Kho tàng tài liệu học tập phong phú.

Thời gian – Văn Cao – Ngữ văn 11 Tập 2 Chân Trời Sáng Tạo

1.1. Tìm hiểu chung

1.1.1. Tác giả Văn Cao

a. Cuộc đời:

– Văn Cao (1923-1995).

– Tên thật là Nguyễn Văn Cao, quê gốc ở Nam Định nhưng sinh ra và lớn lên ở Hải Phòng.

– Là một nghệ sĩ đa tài, Văn Cao có nhiều ảnh hưởng đối với nghệ thuật Việt Nam đương đại trên nhiều lĩnh vực: âm nhạc, hội họa và thơ ca.

Nhà thơ Văn Cao

Nhà thơ Văn Cao (1923-1995)

b. Sự nghiệp sáng tác:

Ca khúc: Tiến quân ca, Thiên thai, Trương Chi, Làng tôi, Trường ca sông Lô, Mùa xuân đầu tiên…

Thơ ca: Lá, Tuyển tập thơ Văn Cao.

1.1.2. Tác phẩm

a. Thể loại:

Bài thơ thuộc thể thơ tự do.

b. Xuất xứ và hoàn cảnh sáng tác:

– Bài thơ ra đời vào mùa xuân Đinh Mão (tháng 2/ 1987).

– Bài thơ được in trong tập thơ “Lá” (1988).

c. Bố cục văn bản:

Sáu dòng thơ đầu: Sức mạnh tàn phá của thời gian.

Sáu dòng thơ cuối: Những điều bất chấp quy luật khắc nghiệt của thời gian.

1.2. Đọc hiểu văn bản

1.2.1. Sức mạnh của thời gian

“Thời gian qua kẽ tay”

– Nhà thơ hình dung thời gian như dòng nước trôi chảy không ngừng nhưng con người không thể níu kéo và nắm giữ được thời gian:

“Làm khô những chiếc lá

Kỉ niệm trong tôi

Rơi

       như tiếng sỏi

                                trong lòng giếng cạn”

– Hình ảnh chiếc lá khô và “tiếng sỏi trong lòng giếng cạn” gợi cảm nhận về sự suy tàn, khô héo, mất dần sức sống.

– Thời gian khiến cho sự sống và cái đẹp cũng tàn phai.

– Thời gian êm đềm, nhẹ nhàng nhưng có sức tàn phá khủng khiếp đến cuộc sống và con người.

Sự chảy trôi của thời gian

Sự chảy trôi của thời gian

1.2.2. Những điều bất chấp quy luật khắc nghiệt của thời gian

Riêng những câu thơ

                                   còn xanh

Riêng những bài hát

                                   còn xanh

Và đôi mắt em

                 như hai giếng nước.

Điệp từ: “riêng”, điệp ngữ “còn xanh” (hai lần) thể hiện mạnh mẽ thái độ thách thức thời gian.

Hình ảnh biểu tượng:

+ “Những câu thơ”, “bài hát”: chỉ những sáng tạo nghệ thuật

+ “đôi mắt em”: biểu tượng tình yêu

Điểm tương đồng giữa các hình ảnh “những câu thơ”, “những bài hát” và “đôi mắt em”: đều gợi cho ta nghĩ đến cái đẹp trường tồn của nghệ thuật và tình yêu, vì nó sống mãi trong tâm hồn con người.

Sự khác biệt của ba hình ảnh trên với hình ảnh “những chiếc lá” (ở sáu dòng thơ đầu): một bên là cái đẹp và sự trường tồn, một bên là sự hủy hoại và tàn phai.

1.3. Tổng kết

1.3.1. Về nội dung

Bài thơ thể hiện những suy tư về thời gian và niềm tin mãnh liệt của tác giả vào sự trường tồn của nghệ thuật và tình yêu.

1.3.2. Về nghệ thuật

– Bài thơ viết theo thể thơ tự do, gần như không có vần.

– Nhịp điệu chậm rãi khiến bài thơ có sự giản dị, trầm lắng, dồn nén, hàm súc, giàu chất suy tưởng.

– Sử dụng nhiều yếu tố tượng trưng.

– Phát huy hiệu quả phép điệp cấu trúc, điệp từ, điệp ngữ.