Kho tàng tài liệu học tập phong phú.

Ôn tập Bài 4 – Ngữ văn 10 Tập 1 Chân Trời Sáng Tạo

1.1. Ôn tập kiến thức các văn bản đã học

* Văn bản thông tin tổng hợp là một dạng của văn bản báo chí được viết theo lối tổng hợp nhiều thông tin, nhiều phương thức giao tiếp. Tiêu biểu cho dạng này là văn bản thuyết minh có lồng ghép các yếu tố như miêu tả, tự sự, biểu cảm,…Mục đích của việc lồng ghép các yếu tố như trên nhằm giúp việc truyền tải thông tin của  văn bản thêm sinh động, hiệu quả hơn.

* Bản tin là thể loại cơ bản của văn bản báo chí nhằm truyền đạt, phản ánh về một sự kiện mới xảy ra được công chúng quan tâm. Bản tin có chức năng thông tin sự kiện một cách nhanh và ngắn gọn trên báo chí, đặc biệt là báo giấy, báo điện tử, đài phát thanh và đài truyền hình. Bản tin có nhiều loại bản tin ảnh, bản tin chữ. Riêng bản tin chữ là có tin vắn, tin thường, tin tường thuật, tin tổng hợp, tin dự báo,… mà với mỗi dạng có thể thức riêng. Chẳng hạn: Tin vắn là tin không có đầu đề, dài dưới 100 chữ. Tin thường thì có đầu đề và độ dài từ 100 đến 350 chữ,…Chất lượng của bản tin thể hiện ở tính thời sự, xác thực, hàm súc,…

* Quan điểm của người viết: Người viết bản tin phải đảm bảo tính khách quan, chuẩn xác trong việc đưa tin, nhưng khi cần cũng thể hiện rõ lập trường nhân văn, bảo vệ đạo lí và thuần phong mĩ tục, tôn trọng pháp luật, khẳng định, biểu dương cái thiện, phủ định, phê phán cái ác,…

1.2. Ôn lại yêu cầu và cách viết báo cáo kết quả nghiên cứu có sử dụng trích dẫn, cước chú và phương tiện hỗ trợ

1.2.1. Kiểu bài

Bài viết báo cáo kết quả nghiên cứu là kiểu bài trình bày quy trình, phương pháp, các dữ liệu và kết quả của một quá trình nghiên cứu.

1.2.2. Các yêu cầu

– Nội dung trình bày chính xác, đầy đủ, hợp lí các kết quả nghiên cứu.

– Ngôn ngữ chính xác, khách quan.

– Sử dụng hợp lí cước chú và các phương tiện phi ngôn ngữ như số liệu, hình ảnh, bảng biểu, sơ đồ.

– Trích dẫn và lập danh mục tài liệu tham khảo đúng quy cách.

– Bố cục bài viết đảm bảo các phần:

+ Nhan đề: Khái quát được đề tài nghiên cứu

+ Tóm tắt: Nêu bối cảnh nghiên cứu, câu hỏi và phương pháp nghiên cứu.

+ Cơ sở lí thuyết: Nêu khái niệm, lí thuyết nền tảng để triển khai đề tài.

+ Kết quả nghiên cứu: Trình bày các kết quả nghiên cứu với lí lẽ và bằng chứng thích hợp.

+ Kết luận: Khái quát những ý chính từ kết quả nghiên cứu, đề xuất giải pháp, hướng phát triển của đề tài.

+ Tài liệu tham khảo: Sắp xếp tài liệu liên quan đến đề tài theo tên tác giả, tên tài liệu, năm xuất bản…

1.2.3. Cách làm

Bước 1: Chuẩn bị viết

a. Xác định đề tài

– Đề tài của bài viết chính là vấn đề được lựa chọn để nghiên cứu. Khi tiến hành nghiên cứu, bạn nên chọn vấn đề mới hoặc cách nhìn mới về vấn đề có tính thiết thực, khơi gợi được ở người đọc mối quan tâm, hứng thú.

– Xác định tác phẩm truyện, mục đích viết, người đọc

– Bạn cần trả lời các câu hỏi: Bản báo cáo này được viết với mục đích gì? Người đọc bản báo cáo này là ai? Từ đó, xác định nội dung, cách viết phù hợp.

b. Thu thập tài liệu

– Để trả lời câu hỏi nghiên cứu, bạn cần tiến hành thu thập các tài liệu liên quan đến đề tài như báo chí, sách biên khảo, bài phỏng vấn chuyên gia, các công trình nghiên cứu khoa học… Bạn có thể đánh giá mức độ tin cậy của tài liệu bằng cách trả lời những câu hỏi: Tài liệu được công bố khi nào? Ai là tác giả? Đơn vị công bố…

Bước 2: Tìm ý và lập dàn ý

a. Tìm ý

– Bạn đã xử lí các tư liệu thu thập được và phác thảo các ý tưởng để trả lời cho câu hỏi nghiên cứu, dự tính những trích dẫn, cước chú và phương tiện phi ngôn ngữ được sử dụng.

b. Lập dàn ý

– Từ các ý đã tìm được, bạn sắp xếp các ý đảm bảo các phần trong bố cục bài báo cáo. Các đề mục cần được diễn đạt rõ ràng-loogic. Liên kết cùng hướng về làm sáng tỏ câu hỏi nghiên cứu.

Bước 3: Viết bài

Bố cục bài viết đảm bảo các phần:

+ Nhan đề: Khái quát được đề tài nghiên cứu

+ Tóm tắt: Nêu bối cảnh nghiên cứu, câu hỏi và phương pháp nghiên cứu.

+ Cơ sở lí thuyết: Nêu khái niệm, lí thuyết nền tảng để triển khai đề tài.

+ Kết quả nghiên cứu: Trình bày các kết quả nghiên cứu với lí lẽ và bằng chứng thích hợp.

+ Kết luận: Khái quát những ý chính từ kết quả nghiên cứu, đề xuất giải pháp, hướng phát triển của đề tài.

+ Tài liệu tham khảo: Sắp xếp tài liệu liên quan đến đề tài theo tên tác giả, tên tài liệu, năm xuất bản…

Bước 4: Xem lại và chỉnh sửa

– Sau khi viết xong, em đọc lại bài viết và tự đánh giá.