1.1. Yêu cầu
– Giới thiệu được vấn đề nghiên cứu, lí do chọn vấn đề.
– Trình bày khái quát những kết quả nghiên cứu chính.
– Sử dụng kết hợp phương tiện ngôn ngữ và phi ngôn ngữ để nội dung trình bày được rõ ràng và hấp dẫn.
1.2. Cách làm
a. Chuẩn bị nói:
Mục đích của việc trình bày báo cáo kết quả nghiên cứu là “tô đậm” những thông tin chính trong báo cáo nghiên cứu, thu thập thông tin phản hồi từ người nghe. Để thực hiện được mục đích này, ngoài việc chuẩn bị về nội dung, người nói cần đặc biệt chú ý đến việc sử dụng các hình thức, phương tiện trình bày sao cho hiệu quả, phù hợp. Có thể tham khảo một số gợi ý sau đây:
– Tìm hiểu về người nghe và bối cảnh giao tiếp: Báo cáo kết quả nghiên cứu có thể được trình bày trong một hội thảo dành cho đối tượng học sinh, một diễn đàn chuyên môn, hoặc một buổi thuyết trình về một dự án,…
– Xác định mục đích giao tiếp: Việc trình bày báo cáo kết quả nghiên cứu có thể hướng tới nhiều mục đích: chia sẻ một ý tưởng sáng tạo, thu hút và kêu gọi tham gia một dự án mới,…
– Xác định những nội dung chính cần trình bày: Đề tài nghiên cứu của bạn là gì? Tại sao bạn chọn vấn đề đó? Những kết luận chính của bạn là gì?…
– Xác định các hình thức, phương tiện trình bày phù hợp: Để gia tăng sức hấp dẫn và thuyết phục của bài trình bày, ngoài việc sử dụng phương tiện ngôn ngữ, bạn có thể sử dụng các phương tiện phi ngôn ngữ như ngôn ngữ cơ thể, các hình ảnh, sơ đồ, biểu đồ, đồ hoạ, bảng biểu,.. Việc sử dụng các phương tiện phi ngôn ngữ cần đảm bảo một số nguyên tắc như: Tối giản – Trực quan hoá – Ấn tượng.
b. Thực hành nói:
Bài thuyết trình báo cáo kết quả nghiên cứu thường có những nội dung chính sau:
– Mở bài: Nêu tên, lí do chọn vấn đề nghiên cứu, các kết luận chính của báo cáo kết quả nghiên cứu.
– Triển khai: Tóm tắt các luận điểm chính, lựa chọn một hoặc một vài phương tiện phi ngôn ngữ để minh hoạ, nhấn mạnh thông tin chính cũng như thu hút sự chú ý của khán giả.
– Kết luận: Khái quát những kết quả nghiên cứu chính, gợi mở các hướng đi mới của đề tài, thể hiện một thái độ sẵn sàng đối thoại một cách chân thành, cởi mở.
c. Trao đổi:
Người nói |
Người nghe |
– Lắng nghe, trả lời câu hỏi và phản hồi về những phản biện của người nghe. – Tự đánh giá, sửa chữa, hoàn thiện báo cáo kết quả nghiên cứu. |
– Đặt ra các câu hỏi để tìm hiểu sâu thêm về đề tài. – Phản biện lại những nội dung vừa trình bày hoặc đưa ra một cách kiến giải khác, một nguồn thông tin khác về vấn đề. |