1.1. Giới thiệu chương trình môn Sinh học, Sinh học và sự phát triển bền vững
Bài 1: Giới thiệu chương trình môn Sinh học, Sinh học và sự phát triển bền vững
a. Giới thiệu chương trình môn Sinh học
– Sinh học là khoa học về sự sống. Đối tượng nghiên cứu của sinh học là thế giới sinh vật gồm thực vật, động vật, vi khuẩn, nấm, và con người.
Hình 1.1. Đối tượng và các lĩnh vực nghiên cứu của sinh học
– Sinh học có vai trò trong chăm sóc sức khoẻ và điều trị bệnh cho con người; cung cấp lương thực, thực phẩm; phát triển kinh tế, xã hội; tạo không gian sống và bảo vệ môi trường.
– Các lĩnh vực nghiên cứu của sinh học là: sinh học phân tử, sinh học tế bào, sinh lí học, sinh hoá học, sinh thái học, di truyền học và sinh học tiến hoá
b. Sinh học và sự phát triển bền vững
– Phát triển bền vững được hiểu là sự phát triển nhằm thoả mãn nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm tổn hại đến nhu cầu phát triển của các thế hệ tương lai.
– Sinh học đóng góp vào việc xây dựng chính sách môi trường và phát triển kinh tế, xã hội. Đặc biệt chú ý đến vai trò của đa dạng sinh học, giảm thiểu rủi ro và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, duy trì phát triển bền vững.
– Mối quan hệ giữa sinh học với những vấn đề xã hội: sinh học phát triển dựa trên các thành tựu khoa học công nghệ. Khi sinh học và khoa học công nghệ phát triển thì thúc đẩy kinh tế phát triển. Sự phát triển sinh học, khoa học công nghệ và kinh tế đặt ra vấn đề đạo đức sinh học.
1.2. Các phương pháp nghiên cứu và học tập môn Sinh học
Bài 2: Các phương pháp nghiên cứu và học tập môn Sinh học
a. Phương pháp nghiên cứu và học tập môn Sinh học
– Phương pháp quan sát là sử dụng giác quan thu thập thông tin, gồm ba bước; xác định mục tiêu, đối tượng và đặc điểm cần quan sát; lựa chọn phương tiện quan sát và thu nhận thông tin; xử lí thông tin và báo cáo kết quả.
– Phương pháp làm việc trong phòng thí nghiệm là một phương pháp thu nhận thông tin được thực hiện trong không gian giới hạn của phòng thí nghiệm, gồm ba bước: chuẩn bị, tiến hành và báo cáo kết quả.
– Phương pháp thực nghiệm khoa học là phương pháp thu thập thông tin trên đối tượng nghiên cứu trong những điều kiện được tác động có chủ đích. Thực nghiệm khoa học gồm các bước: chuẩn bị các điều kiện cho thực nghiệm; tiến hành và thu thập số liệu thực nghiệm; xử lí số liệu thực nghiệm và báo cáo.
– Nghiên cứu khoa học được thực hiện theo các bước tạo thành một tiến trình và mỗi bước là một kĩ năng: quan sát và đặt câu hỏi; hình thành giả thuyết khoa học; kiểm tra giả thuyết khoa học; làm báo cáo kết quả nghiên cứu.
b. Tin Sinh học
Tin sinh học là một lĩnh vực nghiên cứu liên ngành kết hợp dữ liệu sinh học với khoa học máy tính và thống kê. Tin sinh học được sử dụng trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học, phân tích chức năng gene, nhận diện và dự đoán cấu trúc protein…