Kho tàng tài liệu học tập phong phú.

Tin học 11 Kết nối tri thức Bài 1: Hệ điều hành

1.1. Lịch sử phát triển của hệ điều hành máy tính cá nhân

– Sự thân thiện và dễ sử dụng là tiêu chí quan trọng nhất đối với máy tính cá nhân dành cho người dùng phổ thông.

– Hệ điều hành máy tính cá nhân phát triển cơ chế “plug & play” để tự động nhận biết thiết bị ngoại vi khi khởi động máy tính và giao diện đồ hoạ để tăng tính trực quan cho người sử dụng.

– Cơ chế “plug & play” giúp hệ điều hành nhận biết thiết bị ngoại vi và hỗ trợ cài đặt các chương trình điều khiển một cách tự động.

– Ban đầu, hệ điều hành máy tính cá nhân sử dụng giao diện dòng lệnh trong đó người dùng phải gõ các lệnh, chẳng hạn trong hệ điều hành DOS, lệnh: 

Giao diện lệnh của DOS

– Bước phát triển tiếp theo là sử dụng giao diện đồ hoạ với các đối tượng thể hiện bằng hình ảnh bao gồm cửa sổ, biểu tượngchuột.

– Giao diện đồ hoạ có tính trực quan, giúp người sử dụng giao tiếp với máy dễ dàng hơn. Một số hệ điều hành đã hỗ trợ giao tiếp bằng giọng nói.

– Dòng máy tính cá nhân chủ đạo là dòng Mac và dòng PC, sử dụng hệ điều hành macOS của Apple và Windows của Microsoft.

 

a. Hệ điều hành Windows

Windows đã có nhiều phiên bản, bao gồm các phiên bản quan trọng sau đây:

– Phiên bản 1 phát hành vào năm 1985 với giao diện đồ hoạ.

– Phiên bản 3 (1990) có khả năng đa nhiệm và chức năng kéo thả.

– Tính năng cơ bản của hệ điều hành mới được tích hợp trực tiếp vào Windows từ phiên bản Windows 95 (1995) với cơ chế plug & play lần đầu tiên được sử dụng.

– Windows XP (2001) là phiên bản thành công nhất với nhiều cải tiến đáng kể về giao diện và hiệu suất làm việc.

– Windows 7 (2009), Windows 8 (2012), Windows 10 (2015) và Windows 11 (2021) là thế hệ mới với nhiều thay đổi lớn, dễ dùng hơn và ổn định hơn.

Giao diện đồ hoạ Windows

Một số thống kê vào năm 2018 cho thấy hơn 86% người dùng máy tính sử dụng Windows, khiến nó thống trị thị trường hệ điều hành máy tính cá nhân.

 

b. Hệ điều hành Linux và các phiên bản

– LINUX xuất phát từ hệ điều hành UNIX, một hệ điều hành đa nhiệm và đa người dùng được phát triển từ năm 1969.

– LINUX do Linus Torvalds viết vào năm 1991 và phiên bản LINUX 1.0 được công bố chính thức vào năm 1994 dưới dạng mã nguồn mở.

– LINUX khởi đầu trào lưu phần mềm nguồn mở và sử dụng rộng rãi cho cả máy tính cá nhân, máy chủ và các thiết bị nhúng (ti vi, ô tô tự lái,…).

– Đã có nhiều biến thể của LINUX ra đời như RedHat (viết năm 1994 và phát hành 1999), Suse (1996), Ubuntu (2004) thậm chí hệ điều hành Android cũng được xây dựng trên lõi của LINUX.

Màn hình nền của Ubuntu

 

1.2. Hệ điều hành cho thiết bị di động

– Điện thoại thông minh và máy tính bảng thúc đẩy tiến trình tin học hoá xã hội.

– Thiết bị di động trang bị nhiều tiện ích ngoài nghe gọi như chụp ảnh, quay phim, định vị, ghi nhận tình trạng sức khoẻ.

– Hệ điều hành cho thiết bị di động thường có giao diện thân thiện, hỗ trợ cá nhân và dễ dàng kết nối mạng không dây như wifi, internet di động (3G, 4G, 5G,…), bluetooth hay giao tiếp gần NFC.

– iOS của Apple và Android của Google là hai hệ điều hành phổ biến cho thiết bị di động.

Các khác biệt của hệ điều hành cho thiết bị di động:

– Giao diện thân thiện với người dùng qua các cảm biến.

– Kết nối mạng di động dễ dàng.

– Nhiều tiện ích hỗ trợ cá nhân.

 

1.3. Quan hệ giữa hệ điều hành, phần cứng và phần mềm ứng dụng

– Trước đây, máy tính chưa có hệ điều hành, người sử dụng phải nạp chương trình thủ công vào bộ nhớ.

– Ngày nay, nhiều thiết bị chuyên dụng có bộ vi xử lí và chương trình được cài sẵn trong bộ nhớ ROM.

– Tuy nhiên, với thiết bị đa năng như máy tính, cần có hệ điều hành để quản lý nhiều phần mềm và dữ liệu trong bộ nhớ ngoài, cùng điều phối tài nguyên cho các ứng dụng.

– Hệ điều hành cung cấp các dịch vụ điều khiển máy tính để thực hiện các công việc cơ bản cho các chương trình ứng dụng.

Mối quan hệ giữa phần cứng, phần mềm ứng dụng và hệ điều hành

Hệ điều hành là môi trường để phần mềm ứng dụng khai thác hiệu quả phần cứng