1.1. Ôn lại đặc trưng thể loại truyện ngắn
1.1.1. Khái niệm
Truyện ngắn là thể loại tự sự hư cấu có dung lượng nhỏ, thường phù hợp để đọc hết trong một lần. Với quy mô hạn chế, số lượng nhân vật và sự kiện ít, truyện ngắn chỉ tập trung miêu tả một khía cạnh hoặc trạng thái cụ thể của đời sống xã hội.
1.2.2. Đặc trưng cơ bản
– Cốt truyện của truyện ngắn hiện đại: thường đơn giản, cô đúc; tập trung xoay quanh một tình huống. Trong đó, các sự kiện trong câu chuyện được sắp xếp theo hướng tập trung vào một vài biến cố chính, dồn nên mâu thuẫn trong một khoảng thời gian ngắn.
– Điểm nhìn ngôi thứ ba (toàn tri, hạn trị) và sự thay đổi điểm nhìn:
+ Điểm nhìn ngôi thứ ba toàn trị: Tầm hiểu biết của người kể chuyện bao trùm toàn bộ thế giới nhân vật, không bị giới hạn trong cái nhìn của nhân vật nào, thấu suốt tất cả suy nghĩ và cảm xúc của các nhân vật, tất cả mọi thời điểm, địa điểm và sự kiện.
+ Điểm nhìn ngôi thứ ba hạn tri: Tầm hiểu biết của người kể chuyện chỉ giới hạn trong cái nhìn của một nhân vật trung tâm, chỉ thấu suốt suy nghĩ, cảm xúc của nhân vật đó và các sự kiện mà nhân vật đó biết.
+ Thay đổi điểm nhìn: Trong nhiều tác phẩm truyện hiện đại, thường có sự di chuyển điểm nhìn kể chuyện, có thể từ ngôi thứ nhất sang ngôi thứ ba, từ ngôi thứ ba hạn tri sang toàn tri, hoặc giữa nhiều ngôi thứ nhất khác nhau. Thủ pháp này có nhiều tác dụng trong việc thể hiện ý đồ nghệ thuật của tác giả dẫn dắt độc giả vào thế giới tinh thần của nhân vật; quan sát, thể hiện sự việc, con người từ nhiều góc nhìn…
– Nhân vật trong truyện ngắn: Truyện ngắn hiện đại thường chỉ có 1 – 2 nhân vật chính – tức nhân vật hiện lên như một chủ thể độc lập, giữ vai trò chủ đạo trong việc thể hiện chủ đề và tư tưởng của tác phẩm – được khắc họa qua ngoại hình, hành động đối thoại, độc thoại nội tâm và qua đánh giá của các nhân vật khác cũng như của người kể chuyện.
Xem chi tiết truyện ngắn:
– Muối của rừng – Nguyễn Huy Thiệp
– Kiến và người – Trần Duy Phiên
1.2. Ôn lại một số hiện tượng phá vỡ những quy tắc ngôn ngữ
– Khái niệm: Trong thực tế, có những cấu trúc ngữ nghĩa, cú pháp không theo quy tắc ngôn ngữ thông thường. Những hiện tượng này thường xuất hiện trong các tác phẩm văn chương.
– Phân loại: Có thể kể đến một số loại sau:
+ Hiện tượng điều trật tự từ ngữ
+ Hiện tượng mở rộng khả năng kết hợp của từ
+ Hiện tượng tách biệt.
1.3. Ôn lại cách viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội trong tác phẩm văn học
– Đưa ra hệ thống lí lẽ, bằng chứng thuyết phục.
– Nêu và phân tích, trao đổi về các ý kiến trái chiều.
– Bố cục bài viết gồm ba phần:
+ Mở bài: Giới thiệu vấn đề xã hội cần bàn luận.
+ Thân bài: Trình bày hệ thống luận điểm, lí lẽ, bằng chứng để làm sáng tỏ cho quan điểm của người viết.
+ Kết bài: Khẳng định lại quan điểm của người viết về vấn đề.