1.1. Khái quát chung
– Sinh trưởng là sự tăng về khối lượng và kích thước của các cơ quan hoặc cơ thể. Ví dụ: sự tăng kích thước lá, sự dải ra của rễ, tăng chiều cao cây.
– Phát triển là sự biến đổi về cấu trúc và chức năng của tế bào, mô, cơ quan và cơ thể, diễn ra trong quá trình sống của sinh vật.
– Các dấu hiệu đặc trưng của sinh trưởng: là tăng tế bào (khối lượng, kích thước, số lượng) dẫn đến tăng khối lượng, kích thước cơ thể.
– Các dấu hiệu đặc trưng của phát triển: là phân hoá tế bào, phát sinh hình thái, thay đổi chức năng sinh lí của cơ thể. Sự phát triển của các cơ quan, hệ cơ quan trong cơ thể có thời điểm bắt đầu và tốc độ khác nhau tuỳ theo từng giai đoạn.
– Sinh trưởng và phát triển có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Sinh trưởng tạo tiền để cho phát triển và ngược lại, phát triển là điều kiện thúc đẩy sự sinh trưởng.
Hình 1. Sinh trưởng và phát triển ở cây lạc (đậu phộng)
1.2. Qúa trình sinh trưởng và phát triển ở thực vật
– Quá trình sinh trưởng, phát triển của cơ thể thực vật bắt đầu trong các mô phân sinh và diễn ra tại một số vị trí, cơ quan xác định. Sinh trưởng, phát triển ở thực vật có thể diễn ra trong suốt vòng đời nhờ khả năng phân chia liên tục của các tế bào phân sinh.
– Cơ sở của sinh trưởng, phát triển ở thực vật là quá trình nguyên phân của tế bào phân sinh, sự kéo dài và biệt hoả tế bào. Sinh trưởng ở thực vật gồm sinh trưởng sơ cấp và sinh trưởng thứ cấp.
– Sinh trưởng sơ cấp là sự sinh trưởng được khởi đầu do sự phân chia của các tế bào mô phân sinh đỉnh, làm tăng chiều dài của thân và rễ.
– Sinh trưởng thứ cấp là sự sinh trưởng theo chiều ngang, được khởi đầu do sự phân chia của các tế bào mô phân sinh bên, làm tăng dường kính của thân và rễ cây thân gỗ Hai lá mầm. Mô phân sinh bên gồm tầng phát sinh mạch dẫn và tầng sinh vỏ tham gia tạo nên sinh trưởng thứ cấp.
Hình 2. Sinh trưởng sơ cấp và sinh trưởng thứ cấp ở cây Hai lá mầm
1.3. Qúa trình sinh trưởng và phát triển ở động vật
– Quá trình sinh trưởng và phát triển ở động vật gồm nhiều giai đoạn nối tiếp nhau, đặc điểm của mỗi giai đoạn phụ thuộc vào yếu tố di truyền và các yếu tố môi trường.
– Quá trình sinh trưởng và phát triển ở động vật gồm hai giai đoạn chính: giai đoạn phôi và giai đoạn hậu phôi.
– Các hình thức phát triển ở động vật bao gồm:
+ Phát triển qua biến thái: Biến thái hoàn toàn (Con non mới nở có hình dạng, cấu tạo và sinh lí rất khác so với con trưởng thành. Cơ thể con non phải trải qua nhiều biến đổi mới trở thành con trưởng thành) và biến thái không hoàn toàn (Con non mới nở đã có hình dạng, cấu tạo và sinh li gần giống con trưởng thành nhưng cần trải qua nhiều lần lột xác mới biến đổi thành con trưởng thành) .
+ Phát triển không qua biến thái: Con non mới nở hoặc mới sinh có hình thái, cấu tạo và sinh lí tương tự con trưởng thành.
Hình 3. Vòng đời của gà (a) và muỗi (b)
1.4. Các nhân tố ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển ở sinh vật
1.4.1. Các nhân tố bên trong
– Thực vật: Tuổi cây, tương quan dinh dưỡng, tương quan hormone.
Hình 4. Các nhân tố chi phối sự ra hoa ở thực vật
– Động vật:
+ Hormone: Động vật không xương sống (ecdysteroid và juvenile) và động vật có xương sống (GH, thyroxine, testosterone, estrogen).
+ Di truyền
+ Giới tính
1.4.2. Các nhân tố bên ngoài
– Thực vật:
+ Ánh sáng: thời gian chiếu sáng (quang chu kì), phổ ánh sáng, cường độ ánh sáng.
+ Nhiệt độ thấp (xuân hoá), nhiệt độ cao.
+ Dinh dưỡng.
+ Hormone ngoại sinh.
– Động vật: Dinh dưỡng, điều kiện môi trường, tác nhân gây bệnh.