Kho tàng tài liệu học tập phong phú.

Sinh học 11 Chân trời sáng tạo Bài 7: Thực hành: Một số thí nghiệm hô hấp ở thực vật

1.1. Chuẩn bị

Dụng cụ: Bình thuỷ tinh 1 L, nến và giá đỡ nến (hoặc que diêm), nhiệt kế, nút cao su không khoan lỗ, nút cao su có khoan hai lỗ, thùng xốp cách nhiệt, phễu thuỷ tinh, cốc thuỷ tinh, bông gòn, ống hút thuỷ tinh.

Hoá chất: Nước cất, nước vôi trong.

Mẫu vật: Hạt đậu xanh (hoặc hạt lúa, hạt ngô,…), mùn cưa.

1.2. Cách tiến hành

1.2.1. Đặt câu hỏi nghiên cứu

Hãy xác định vấn đề được nêu ra trong mỗi hiện tượng thực tiễn sau đây và đặt ra các câu hỏi nghiên cứu về hiện tượng mà em quan sát được.

– Để một số loại rau, củ, quả tươi lâu hơn, người ta thường bảo quản chúng trong ngăn mát tủ lạnh.

– Một số loại nông sản được bảo quản bằng cách phơi khô (hạt lúa, hạt ngô,…) hoặc trong các túi polyethylene (nho, đậu,…).

1.2.2. Đề xuất giả thuyết và phương án chứng minh giả thuyết

Hãy đề xuất các giả thuyết để giải thích cho các vấn đề đã nêu và đề xuất phương án kiểm chứng cho mỗi giả thuyết đó.

1.2.3. Thiết kế nghiên cứu kiểm chứng giả thuyết

Các nhóm tiến hành bố trí công thức thí nghiệm (gồm mẫu đối chứng và mẫu thí nghiệm), so sánh kết quả giữa các công thức thí nghiệm để chứng minh cho nội dung giả thuyết đã đề ra (có thể có nhiều hơn một nhóm làm cùng thí nghiệm và phối hợp các nhóm để thu thập thêm các thông tin, số liệu bổ sung cho giả thuyết ban đầu). Có thể thiết kế thí nghiệm mới trên cơ sở các thí nghiệm bên dưới.

a. Thí nghiệm chứng minh quá trình hô hấp toả nhiệt

– Bước 1: Ngâm khoảng 400 g hạt đậu xanh vào nước ấm (khoảng 40 °C) từ 4 – 6 giờ cho hạt nảy mầm.

– Bước 2: Chia khối hạt đã nảy mầm thành hai phần bằng nhau và cho vào hai bình thuỷ tinh được đánh số 1 và 2. Ở bình 2, đổ nước sôi vào ngâm hạt từ 5 – 10 phút. Sau đó, đổ hết nước ra ngoài.

– Bước 3: Cắm một nhiệt kế vào khối hạt và dùng bông gòn ẩm bịt kín miệng hai bình. Đặt bình thuỷ tinh vào thùng xốp cách nhiệt có chứa mùn cưa.

– Bước 4: Ghi nhận nhiệt độ tại thời điểm cắm nhiệt kế, sau 1 giờ, 2 giờ và 3 giờ.

Thí nghiệm chứng minh quá trình hô hấp tỏa nhiệt

Hình 1. Thí nghiệm chứng minh quá trình hô hấp toả nhiệt

 

b. Thí nghiệm chứng minh quá trình hô hấp thải CO2

– Bước 1: Ngâm khoảng 200 – 300 g hạt đậu xanh vào nước ấm (khoảng 40 °C) từ 4 – 6 giờ cho hạt nảy mầm.

– Bước 2: Cho hạt đã nảy mầm vào bình thuỷ tinh và đậy bình bằng nút cao su có khoan hai lỗ.

Bước 3: Cắm phễu thuỷ tinh vào một trong hai lỗ trên nút cao su, lỗ còn lại cắm một đầu của ống hình chữ U.

Bước 4: Cắm đầu còn lại của ống hình chữ U vào cốc đựng nước vôi trong. Đặt bình vào chỗ tối. Sau 2 – 3 giờ, rót nước cất từ từ, từng ít một qua phễu vào trong bình chứa hạt.

Thí nghiệm chứng minh quá trình hô hấp thải CO2

Hình 2. Thí nghiệm chứng minh quá trình hô hấp thải CO2

Bước 5: Lấy một cốc nước vôi trong khác, dùng ống hút thuỷ tinh thổi hơi nhẹ bằng miệng vào cốc.

Bước 6: Quan sát và so sánh hiện tượng xảy ra trong hai cốc chưa nước vôi trong.

 

c. Thí nghiệm chứng minh quá trình hô hấp tiêu thụ O2

Bước 1: Ngâm khoảng 200 – 300 g hạt đậu xanh vào nước ẩm (khoảng 40 °C) từ 4 – 6 giờ cho hạt nảy mầm. Nút cao su Bình chứa hạt nảy mầm.

Bước 2: Chia khối hạt đã nảy mầm thành hai phần bằng nhau và cho vào hai bình thuỷ tinh được đánh số 1 và 2. Ở bình 2, đổ nước sôi vào ngâm hạt từ 5 – 10 phút. Sau đó, đổ hết nước ra ngoài.

Bước 3: Đậy kín hai bình bằng nút cao su không khoan lỗ, để yên trong 1 – 2 giờ.

Bước 4: Mở nút cao su ở hai bình và nhanh chóng đưa ngọn nến (hoặc que diêm) đang cháy vào trong mỗi bình.

Thí nghiệm chứng minh quá trình hô hấp tiêu thụ O2

Hình 3. Thí nghiệm chứng minh quá trình hô hấp tiêu thụ O2

Bước 5: Quan sát hiện tượng xảy ra với cây nến (hoặc que diêm).

1.2.4. Thảo luận

Các nhóm mô tả kết quả quan sát được và đưa ra kết luận giả thuyết đúng/sai. Từ đó, kết luận vấn đề nghiên cứu.

1.2.5. Báo cáo kết quả thực hành

Viết và trình bày báo cáo theo mẫu:

BÁO CÁO: KẾT QUẢ THỰC HÀNH

MỘT SỐ THÍ NGHIỆM VỀ HÔ HẤP Ở THỰC VẬT

Thứ… ngày … tháng … năm …

Nhóm: …                 Lớp: …                Họ và tên thành viên: …

1. Mục đích thực hiện thí nghiệm.

2. Kết quả và giải thích.

a. Nhiệt độ trong bình chứa hạt thay đổi như thế nào tại thời điểm sau 1 giờ, 2 giờ và 3 giờ so với lúc mới cắm nhiệt kế? Giải thích.

b. Màu sắc ở hai cốc nước vôi trong thay đổi như thế nào? Giải thích.

c. Hiện tượng gì đã xảy ra đối với cây nền (hoặc que diêm) trong mỗi bình thí nghiệm? Giải thích.

d. Khi tiến hành thí nghiệm, tại sao phải dùng hạt đã nảy mầm mà không dùng hạt khô?

3. Kết luận.