1.1. Ôn lại kiến thức về văn bản đọc hiểu
– Chiếc lá đầu tiên – Hoàng Nhuận Cầm: Văn bản tái hiện kí ức của tác giả về những kỉ niệm tuổi học trò bên trường cũ, lớp học năm xưa, bạn bè, những trò nghịch ngợm…và cả tình yêu đầu tiên của mình. Tình cảm ấy thật trong sáng, là nỗi bâng khuâng nhớ tiếc, là gắn bó thiết tha vừa ấm áp ngọt ngào, vừa chân thật hồn nhiên.
– Tây Tiến – Quang Dũng: Bài thơ tái hiện lại một thời kì kháng chiến anh hùng. Hình ảnh người lính Tây Tiến bi tráng, lãng mạn trên nền thiên nhiên miền Tây vừa dữ dội, hiểm nguy, vừa thơ mộng, trữ tình.
– Dưới bóng hoàng lan – Thạch Lam: Đoạn trích Dưới bóng hoàng lan thông qua câu chuyện của nhân vật Thanh nhân một lần trở về nhà, thăm bà, gặp lại những người anh luôn yêu thương, tôn trọng. Qua đó thể hiện nỗi nhớ quê hương gợi ra từ cảnh vật bình dị, thân quen và tình cảm gia đình bà cháu thiết tha luôn đau đáu trong lòng nhân vật.
– Nắng mới – Lưu Trọng Lư: Bài thơ là nỗi nhớ của chủ thể trữ tình đối với người mẹ của mình. Qua đó thể hiện giá trị đạo đức truyền thống uống nước nhớ nguồn, hiếu thuận của người Việt Nam.
– Bình Ngô đại cáo – Nguyễn Trãi: Đại cáo bình Ngô là bản tuyên ngôn độc lập, qua đó vạch tội ác của kẻ thù xâm lược, ca ngợi thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.
– Thư lại dụ Vương Thông – Nguyễn Trãi: Bức thư thể hiện niềm tin tất thắng và tinh thần yêu chuộng hoà bình của tác giả, cũng là của nhân dân ta. Qua đó giúp người đọc thấy rõ phẩm chất và tài năng của tác giả.
– Bảo kính cảnh giới – bài 43 – Nguyễn Trãi: Bài thơ Bảo kính cảnh giới – bài 43 thể hiện vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên mùa hè nơi làng quê thanh bình. Đồng thời, qua đó thể hiện tình yêu thiên nhiên và cuộc sống, tấm lòng yêu thương dân tha thiết của tác giả.
– Dục Thúy sơn – Nguyễn Trãi: Bài thơ Dục Thúy sơn đã nói về khung cảnh núi Dục Thúy, một vẻ đẹp hùng vĩ và nó không chỉ để lại cho người đọc những cảm xúc sâu sắc về khung cảnh ấy mà người đọc còn cảm nhận được một tâm hồn yêu thiên nhiên, yêu đất nước của Nguyễn Trãi.
– Nguyễn Trãi – nhà ngoại giao, nhà hiền triết, nhà thơ: Văn bản khẳng định những giá trị trong các tác phẩm của Nguyễn Trãi và tầm vóc của tác giả trong văn học.
– Đất rừng phương Nam – Đoàn Giỏi: Văn bản miêu tả lại quá trình lấy mật ong của người dân rừng U Minh. Qua đó ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên đất trời rừng U Minh.
– Giang – Bảo Ninh: Văn bản tái hiện cuộc gặp gỡ đầy bất ngờ nhưng rất tình cảm giữa các nhân vật Giang, bố của Giang và nhân vật “tôi”, đằng sau nó ẩn chứa đầy ắp tình thương, tình người của đồng bào trong những ngày kháng chiến trường kì, gian khổ nhưng huy hoàng.
– Xuân về – Nguyễn Bính: Bài thơ là bức tranh xuân với hình ảnh thiếu nữ má hồng, mắt trong, duyên dáng đi hội chùa làng. Cảnh xuân, tình xuân được nhà thơ nói đến rất bình dị, mộc mạc, rất thân thuộc.
– Buổi học cuối cùng – An-phông-xơ Đô-đê: Qua câu chuyện buổi học cuối cùng bằng tiếng Pháp ở vùng An-dát bị quân Phổ chiếm đóng, Phrăng hiện lên là một chú bé hiếu động, thông minh, nhạy cảm, có tình yêu chân thành với người thầy, yêu nước sâu sắc.
– Hịch tướng sĩ – Trần Quốc Tuấn: Tác phẩm phản ánh tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí quyết tâm đánh giặc cứu nước của Trần Quốc Tuấn và dân tộc.
– Nam quốc sơn hà – bài thơ Thần khẳng định chân lí độc lập của đất nước – Nguyễn Hữu Sơn: Tác phẩm đưa ra những ý kiến, cảm nhận của tác giả về bài thơ Nam quốc sơn Hà. Qua đó, khẳng định lại tài năng của Lý Thường Kiệt.
– Đất nước – Nguyễn Đình Thi: Bài thơ mở ra một không gian đất nước rộng lớn, tươi đẹp, nên thơ. Qua đó, tác giả bộc lộ tình yêu quê hương đất nước nồng nàn, lòng tự hào về một đất nước quật cường vươn lên từ bom đạn.
– Tôi có một giấc mơ – Mác-tin Lu-thơ Kinh: Văn bản viết ra nhằm mục đích khẳng định quyền bình đẳng của người da đen. Đây là lời kêu gọi sự đấu tranh giành quyền bình đẳng cho người da đen.
1.2. Ôn lại kiến thức về tiếng Việt
– Trật tự từ:
+ Trật tự từ có ý nghĩa rất quan trọng trong câu tiếng Việt.
+ Trong một câu có thể có nhiều cách sắp xếp trật tự từ. Mỗi cách đem lại hiệu quả diễn đạt riêng.
+ Việc sắp xếp sai trật tự các thành phần trong câu có thể làm cho câu mơ hồ về nghĩa, sai lô-gíc hoặc không diễn đạt đúng nội dung mà người viết muốn thể hiện.
– Lỗi dùng từ Hán Việt
+ Dùng từ không đúng hình thức ngữ âm.
+ Dùng từ ngữ không đúng nghĩa.
+ Dùng từ không phù hợp với khả năng kết hợp.
+ Dùng từ không phù hợp với phong cách
– Biện pháp tu từ chêm xen:
+ Chêm xen là biện pháp chêm vào câu một từ, một cụm từ, một câu, thậm chí một chuỗi câu để bổ dung thông tin cần thiết hay bộc lộ cảm xúc.
+ Thành phần chêm xen thường đứng sau dấu phẩy, dấu ngạch ngang hoặc được đặt trong ngoặc đơn.
– Biện pháp tu từ liệt kê:
+ Liệt kê là biện pháp sắp xếp nối tiếp các từ, các cụm từ cùng loại.
+ Nhằm diễn tả những khía cạnh khác nhau của thực tế, của tư tưởng, tình cảm đồng thời tạo ấn tượng mạnh về hình ảnh và cảm xúc cho người đọc.
– Lỗi về liên kết câu:
+ Lỗi không tách đoạn.
+ Lỗi tách đoạn tuỳ tiện.