Kho tàng tài liệu học tập phong phú.

Phát biểu theo chủ đề – Ngữ văn 12

2.1. Khái niệm phát biểu theo chủ đề

  • Phát biểu theo chủ đề là trình bày bằng miệng có nội dung đã chuẩn bị, được báo trước hướng vào một đề tài (phạm vi) hoặc chủ đề nào đó (nội dung cuộc sống, những vấn đề cuộc sống đặt ra).
  • Ví dụ:
    • Chủ đề “ Thanh niên, HS làm gì để góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông”;
    • “Có ý kiến cho rằng vào đại học là cách lập thân duy nhất của thanh niên. Ý kiến của anh,chị thế nào?;
    • Quan niệm về hạnh phúc của tuổi trẻ trong thời đại ngày nay.

2.2. Những yêu cầu khi phát biểu theo chủ đề

a. Xác định chính xác nội dung cần phát biểu

  • Để phát biểu tốt, có chất lượng cần chuẩn bị nội dung mình phát biểu ⇒ cần phải xác định chính xác nội dung mình phát biểu.

b. Cần có đề cương phát biểu không viết thành văn

  • Phát biểu là trình bày bằng miệng, bằng lời không phải bằng con chữ.
  • Nếu viết thành bài thì không phải là phát biểu.
  • Khi phát biểu người phát biểu cần phải chú ý đến những yêu cầu có tính chất chung:
    • Phát biểu phải có mục đích rõ ràng, động cơ lành mạnh, trong sáng( không nên dựa vào diễn đàn để thực hiện hành vi mờ ám, gây mất đoàn kết).
    • Chú ý tới đối tượng nghe: lứa tuổi, nghề nghiệp, trình độ.
    • Nội dung phát biểu:
      • Đúng trọng tâm, nhiều thông tin, không trùng lặp với người khác.
      • Trường hợp trùng với ý kiến với người phát biểu trước thì thể hiện quan điểm mình đồng ý hay bác bỏ hoặc bổ sung tùy từng nội dung vấn đề phát biểu.
    • Trong khi phát biểu cần có cử chỉ, giọng nói sao cho phù hợp.

2.3. Cách thức tiến hành phát biểu theo chủ đề

  • Chuẩn bị đề cương:
    • Mở đầu
      • Thực hiện nghi lễ ở đại hội(kính thưa..)
      • Tự giới thiệu về mình.
      • Nêu rõ lí do, mục đích phát biểu.
      • Khái quát nội dung vấn đề phát biểu.
    • Nội dung chính cần phát biểu
      • Vấn đề phát biểu là gì?
      • Nội dung chính và trọng tâm của vấn đề là gì?
      • Suy nghĩ của bản thân về vấn đề ấy như thế nào?
      • Những đề nghị nếu cần?
    • Kết thúc
      • Xác định đây chỉ là ý kiến cá nhân hoặc đại diện cho tập thể nếu có gì khiếm khuyết xin được lượng thứ hoặc trực tiếp trao đổi.
      • Chúc (cụ thể, chân thành, không khách sáo).