1.1. Ôn lại kiến thức về văn bản đọc hiểu
– Tác gia Nguyễn Trãi: Văn bản nhằm khái quát những nét khái quá về cuộc đời và sự nghiệp của tác gia Nguyễn Trãi, đồng thời ca ngợi những đóng góp quan trọng của tác giả trong nền văn hoá dân tộc.
– Bình Ngô đại cáo: Bài thơ được xem là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc. Văn bản đã vạch tội ác của kẻ thù xâm lược, đồng thời ca ngợi thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.
– Bảo kính cảnh giới: Bài thơ thể hiện vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên mùa hè nơi làng quê thanh bình. Đồng thời, qua đó thể hiện tình yêu thiên nhiên và cuộc sống, tấm lòng yêu thương dân tha thiết của tác giả.
– Dục Thúy sơn: Bài thơ đã nói về khung cảnh núi Dục Thúy, một vẻ đẹp hùng vĩ và nó không chỉ để lại cho người đọc những cảm xúc sâu sắc về khung cảnh ấy mà người đọc còn cảm nhận được một tâm hồn yêu thiên nhiên, yêu đất nước của Nguyễn Trãi.
– Người cầm quyền khôi phục uy quyền – Vích-to Huy-gô: Thông qua hình ảnh Giăng Van-giăng, tác giả thể hiện, quan điểm, tư tưởng, niềm tin vào con đường cải tạo xã hội. Cho dù trong hoàn cảnh nào, con người chân chính vẫn có thể bằng ánh sáng của tình thương đẩy lùi bóng tối của cường quyền và nhen nhóm niềm tin vào tương lai.
– Dưới bóng hoàng lan – Thạch Lam: Thông qua câu chuyện của nhân vật Thanh nhân một lần trở về nhà, thăm bà, gặp lại những người anh luôn yêu thương, tôn trọng. Qua đó thể hiện nỗi nhớ quê hương gợi ra từ cảnh vật bình dị, thân quen và tình cảm gia đình bà cháu thiết tha luôn đau đáu trong lòng nhân vật.
– Một chuyện đùa nho nhỏ – An-tôn Sê-khốp: Truyện ngắn kể về câu nói đùa của nhân vật tôi với Na-đi-a trong lần trượt tuyết đầu tiên cùng nhau nhưng lại trở thành hồi ức của hai người trong suốt cuộc đời. Thông qua kỉ niệm của tác giả, gợi nhớ lại trò đùa về câu nói “tôi yêu em” như một cách gửi gắm tình cảm của mình đến người con gái ấy.
– Sự sống và cái chết – Trịnh Xuân Thuận: Văn bản cung cấp thông tin về việc bảo vệ sự sống trên Trái Đất, bảo vệ các loài động – thực vật quý hiếm khỏi sự tuyệt chủng. Qua đó rút ra bài học về ý thức bảo vệ Trái đất trước tình trạng môi trường và các loài động – thực vật quý hiếm đáng trên đà tuyệt chủng do tác động của con người.
– Nghệ thuật truyền thống của người Việt – Nguyễn Văn Huyên: Văn bản viết về những nền nghệ thuật truyền thống của người Việt, về những giá trị văn hóa lâu đời được bảo lưu đến ngày nay. Qua đó thể hiện niềm tự hào của tác giả đối với nghệ thuật truyền thống của nước nhà.
– Phục hồi tầng ozone: Thành công hiếm hoi của nỗ lực toàn cầu – Lê My: Văn bản cung cấp cho người đọc những thông tin hữu ích về tầng ozone. Đồng thời nêu lên tác hại của chất CFC và quá trình nỗ lực hành động phục hồi tầng ozone của toàn cầu.
– Về chính chúng ta – Các-lô Rô-ve-li: Văn bản cho người đọc thấy rõ tự nhiên và con người có mối quan hệ gắn bó với nhau không thể tách rời, hai đối tượng có sự ảnh hưởng lẫn nhau. Tự nhiên là nơi con người cư trú, nơi con người khám phá, học hỏi, thỏa mãn cái sự hiếu kì bẩm sinh của mình. Con người không thể sống mà thiếu tự nhiên cũng như con người không thể sống mà không có nhà – nơi để ở.
– Con đường không chọn – Rô-bớt Phờ-rót: Văn bản thông qua việc lựa chọn con đường để đi của nhan vật trữ tình, tác giả thể hiện quan điểm khi đã chọn một con đường nào đó thì việc quay trở lại và chọn lại một con đường khác là một điều khó khăn vì “đường lại đưa đường”. Qua đó gửi gắm cho người đọc thông điệp về việc khi đã đưa ra lựa chọn và đã chọn rồi thì phải chấp nhận cả tốt, xấu của lựa chọn đó
– Một đời như kẻ tìm đường – Phan Văn Trường: Văn bản truyền tải đến người đọc rằng trong cuộc đời có nhiều lúc chúng ta phải lựa chọn, lựa chọn đó có thể làm thay đổi cuộc sống của chúng ta hoặc là thành công, hạnh phúc hoặc thất bại, đau khổ và điều đó tùy vào chính tâm trạng của chúng ta.
1.2. Ôn lại kiến thức về tiếng Việt
a. Ôn tập về từ Hán Việt:
– Trong tiếng Việt có số lượng lớn các từ Hán Việt. Tiếng cấu tạo từ Hán Việt gọi là yếu tố Hán Việt
– Phần lớn các yếu tố Hán Việt được kết hợp tạo thành từ ghép, cũng có một số trường hợp được dùng độc lập như một từ
– Cũng như từ ghép thuần Việt, từ ghép Hán Việt có hai loại chính: từ ghép đẳng lập và chính phụ
– Trật tự của các yếu tố trong từ ghép chính phụ Hán Việt:
+ Có trường hợp giống với trật tự từ ghép thuần Việt: yếu tố chính đứng trước, yếu tố phụ đứng sau
+ Có trường hợp khác với trật tự từ ghép thuần Việt: yếu tố phụ đứng trước, yếu tố chính đứng sau
b. Biện pháp chêm xen, biện pháp liệt kê:
– Biện pháp chêm xen:
+ Chêm xen là xen một từ, một cụm từ vào câu nhằm giải thích, thêm ý cho câu hoặc hướng tới mục đích tu từ.
+ Thường đứng sau dấy gạch nối hoặc trong ngoặc đơn.
+ Tác dụng: giúp giải thích, bổ sung thông tin cho câu văn, giúp lời văn lời thơ trở nên giàu ý nghĩa, có tính thẩm mĩ.
– Biện pháp liệt kê
+ Liệt kê là nêu một chuỗi yếu tố cùng loại nhằm cung cấp thông tin đầy đủ hơn về đối tượng cần nhấn mạnh trong câu, trong đoạn của văn bản hoặc hướng tới mục đích tu từ.
+ Thông thường các từ liệt kê cách nhau bằng dấu phẩy hoặc chấm phẩy.
+ Tác dụng: giúp cung cấp thông tin, thể hiện cái nhìn, cảm xúc của người viết.
c. Phương tiện phi ngôn ngữ trong văn bản
– Phương tiện phi ngôn ngữ trong văn bản là các số liệu, đường nối, biểu đồ, sơ đồ hoặc hình ảnh. Thông qua đó người viết diễn đạt nội dung thông tin mà mình muốn truyền đạt đến người đọc một cách sinh động, hệ thống và trực quan hơn.
– Tác dụng của các phương tiện phi ngôn ngữ:
+ Các số liệu thường được sử dụng để cung cấp những thông tin cụ thể, chính xác.
+ Các đường nối giữa các hình vẽ thường được dùng để biểu đạt mối quan hệ giữa các thông tin.
+ Các biểu đồ, sơ đồ giúp trình bày thông tin một cách hệ thống.
+ Các hình ảnh làm tăng tính hấp dẫn và trực quan của thông tin,…
– Tuỳ theo mục đích sử dụng mà người viết lựa chọn loại phương tiện phi ngôn ngữ phù hợp.