1.1. Ôn lại kiến thức về văn bản đọc hiểu
– Thần Trụ trời: Văn bản lý giải cái nhìn của con người cổ đại về hiện tượng thế giới được hình thành, được sắp đặt trật tự như bây giờ. Đồng thời thể hiện sự tôn kính và thiêng liêng của con người đối với văn hóa tâm linh, niềm tin vào tín ngưỡng, trời đất
– Prô-mê-tê và loài người: Truyện giúp người đọc hình dung sự hình thành con người và thế giới muôn loài. Từ đó, ca ngợi công lao to lớn của hai vị thần Prô-mê-tê và Ê-pi-mê-tê đã cho mỗi loại có những đặc ân, “vũ khí” riêng và giúp cuộc sống trở nên tươi sáng và phong phú hơn
– Đi san mặt đất: Văn bản cho thấy công lao to lớn của con người trong việc cải tạo thiên nhiên và khát vọng chinh phục thiên nhiên của người xưa. Qua đó thể hiện tình cảm yêu mến, ngợi ca của tác giả đối với công ơn của thế hệ cha anh đi trước.
– Cuộc tu bổ lại các giống vật: Truyện đã giải thích quá trình tu bổ lại các giống vật, bù đắp những phần cơ thể còn thiếu để chúng có hình dạng giống ngày nay.
– Đăm Săn chiến thắng Mtao Mxây: Văn bản ca ngợi chiến thắng vẻ vang của người anh hùng Đăm Săn, trọng danh dự, gắn bó với hạnh phúc gia đình và thiết tha với cuộc sống bình yên, phồn vinh của thị tộc – đó là những tình cảm cao nhất thôi thúc Đăm Săn chiến đấu và chiến thắng kẻ thù.
– Gặp Ka-ríp và Xi-la – Hô-me-rơ: Văn bản cho thấy tinh thần tỉnh táo, dũng cảm và mưu trí của Ô-đi-xê và những người anh hùng là bạn của ông trên hành trình đi qua. Thể hiện tấm lòng ca ngợi, trân trọng và đồng cảm với những người anh hùng. Đồng thời khuyên con người phải biết vượt qua những cám dỗ, thử thách trong cuộc sống để thành công.
– Ngôi nhà truyền thống của người Ê-đê: Văn bản giúp người đọc hình dung được ngôi nhà của người dân tộc Êđê với những hình ảnh chân thực, sinh động, cho người đọc những cảm nhận chính xác nhất về ngôi nhà. Đồng thời thể hiện được nét truyền thống về văn hóa và tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Ê-đê qua những hình ảnh được chạm khắc trên ngôi nhà.
– Đăm Săn đi chinh phục nữ thần Mặt Trời: Văn bản xoay quanh cuộc đi chinh phục nữ thần Mặt Trời phải trải qua biết bao gian nan, khó khăn, thử thách, qua đó ca ngợi hình ảnh người anh hùng sử thi hiện thân cho sức mạnh và trí tuệ.
– Hương Sơn phong cảnh – Chu Mạnh Trinh: Tác phẩm thể hiện tình yêu quê hương, đất nước hòa quyện với tâm linh, hướng con người tới niềm tự hào về đất nước.
– Thơ duyên – Xuân Diệu: Qua việc miêu tả thiên nhiên để bộc lộ tình yêu lứa đôi, tình yêu với cuộc sống, với con người, và sự giao hòa, hòa hợp tuyệt diệu giữa thiên nhiên và con người.
– Lời má năm xưa – Trần Bảo Định: Văn bản nói về lòng yêu thương loài vật của con người. Đây cũng là bài học mà người mẹ muốn dạy cho nhân vật chính.
– Nắng đã hanh rồi – Vũ Quần Phương: Bài thơ miêu tả khung cảnh thiên nhiền mùa đông ở trước sân nhà, trên những mái tranh và khung cảnh thiên nhiên mùa đông ở trên núi.
– Tranh Đông Hồ – Nét tinh hoa của văn hóa dân gian Việt Nam: Tác phẩm ca ngợi vẻ đẹp văn hóa truyền thống tranh Đông Hồ của dân tộc. Đông thời, phát huy tinh thần yêu mến, trân trọng tìm hiểu về các tinh hoa văn hóa truyền thống của dân tộc.
– Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang khánh thành phòng truyền thống; Thêm một bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Nhật: Cả hai văn bản đều thể hiện giá trị của những sản phẩm văn hóa của dân tộc và bộc lộ niềm tự hào, trân trọng ngợi ca của tác giả với những tinh hoa văn hóa ấy.
– Lí ngựa ô ở hai vùng đất – Phạm Ngọc Cảnh: Văn bản nói về giai điệu lí ngựa ô tuy thân thuộc mà khác nhau giữa hai vùng đất. Mỗi câu lí lại chứa đựng những tâm tư, tình cảm khác nhau.
– Chợ nổi – nét văn hóa sông nước miền Tây: Văn bản cung cấp cho người đọc những thông tin về chợ nổi – một hình thức buôn bán độc đáo mới lạ thú vị của người miền Tây, đồng thời thể hiện vai trò quan trọng của chợ nổi trong việc lưu giữ, bảo tồn và phát huy văn hóa miền Tây.
– Thị Mầu lên chùa: Đoạn trích thể hiện thành công hình ảnh Thị Mầu với tính cách lẳng lơ, buông thả, cho thấy đặc trưng của nhân vật này qua lời nói, cử chỉ và hành động đối với tiểu Kính Tâm. Qua đó cho thấy niềm cảm thông, thương cảm với thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ và ngợi ca trân trọng những phẩm chất tốt đẹp của họ.
– Huyện Trìa xử án: Văn bản phơi bày bộ mặt xấu xa thối nát mục rữa của những kẻ quan lại, chức dịch tham ô, nhũng nhiễu dân chúng và đam mê tửu sắc, những góc khuất đen tối, xấu xa của xã hội với những mặt trái, những điều tiêu cực còn tồn tại chốn cửa quan – nơi mà người ta tìm đến để đòi lại công bằng. Qua đó bộc lộ niềm cảm thông, thương xót cho thân phận của những người dân thấp cổ bé họng.
– Đàn ghi-ta phím lõm trong dàn nhạc cải lương: Văn bản cung cấp cho người đọc những thông tin về đàn ghi ta phím lõm lịch sử ra đời, quá trình du nhập và Việt Nam, âm điệu với nhiều sắc thái. Đồng thời khẳng định tầm quan trọng của đàn ghi-ta phím lõm trong dàn nhạc và sự đón nhận của dàn nhạc cải lương đối với đàn ghi-ta phím lõm.
– Xã trưởng – Mẹ Đốp: Văn bản cho thấy sự phê phán đối với những tầng lớp chức dịch như xã trưởng nhưng lại có tính trêu ghẹo, đùa cợt người khác, ham sắc và khinh người, tự cao và không có đạo đức. Đồng thời, thể hiện xã hội cổ hủ, lạc hậu xưa với những giáo điều, quy định khắt khe qua hình phạt gõ mõ đối với Thị Màu.
– Huyện Trìa, Đề Hầu, Thầy Nghêu mắc lỡm Thị Hến: Văn bản đem đến một tình huống gây cười khi cả ba kẻ mê sắc đều tụ hội ở nhà Thị Hến và được một phen bẽ mặt, xấu hổ, nhục nhã. Đồng thời, phê phán, châm biếm và mỉa mai những kẻ mê sắc, xử kiện không công bằng, bị cái đẹp làm mờ mắt, cuối cùng lại bẽ mặt dưới tay một ả góa.
1.2. Ôn lại kiến thức về tiếng Việt
– Các phép liên kết về nội dung:
+ Liên kết chủ đề: Các đoạn văn phải phục vụ chủ đề chung của văn bản, các câu trong đoạn cũng phải nói về chủ đề chung của đoạn văn.
+ Liên kết lôgic: Các đoạn văn và các câu văn phải được sắp xếp theo một trình tự hợp lí.
– Các phép liên kết về hình thức:
+ Phép lặp : Từ ngữ của câu trước (đoạn trước) lặp lại ở câu sau (đoạn sau).
+ Phép đồng nghĩa, trái nghĩa, liên tưởng: Là các từ ngữ ở các câu có các từ đồng nghĩa, trái nghĩa, hay cùng trường nghĩa.
+ Phép nối: Dùng các quan hệ từ để nối các câu lại tạo nên sự liên kết. Các quan hệ từ thường được sử dụng: nhưng, qua đó, đồng thời, bên cạnh đó, trước đó, sau đó, thế là, trái lại, thậm chí, cuối cùng,…
+ Phép thế: Thay thế các từ ngữ đứng trước bằng đại từ hay từ ngữ có nghĩa tương đương.
– Tỉnh lược:
+ Tỉnh lược là biện pháp lược bỏ một hoặc một số thành phần nào đó của một phát ngôn nhằm tránh lặp lại chúng trong phát ngôn khác. Yếu tố tỉnh lược có thể là bất cứ thành phần nào đó của phát ngôn.
+ Chính nhờ sự lược bỏ này mà các phát ngôn có quan hệ chặt chẽ với nhau.
+ Tránh lặp từ vựng và lặp nghĩa (không dùng yếu tố đồng nghĩa hay đại từ).
– So sánh:
+ So sánh là đối chiếu sự vật, sự việc, hiện tượng này với sự vật, sự việc, hiện tượng khác có nét tương đồng để tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.
+ Tác dụng: giúp tạo ra những hình ảnh cụ thể, sinh động, giúp người nghe dễ hình dung về sự vật, sự việc được miêu tả.
– Nói quá:
+ Nói quá là biện pháp tu từ phóng đại mức độ, quy mô, tính chất của sự vật, hiện tượng được miêu tả. Nói quá còn có tên gọi khác là khoa trương, ngoa dụ, thậm xưng, phóng đại, cường điệu.
+ Tác dụng: giúp nhấn mạnh ý, gây ấn tượng, tăng sức biểu cảm cho bài văn.
– Lỗi dùng từ
+ Lỗi lặp từ
+ Lỗi dùng từ không đúng hình thức ngữ âm
+ Lỗi dùng từ không đúng nghĩa
+ Lỗi dùng từ không phù hợp với khả năng kết hợp
+ Lỗi dùng từ không phù hợp với kiểu văn bản
– Phương tiện phi ngôn ngữ trong văn bản:
+ Phương tiện phi ngôn ngữ trong văn bản là các số liệu, đường nối, biểu đồ, sơ đồ hoặc hình ảnh. Thông qua đó người viết diễn đạt nội dung thông tin mà mình muốn truyền đạt đến người đọc một cách sinh động, hệ thống và trực quan hơn.
+ Các biểu đồ, sơ đồ giúp các thông tin trong văn bản trở nên cụ thể, trực quan, đồng thời cho thấy mối quan hệ logic giữa các thông tin
+ Có rất nhiều dạng biểu đồ, sơ đồ: biểu đồ tròn thể hiện vòng tuần hoàn của các sự vật, hiện tượng, sơ đồ Venn dùng để so sánh, biểu đồ thời gian dùng để biểu đạt sự phát triển; sơ đồ cây thể hiện hệ thống cấp bậc của thông tin;…