Kho tàng tài liệu học tập phong phú.

Thực hành tiếng Việt trang 44 – Ngữ văn 10 Tập 2 Chân Trời Sáng Tạo

1.1. Ôn tập về từ Hán Việt

– Trong tiếng Việt có số lượng lớn các từ Hán Việt. Tiếng cấu tạo từ Hán Việt gọi là yếu tố Hán Việt

– Phần lớn các yếu tố Hán Việt được kết hợp tạo thành từ ghép, cũng có một số trường hợp được dùng độc lập như một từ

– Cũng như từ ghép thuần Việt, từ ghép Hán Việt có hai loại chính: từ ghép đẳng lập và chính phụ

– Trật tự của các yếu tố trong từ ghép chính phụ Hán Việt:

+ Có trường hợp giống với trật tự từ ghép thuần Việt: yếu tố chính đứng trước, yếu tố phụ đứng sau

+ Có trường hợp khác với trật tự từ ghép thuần Việt: yếu tố phụ đứng trước, yếu tố chính đứng sau

1.2. Lỗi dùng từ Hán Việt và cách sửa

– Dùng từ không đúng hình thức ngữ âm

Ví dụ: Ông ấy là một đọc giả khó tính.

+ Cách sửa: Nên dùng từ độc giả hoặc từ ngữ thuần Việt người đọc.

– Dùng từ ngữ không đúng nghĩa

Ví dụ: Tự ti là một trong những yếu điểm của anh ấy

+ Ở câu này, người viết dùng sai từ yếu điểm (điểm quan trọng).

+ Cách sửa: Thay từ yếu điểm bằng từ nhược điểm hoặc điểm yếu.

– Dùng từ không phù hợp với khả năng kết hợp

Ví dụ: Những văn nhân và người làm thơ thời trung đại thường chuộng dùng điển cố.

+ Ở câu này, việc kết hợp văn nhân (từ Hán Việt) và người làm thơ (cụm từ thuần Việt) không phù hợp.

+ Cách sửa: Nên dùng cả hai từ ngữ Hán Việt là văn nhân và thi sĩ hoặc cả hai từ thuần Việt là người viết văn và người làm thơ.

– Dùng từ không phù hợp với phong cách

Ví dụ: Dạo này sức khỏe thân mẫu bạn như nào?

+ Đây là câu hỏi giao tiếp thông thường giữa hai người bạn nên cần giản dị, gần gũi hơn là trang trọng, kiểu cách; do đó việc dùng từ Hán Việt là không cần thiết.

+ Cách sửa: Dùng từ thuần Việt mẹ thay cho từ Hán Việt thân mẫu.