Kho tàng tài liệu học tập phong phú.

Thực hành tiếng Việt trang 91 – Ngữ văn 11 Tập 1 Cánh Diều

1.1. Khái niệm ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết

Ngôn ngữ nói: Là ngôn ngữ âm thanh, là lời nói trong giao tiếp hàng ngày.

Ngôn ngữ viết: Là ngôn ngữ được thể hiện bằng chữ viết trong văn bản và được tiếp nhận bằng thị giác.

1.2. Đặc điểm của ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết

1.2.1. Ngôn ngữ nói

Phương tiện ngôn ngữ: Phương tiện được sử dụng là âm thanh (phương tiện ngôn ngữ), kết hợp cử chỉ, điệu bộ, nét mặt, ánh mắt,…(phương tiện phi ngôn ngữ). Do sử dụng các phương tiện này, lời nói khó phổ biến rộng và lưu trữ lâu dài, nếu không được ghi âm, ghi hình.

Tình huống giao tiếp: Có người nói và người nghe; người nói và người nghe có thể đổi vai cho nhau. Để thể hiện thái độ lịch sự, người đối thoại cần đợi đến lượt lời của mình. Khi đối thoại, do cả người nói và người nghe đầu phải phản ứng nhanh nên người nói cần chú ý cân nhắc sử dụng từ ngữ, cách nói sao cho thuyết phục, lịch sự; người nghe cần tập trung chú ý để hiểu đúng và đầy đủ ý kiến người nói.

Hệ thống các yếu tố ngôn ngữ: Ngôn ngữ nói thường sử dụng những từ ngữ giản dị, dễ hiểu và những từ biểu cảm như trợ từ, thán từ. Nhờ có sự hỗ trợ của bối cảnh giao tiếp, người nói có thể sử dụng các câu rút gọn, câu đặc biệt. Người nói có thể sử dụng những yếu tố chêm xen dư thừa để người nghe dễ theo dõi.

1.2.2. Ngôn ngữ viết

Phương tiện ngôn ngữ: Phương tiện được sử dụng là chữ viết (phương tiện ngôn ngữ), kết hợp hình ảnh, kí hiệu, sơ đồ,…(phương tiện phi ngôn ngữ). Nhờ những phương tiện này mà các văn bản viết được phổ biến rộng và lưu giữ rất lâu dài.

Tình huống giao tiếp: Giao tiếp bằng ngôn ngữ viết (viết thư, viết báo, viết sách,…) là hình thức giao tiếp mà người viết và người đọc không thể ngay lập tức đổi vai cho nhau. Nhưng người viết vẫn phải hình dung là viết cho người đọc nhất định và có thể nhận được phản hồi của người đọc.

Hệ thống các yếu tố ngôn ngữ: Ngôn ngữ viết thường là ngôn ngữ được trau chuốt, hoàn chỉnh. Vì đối tượng giao tiếp (người đọc) không có mặt nên người viết cần lựa chọn từ ngữ và cách diễn đạt sao cho người đọc hiểu đúng và hiểu đầy đủ điều mình muốn nói. Ngôn ngữ viết ít sử dụng các câu rút gọn, câu đặc biệt, các yếu tố chêm xen dư thừa.

1.3. Cách sử dụng ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết

– Trong thực tế sử dụng ngôn ngữ, chúng ta có thể gặp ngôn ngữ nói ở dạng viết (đối thoại của các nhân vật trong truyện, bản ghi các cuộc phỏng vấn, tọa đàm, nói chuyện,…) và ngôn ngữ viết ở dạng nói (thuyết trình trước tập thể, đọc văn bản, báo cáo,…).

Ví dụ: Lời nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao:

“Ối làng nước ôi! Cứu tôi với…Ối làng nước ôi! Bố con thằng Kiến nó đâm chết tôi! Thằng lí Cường nó đâm chết tôi rồi, làng nước ôi!…”.

=> Nhận xét: Lời nói của nhân vật Chí Phèo ở đây được thể hiện bằng chữ viết, có các dấu ngắt câu để người đọc dễ theo dõi và hình dung được ngữ điệu của nhân vật. Ngôn ngữ của Chí Phèo tuy có thô lỗ (dùng các từ thằng, nó) nhưng vì được miêu tả trong tác phẩm văn học nên không chứa yếu tố chửi bới tục tĩu có thể có ở một nhân vật lưu manh. Tuy vậy, những đặc điểm của ngôn ngữ nói vẫn được thể hiện rất rõ ở ngữ điệu, các thán từ (ối, ôi), trợ từ (với), các yếu tố dư thừa (lặp lại ba lần tiếng kêu Ối làng nước ôi!, lặp lại chủ ngữ: Bố con thằng Kiến nó đâm chết tôi!).