Kho tàng tài liệu học tập phong phú.

Thảo luận, tranh luận về một vấn đề trong đời sống – Ngữ văn 11 Tập 2 Kết Nối Tri Thức

1.1. Yêu cầu

– Xác định được vấn đề cần thảo luận, tranh luận.

– Đưa ra được ý kiến, quan điểm của cá nhân khi tham gia thảo luận về vấn đề.

– Biết tranh luận với các ý kiến, quan điểm khác để bảo vệ ý kiến, quan điểm của mình.

– Tôn trọng người đối thoại, có tinh thần cầu thị, lắng nghe; biết chấp nhận những ý kiến, quan điểm hợp lí, xác đáng.

1.2. Cách làm

1.2.1. Chuẩn bị thảo luận, tranh luận

* Lựa chọn đề tài

Mỗi cá nhân đề xuất một vấn đề trong đời sống mà mình quan tâm, nhóm hoặc lớp trao đổi để thống nhất việc chọn vấn đề cần thảo luận, tranh luận. Có thể tham khảo một số vấn đề được gợi ý sau đây:

– Nữ sinh Trung học phổ thông trang điểm khi đến trường: Nên hay không nên?

– Với học sinh Trung học phổ thông, giữa tích luỹ kiến thức và rèn luyện kĩ năng sống, điều gì quan trọng hơn?

– Sở thích của bản thân và yêu cầu của cha mẹ, đâu là yếu tố quan trọng trong việc định hướng nghề nghiệp tương lai của mỗi học sinh?

– Giải pháp nào để xử lí mối quan hệ giữa việc phát triển du lịch và giữ gìn, bảo vệ di sản văn hoá?

 

* Tìm ý và sắp xếp ý

– Cần nêu một số câu hỏi và tự trả lời để từ đó tiến hành tìm ý, sắp xếp ý.

Gợi ý:

+ Bản chất của vấn đề là gì? Vấn đề có những khía cạnh quan trọng nào?

Cần có quan điểm như thế nào về vấn đề? Quan điểm đó dựa trên lí lẽ và cơ sở thực tế nào?

Có thể xuất hiện ý kiến trái ngược nào về vấn đề? Ý kiến đó có thoả đáng không? Cần trao đổi lại như thế nào?

1.2.2. Thực hành thảo luận, tranh luận

* Các bước tiến hành:

Để thảo luận, tranh luận, nhóm hoặc lớp cần cử một người chủ trì. Cuộc thảo luận, tranh luận được tiến hành theo các bước sau:

– Người chủ trì nêu lại vấn đề đời sống đã được thống nhất trước để làm đề tài cho cuộc thảo luận, tranh luận.

– Căn cứ vào tín hiệu đăng kí phát biểu của các thành viên, người chủ trì lần lượt chỉ định từng người trình bày ý kiến.

– Người phát biểu đầu tiên phải thể hiện rõ quan điểm về vấn đề hoặc một khía cạnh nào đó của vấn đề.

– Những ý kiến tiếp sau có thể đi theo các hướng:

+ Tán thành ý kiến vừa phát biểu;

+ Bổ sung cách hiểu của mình về vấn đề;

+ Tranh luận với ý kiến của người vừa phát biểu trước đó.

– Các ý kiến thảo luận, tranh luận cần tập trung vào trọng tâm của vấn đề, tránh lạc hướng; huy động lí lẽ và bằng chứng cụ thể, xác thực để củng cố quan điểm của mình.

 

* Những điều cần lưu ý khi thực hành thảo luận, tranh luận

– Khác với việc thảo luận, tranh luận về một vấn đề của văn học, nghệ thuật, việc thảo luận, tranh luận về một vấn đề trong đời sống có những đòi hỏi riêng đối với các đối tượng tham gia:

+ Cần hình thành ý kiến trên cơ sở khai thác thông tin từ sự quan sát, trải nghiệm thực tế.

+ Cần cho thấy được những bộ phận xã hội nào có cách nhìn nhận về vấn đề tương tự cách nhìn nhận của mình (qua đó, người nói thể hiện rõ tư cách phát ngôn của mình, có thể là đại diện cho một bộ phận xã hội nhất định).

+ Cần sử dụng các phương tiện phi ngôn ngữ (tranh, ảnh, video clip…) để minh hoạ khi trình bày về vấn đề thảo luận, tranh luận.

– Người chủ trì căn cứ vào nội dung các ý kiến để tổng kết cuộc thảo luận, tranh luận, có thể khẳng định sự đồng thuận hoặc nêu ra sự tồn tại một số quan điểm khác nhau về vấn đề.