1.1. Ôn lại thể loại sử thi
– Sử thi là một thể loại tự sự dân gian ra đời từ thời cổ đại, thường kết hợp lời thơ với văn xuôi, kể lại những sự kiện quan trọng trong đời sống của cộng đồng thông qua việc tôn vinh, ca ngợi chiến công, kì tích của người anh hùng.
– Thời gian – không gian sử thi thuộc về quá khứ “một đi không trở lại” của cộng đồng, thường gắn với xã hội cổ đại hoặc xã hội phong kiến. Không gian thường mở ra theo những cuộc phiêu lưu gắn với các kì tích của người anh hùng.
– Nhân vật anh hùng sử thi là hiện thân cho cộng đồng, thường hội tụ những đặc điểm nổi bật như sức mạnh, tài năng, luôn sẵn sàng đối mặt với thách thức, hiểm nguy, lập nên những kì tích, uy danh lẫy lừng.
– Cốt truyện sử thi được tổ chức theo quan hệ xung đột giữa con người với thần quyền, giữa cộng đồng này với cộng đồng khác.
– Lời của người kể chuyện và lời của nhân vật sử thi thường ở ngôi thứ ba, thể hiện thái độ tôn vinh, ngợi ca người anh hùng có công với cộng đồng.
– Thái độ, cảm xúc của người kể chuyện thể hiện sự trang nghiêm, thành kính đối với sự kiện, nhân vật.
– Cảm hứng chủ đạo của sự thi thường là tình cảm mãnh liệt, say đắm xuyên suốt tác phẩm văn học gọi là cảm hứng chủ đạo.
– Bối cảnh lịch sử – văn hoá gắn liền với một bối cảnh lịch sử-văn hoá nhất định.
1.2. Nội dung chính các văn bản sử thi đã học
1.2.1. Đăm Săn chiến thắng Mtao Mxây
Văn bản ca ngợi chiến thắng vẻ vang của người anh hùng Đăm Săn, trọng danh dự, gắn bó với hạnh phúc gia đình và thiết tha với cuộc sống bình yên, phồn vinh của thị tộc – đó là những tình cảm cao nhất thôi thúc Đăm Săn chiến đấu và chiến thắng kẻ thù.
1.2.2. Gặp Ka-ríp và Xi-la – Hô-me-rơ
– Văn bản cho thấy tinh thần tỉnh táo, dũng cảm và mưu trí của Ô-đi-xê và những người anh hùng là bạn của ông trên hành trình đi qua.
– Cho thấy tấm lòng ca ngợi, trân trọng và đồng cảm với những người anh hùng.
– Khuyên con người phải biết vượt qua những cám dỗ, thử thách trong cuộc sống để thành công.
1.2.3. Đăm Săn đi chinh phục nữ thần Mặt Trời
Văn bản xoay quanh cuộc đi chinh phục nữ thần Mặt Trời phải trải qua biết bao gian nan, khó khăn, thử thách, qua đó ca ngợi hình ảnh người anh hùng sử thi hiện thân cho sức mạnh và trí tuệ.
1.3. Ôn lại yêu cầu và cách viết văn bản nghị luận xã hội
1.3.1. Các yêu cầu
– Nêu và giải thích được vấn đề nghị luận.
– Trình bày ít nhất hai luận điểm về vấn đề xã hội, thể hiện rõ ràng quan điểm, thái độ của người viết.
– Hướng người đọc đến một nhận thức đúng và có thái độ, giải pháp phù hợp trước vấn đề xã hội. Liên hệ thực tế, rút ra ý nghĩa của vấn đề.
– Sử dụng được các bằng chứng thực tế tin cậy nhằm củng cố cho lí lẽ.
– Sắp xếp luận điểm, lí lẽ theo trình tự hợp lí.
– Diễn đạt mạch lạc, khúc chiết, có sức thuyết phục.
– Có các phần: mở bài, thân bài, kết bài theo quy cách của kiểu bài.
1.3.2. Cách làm
– Mở bài: nêu vấn đề xã hội cần nghị luận; sự cần thiết bàn luận về vấn đề.
– Thân bài: trình bày ít nhất hai luận điểm chính nhằm làm rõ ý kiến và thể hiện quan điểm, thái độ của người viết trước các biểu hiện đúng sai/ tốt/xấu); sử dụng lí lẽ và bằng chứng thuyết phục.
– Kết bài: khẳng định lại tầm quan trọng hay ý nghĩa của vấn để cùng thái độ, lập trường của người viết.