Kho tàng tài liệu học tập phong phú.

Sinh học 11 Kết nối tri thức Bài 18: Tập tính ở động vật

1.1. Khái niệm và vai trò của tập tính

Tập tính là những hành động của động vật trả lời lại kích thích từ môi trường trong và ngoài.

– Tập tính đảm bảo cho động vật tồn tại và phát triển.

– Tập tính tăng khả năng sinh tồn và đảm bảo sự thành công trong sinh sản của động vật.

Tập tính

1.2. Tập tính bẩm sinh và tập tính học được

– Tập tính bẩm sinh là tập tính di truyền từ bố mẹ và đặc trưng cho loài, ví dụ như bản năng giăng tơ phức tạp của nhện.

– Tập tính học được là tập tính được hình thành thông qua học tập và rút kinh nghiệm, không di truyền được. Ví dụ: Khỉ làm xiếc, chó làm toán, …

Bản năng giăng lưới ở nhện

Hình 2. Bản năng giăng lưới ở nhện

1.3. Một số dạng tập tính phổ biến ở động vật

– Tập tính kiếm ăn là quan trọng cho sự sinh tồn của động vật, có lợi ích dinh dưỡng nhưng tiêu tốn năng lượng và có nguy cơ bị thương hoặc bị ăn thịt.

– Tập tính bảo vệ lãnh thổ là kiểm soát khu vực sống để bảo vệ nguồn thức ăn, nơi ở và sinh sản của cá thể hoặc nhóm động vật.

– Tập tính sinh sản gồm nhiều tập tính khác nhau như tìm kiếm bạn tình, làm tổ và ấp trứng, chăm sóc và bảo vệ con non.

– Tập tính di cư gồm di chuyển động vật từ một vùng đến vùng khác, thường là do khan hiếm thức ăn hoặc thời tiết khắc nghiệt.

– Động vật sống trên cạn và chim bồ câu định hướng nhờ vào mặt trời, trăng, sao, địa hình hoặc từ trường trái đất và thành phần hoá học của nước.

– Tập tính xã hội là sống theo bầy đàn, nhiều loài động vật sống theo tập tính này để đem lại nhiều lợi ích nhưng cũng có bất lợi cho các cá thể trong bầy đàn.

Một số dạng tập tính phổ biến ở động vật

Hình 3. Một số dạng tập tính phổ biến ở động vật

1.4. Pheromone

– Là chất hoá học do động vật sản sinh, được giải phóng vào môi trường sống và gây ra các đáp ứng khác nhau ở các cá thể cùng loài.

– Pheromone có vai trò quan trọng trong các tập tính sinh sản, như việc thu hút đối tác của bướm tầm cái.

1.5. Một số hình thức học tập ở động vật

– Học tập là một phần quan trọng của hình thành tập tính ở động vật.

– Các hình thức học tập chủ yếu của động vật bao gồm:

+ Quen nhờn là hình thức học tập đơn giản nhất. Ví dụ: Thả một hòn đá nhỏ bên cạnh rùa, rùa sẽ rụt đầu và chân vào mai, Lặp lại hành động thả đá nhiều lần thì rùa không rụt đầu và chân vào mai nữa.

In vết là quá trình học tập nhanh trong một thời gian ngắn. In vết khác với các kiểu học tập khác là có giai đoạn then chốt, còn gọi là giai đoạn quyết định. Ví dụ: Chim non mới nở có khả năng bám và đi theo vật chuyển động đầu tiên là chim mẹ, sau đó chúng di chuyển theo mẹ.

In vết ở vịt con

Hình 4. In vết ở vịt con

– Học cách nhận biết không gian và các bản đồ nhận thức: Động vật có khả năng hình thành trí nhớ về đặc điểm không gian của môi trường. Bản đồ nhận thức là sự hình dung trong hệ thần kinh về mối quan hệ không gian giữa các vật thể trong môi trường sống của động vật.

– Học liên hệ là khả năng liên kết một đặc điểm môi trường với một đặc điểm khác. Có hai loại học liên hệ là điều kiện hoá đáp ứng và điều kiện hoá hành động.

– Động vật có khả năng học xã hội, học từ các thành viên khác trong cùng một nhóm. Việc học xã hội giúp động vật có thể học được các kỹ năng và kiến thức mới từ những đồng loại thông qua quan sát, giả lập và thử nghiệm.

Nhận thức và giải quyết vấn đề: Dạng học tập phức tạp nhất liên quan đến khả năng nhận biết và xử lí thông tin giải quyết những trở ngại gặp phải. Ví dụ: Cho một con tinh tinh vào một căn phòng có một số hộp trên sàn và một quả chuối treo trên cao hơn tầm với của tinh tinh. Tinh tinh biết xếp chồng các hộp lên nhau và trèo lên hộp để lấy chuối.

1.6. Cơ chế học tập ở người

– Quá trình học tập qua các giai đoạn: tiếp nhận và xử lí thông tin, tăng cường và củng cố

– Cơ sở thần kinh của học tập: tăng cường liên kết thần kinh, thay đổi cấu tạo và hoạt động synapse, hoạt hoá gene và tổng hợp protein.

1.7. Ứng dụng

– Giải trí: Dạy huấn luyện động vật biểu diễn xiếc với sự đối xử nhân đạo.

– An ninh, quốc phòng: Sử dụng chó nghiệp vụ, giúp phát hiện tội phạm và ma túy.

– Nông nghiệp:

+ Tập tính trâu bò trở về chuồng bằng tiếng kẻng.

+ Sử dụng các loài thiên địch và nuôi thả ong mắt đỏ để kiểm soát côn trùng gây hại cho cây trồng.

+ Tạo ra cá thể đực bất thụ để kiểm soát sự sinh sản của côn trùng gây hại.

+ Sử dụng pheromone nhân tạo để bắt côn trùng hại cây.

1.8. Quan sát và mô tả tập tính

1.8.1. Cách tiến hành

– Bước 1: Chọn loài động vật quan sát.

+ Chọn ít nhất hai loài động vật để quan sát và mô tả tập tính.

+ Ví dụ: Côn trùng như gián, bọ ngựa, châu chấu, cào cào, dế mèn, ong, bướm, kiến, nhện, ruồi, muỗi; cá, tôm trong bể nuôi; Lưỡng cư như cóc, ếch; …

– Bước 2: Quan sát và mô tả tập tính.

+ Quan sát và mô tả một số tập tính trong số các tập tính sau: tập tính kiếm ăn, tập tính tự vệ, tập tính bảo vệ lãnh thổ, tập tính sinh sản, tập tính xã hội, …

+ Tìm hiểu nguyên nhân gây ra tập tính ở động vật như tiếng động, âm thanh, ánh sáng, hiện diện của vật hay động vật khác, mùi, va chạm, đói, khát, nhiệt độ, … và tìm hiểu lợi ích khi động vật thực hiện tập tính.

– Ghi chép lại các hành vi mà động vật thể hiện do kích thích từ môi trường ngoài hoặc từ bên trong (ví dụ: đói, khát). Ghi lại ngày, giờ, địa điểm quan sát.

1.8.2. Thu hoạch

Viết báo cáo kết quả quan sát theo các nội dung sau:

Thu hoạch quan sát tập tính ở động vật

Tập tính là những hành động của động vật trả lời lại kích thích từ môi trường, đảm bảo; cho động vật thích nghi để sinh tồn và phát triển.

– Tập tính làm tăng khả năng sinh tồn, tăng sự thành công sinh sản và cân bằng nội môi.

Tập tính bẩm sinh là tập tính sinh ra đã có, di truyền từ bố mẹ, đặc trưng cho loài. Tập tính học được hình thành trong quá trình sống của cá thể, thông qua học tập và rút kinh nghiệm.

– Một số dạng tập tính: kiếm ăn, bảo vệ lãnh thổ, di cư, sinh sản, tập tính xã hội.

Pheromone là tín hiệu hoá học giao tiếp của các cá thể cùng loài.

– Một số hình thức học tập: quen nhờn, in vết, học nhận biết không gian, học liên kết, học xã hội và học giải quyết vấn đề.

– Tập tính động vật được áp dụng trong một số lĩnh vực của đời sống như giải trí săn bắn, an ninh, quốc phòng, nông nghiệp.