thông đường bộ, không nắm rõ hoặc không biết quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe đạp điện. Có những học sinh nắm rõ quy định nhưng vẫn cố tình vi phạm do chủ quan, xem nhẹ mức độ nghiêm trọng. Một số học sinh còn cho rằng đội mũ bảo hiểm gây nóng bức khó chịu và mất thẩm mĩ. Các bạn tự cho rằng không đội mũ bảo hiểm là khác người nên làm vậy để thể hiện gây sự chú ý. Tiếp đến, gia đình cũng chưa thực sự quan tâm giám sát để nhắc nhở con cái của mình kịp thời. Về phía nhà trường chưa có biện pháp giáo dục một cách hiệu quả và sinh động, gắn với thực tế cuộc sống để học sinh rèn luyện ý thức chấp hành Luật giao thông. Cuối cùng, phải kể đến sự lờ là của lực lượng cảnh sát không nghiêm khắc xử lý mà còn bỏ qua cho những hành vi trái pháp luật. Chính vì vậy, biện pháp khắc phục cần đến từ sự chung tay của gia đình, nhà trường và xã hội. Gia đình thường xuyên nhắc nhở để mỗi người tự hình thành thói quen đội mũ bảo hiểm khi điều khiển phương tiện giao thông. Nhà trường thường xuyên tổ chức những buổi tập huấn về an toàn giao thông đường bộ cho học sinh. Và xã hội cần tích cực tuyên truyền, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về an toàn giao thông. Đối với lực lượng cảnh sát an ninh cần nghiêm khắc xử lí các hành vi sai quy định. Còn với riêng em cũng là một người sử dụng xe đạp điện cũng tự ý thức phải nghiêm chỉnh chấp hành quy định.

Hiện tượng học sinh không đội mũ bảo hiểm khi tham gia điều khiển xe đạp điện đang ngày càng gia tăng. Vì vậy, mỗi học sinh hãy có ý thức đội mũ bảo hiểm và nhắc nhở mọi người cùng thực hiện để xây dựng một xã hội văn minh hơn.

Trên đây là bài trình bày của tôi, cảm ơn thầy/cô và các bạn đã lắng nghe. Rất mong nhận được sự góp ý từ phía thầy/cô và các bạn.