1.1. Chuẩn bị
– Dụng cụ: Bình phun, chậu nhỏ (chứa đất ẩm), kéo cắt cành.
– Hoá chất: Dung dịch GA3, nước, phân bón.
– Mẫu vật: Thân cây gỗ cắt ngang, cây đậu xanh (hoặc rau muống, hoa cúc,..), đoạn phim hoặc hình ảnh về quá trình phát triển qua biến thái ở các loài động vật (tằm, ếch nhái, châu chấu,..).
1.2. Cách tiến hành
1.2.1. Đặt câu hỏi nghiên cứu
Hãy xác định vấn đề được nêu trong mỗi hiện tượng thực tiễn sau đây và đặt ra các câu hỏi nghiên cứu về hiện tượng mà em quan sát được.
– Có thể xác định được tuổi của cây thông qua việc đếm số vòng gỗ ở mặt cắt ngang của thân cây.
– Một số loài cây trồng lấy quả (mướp, cà chua, bông,…), ở giai đoạn trước khi ra hoa, người ta thường bấm ngọn để cây ra nhiều quả hơn.
– Một số loài cây cảnh nhỏ (hoa hồng, hoa sứ,..) thường được tỉa cành để kích thích mầm mới tăng trưởng, định hình tán cây, hạn chế sâu hại, …
– Dùng auxin để giúp cành giâm, cành chiết ra rễ.
– Nòng nọc sống hoàn toàn dưới nước, hô hấp bằng mang trong khi ếch trưởng thành sống vừa ở nước vừa ở cạn, hô hấp bằng da và phổi.
Hình 1. Sự sinh trưởng và phát triển ở một số loài sinh vật
1.2.2. Đề xuất giả thuyết và phương án chứng minh giả thuyết
Hãy đề xuất các giả thuyết để giải thích cho các vấn đề đã nêu và đề xuất phương án kiểm chứng cho mỗi giả thuyết đó.
1.2.3. Thiết kế nghiên cứu kiểm chứng giả thuyết
Các nhóm tiến hành bố trí công thức thí nghiệm (gồm mẫu đối chứng và mẫu thí nghiệm), so sánh kết quả giữa các công thức thí nghiệm để chứng minh cho nội dung giả thuyết đã đề ra (có thể có nhiều hơn một nhóm làm cùng thí nghiệm và phối hợp các nhóm để thu thập thêm các thông tin, số liệu bổ sung cho giả thuyết ban đầu). Có thể thiết kế thí nghiệm mới trên cơ sở các thí nghiệm sau.
a. Xác định tuổi của cây
– Bước 1: Dùng thân cây cắt ngang, đếm số vòng gỗ trên mặt cắt ngang của thân cây (số vòng gỗ màu sáng hoặc vòng gỗ màu tối), đếm từ vòng đầu tiên (xung quanh lõi) đến vòng cuối cùng (sát vỏ cây).
– Bước 2: Dựa vào số vòng đếm được để tính tuổi của cây.
b. Thí nghiệm chứng minh tác dụng của bấm ngọn đối với cây
– Bước 1: Trồng một vài hạt đậu xanh đang nảy mầm vào trong hai chậu (được đánh số 1 và 2) có chứa đất ẩm. Tưới nước thường xuyên để giữ cho đất luôn được ẩm trong thời gian một tuần.
– Bước 2: Xử lí các chậu cây.
+ Chậu 1: Để nguyên ngọn.
+ Chậu 2: Bấm ngọn các cây.
+ Tưới nước và bón phân đầy đủ cho mỗi chậu.
– Bước 3: Quan sát và so sánh sự khác nhau giữa các cây ở hai chậu sau 1 – 2 tuần.
Hình 2. Mô tả thí nghiệm chứng minh tác dụng của bấm ngọn đối với cây
c. Thí nghiệm chứng minh tác dụng của tỉa cành đối với cây
– Bước 1: Trồng một vài hạt đậu xanh đang nảy mầm vào trong hai chậu (được đánh số 3 và 4) có chứa đất ẩm. Tưới nước thường xuyên để giữ cho đất luôn được ẩm trong thời gian một tuần.
– Bước 2: Xử lí các chậu cây.
+ Chậu 3: Để nguyên cành.
+ Chậu 4: Tỉa bớt các cành non, cảnh yếu bên dưới. Vệ sinh vết cắt sau khi tỉa cành.
+ Tưới nước và bón phân đầy đủ cho mỗi chậu.
– Bước 3: Quan sát và so sánh sự khác nhau giữa các cây ở hai chậu sau 2 – 3 tuần.
Hình 3. Mô tả thí nghiệm chứng minh tác dụng của tỉa cành đối với cây
d. Thí nghiệm chứng minh tác dụng của kích thích tố đối với cây
– Bước 1: Lấy ba chậu cây đậu xanh có độ tuổi tương đương, đánh số thứ tự 5, 6 và 7.
– Bước 2: Xử lí các chậu cây.
+ Chậu 5: Chỉ tưới nước và bón phân.
+ Chậu 6: Ngoài việc tưới nước và bón phân, phun một lượng nhỏ (khoảng 0,01 – 0,03 mg/L) dung dịch GA3 lên cây, mỗi lần phun cách nhau từ 2 – 3 ngày.
+ Chậu 7:Tiến hành như chậu 6 nhưng phun dung dịch với nồng độ khoảng 0,1 – 0,2 mg/L.
– Bước 3: Quan sát và so sánh sự khác nhau (về chiều cao, số lá, sự ra hoa) giữa các cây ở ba chậu sau 2 – 3 tuần.
e. Quan sát quá trình biến thái ở động vật
– Bước 1: Xem phim về quá trình phát triển của một số loài động vật (tằm, ếch nhái, châu chấu,..).
– Bước 2: Xác định các giai đoạn của quá trình phát triển, mô tả sự biến đổi về hình thái, cấu tạo và sinh lí của động vật ở mỗi giai đoạn.
– Bước 3: So sánh đặc điểm của con non (ấu trùng) so với con trưởng thành, từ đó xác định kiểu biến thái ở động vật.
1.2.4. Thảo luận
Các nhóm mô tả kết quả quan sát được và đưa ra kết luận giả thuyết đúng/sai. Từ đó, kết luận vấn đề nghiên cứu.
1.2.5. Báo cáo kết quả thực hành
Viết và trình bày báo cáo theo mẫu:
BÁO CÁO: KẾT QUẢ THỰC HÀNH QUAN SÁT SỰ SINH TRƯỞNG VÀ PHÁT TRIỂN Ở SINH VẬT Thứ … ngày …. tháng … năm … Nhóm: … Lớp: … Họ và tên thành viên: … 1. Mục đích thực hiện thí nghiệm. 2. Kết quả và giải thích. a. Vì sao khi đếm vòng gỗ ta có thể tính được tuổi ở các cây gỗ lâu năm? b. Sự sinh trưởng của các cây để nguyên so với các cây được bấm ngọn, tỉa cành và phun kích thích tố có gì khác nhau? Giải thích. c. Trong thí nghiệm chứng minh tác dụng của bẩm ngọn, nếu vị trí bấm ở gần gốc cây thì kết quả sẽ như thế nào? Giải thích. d. Kết quả sẽ như thế nào nếu phun kích thích tố lên các cây đã được bấm ngọn hoặc tỉa cành? e. So sánh đặc điểm của con non và con trưởng thành trong các giai đoạn phát triển của loài động vật đã quan sát. Sự khác nhau giữa con non và con trưởng thành có ý nghĩa gì đối với chúng? 3. Kết luận. |