1.1. Khái niệm cảm ứng và vai trò của cảm ứng đối với sinh vật
– Trong quá trình sống, sinh vật luôn chịu những tác động từ môi trường xung quanh, do đó, chúng luôn có những cơ chế đáp ứng lại với các kích thích để có thể thích nghi, tồn tại và phát triển.
– Sự thu nhận và trả lời của cơ thể sinh vật đối với các kích thích của môi trường được gọi là cảm ứng.
– Ví dụ:
+ Ở người, khi trời nóng, cơ thể sẽ toát mồ hôi giúp hạ nhiệt độ cơ thể còn khi trời lạnh cơ thể có phản ứng run giúp tăng sinh nhiệt để giữ ấm.
+ Ngọn cây hướng về phía có ánh sáng đảm bảo thu nhận được nhiều ánh sáng cho quá trình quang hợp.
Hình 1. Cảm ứng ở sinh vật
1.2. Cơ chế cảm ứng
Cơ chế cảm ứng ở sinh vật diễn ra gồm các giai đoạn như hình sau:
Hình 2. Sơ đồ cơ chế cảm ứng ở sinh vật
– Những kích thích từ môi trường (trong và ngoài) được phát hiện và tiếp nhận bởi các thụ thể đặc hiệu.
– Sự liên kết giữa tín hiệu và thụ thể sẽ kích hoạt quá trình truyền tin.
– Thông tin từ bộ phận tiếp nhận được truyền đến bộ phận xử lí thông tin (rễ, thân, lá, hoa ở thực vật; trung ương thần kinh ở động vật có hệ thần kinh) để quyết định hình thức và mức độ phản ứng.
– Sau đó, thông tin trả lời được truyền đến bộ phận thực hiện phản ứng (rễ, thân, lá, hoa ở thực vật; các cơ, tuyến, … ở động vật) để trả lời các kích thích từ môi trường.
– Cảm ứng là sự thu nhận và trả lời của cơ thể sinh vật đối với kích thích từ môi trường, đảm bảo cho sinh vật tồn tại và phát triển. – Cơ chế cảm ứng ở sinh vật gồm các giai đoạn: thu nhận kích thích, dẫn truyền kích thích, xử lí thông tin, trả lời kích thích. – Ở thực vật, kích thích từ môi trường được truyền từ bộ phận thu nhận đến bộ phận xử lí thông tin để đưa ra các đáp ứng. – Ở động vật có hệ thần kinh, kích thích được truyền về trung ương thần kinh để phân tích và tổng hợp; thông tin từ trung ương thần kinh được truyền đến cơ quan trả lời tạo ra các đáp ứng phù hợp. |