Kho tàng tài liệu học tập phong phú.

Nghệ thuật truyền thống của người Việt – Nguyễn Văn Huyên – Ngữ văn 10 Tập 2 Kết Nối Tri Thức

1.1. Tìm hiểu chung

1.1.1. Tác giả Nguyễn Văn Huyên

a. Tiểu sử

– Nguyễn Văn Huyên (1905 – 1975) quê ở huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội, là nhà sử học, dân tộc học, nhà giáo dục.

Nguyễn Văn Huyên (1905 – 1975)

– Thời thanh niên, ông du học ở Pháp. Năm 1934, ông là người Việt Nam đầu tiên bảo vệ thành công luận án tiến sĩ văn khoa tại Đại học Xoóc-bon, Pa-ri.

– Từ khi về nước vào năm 1935, ông dạy học, tham gia một số tổ chức nghiên cứu văn hoá và lịch sử, từng là uỷ viên thường trực Trường Viễn Đông Bác cổ, uỷ viên Hội đồng nghiên cứu khoa học Đông Dương, tham gia thành lập bộ môn Lịch sử văn minh Việt Nam tại Trường Đại học Luật Hà Nội,…

– Sau Cách mạng tháng Tám, ông được Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục từ năm 1946 cho đến khi qua đời. Ông được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học xã hội năm 2000.

b. Sự nghiệp sáng tác

Tác phẩm chính của ông: Sự thờ phụng thần thánh ở nước Nam (1944), Văn minh Việt Nam (1944), Toàn tập Nguyễn Văn Huyên (2000),…

1.1.2. Tác phẩm Nghệ thuật truyền thống của người Việt 

a. Tác phẩm văn minh Việt Nam

Văn minh Việt Nam là cuốn chuyên khảo viết bằng tiếng Pháp, hoàn thành từ năm 1939 nhưng phải đến năm 1944 mới được xuất bản tại Hà Nội, có thể xem là một phát ngôn đầy tinh thần tự tôn dân tộc của người Việt về văn hoá Việt trước cộng đồng thế giới. Tác phẩm được dịch ra tiếng Việt năm 1996.

 

Tác phẩm Văn minh Việt Nam của Nguyễn Văn Huyên (NXB Hội nhà văn 2016)

b. Xuất xứ văn bản Nghệ thuật truyền thống của người Việt 

Văn bản Nghệ thuật truyền thống của người Việt được trích từ phần 3, chương 12 của cuốn sách Văn minh Việt Nam, nguyên có nhan đề là Nghệ thuật.

c. Tóm tắt văn bản

Văn bản Nghệ thuật truyền thống của người Việt viết về những thông tin liên quan đến vấn đề nghệ thuật truyền thống của người Việt. Nghệ thuật của người Việt qua thời gian đã có nhiều nét đổi mới nhưng nhìn chung nó vẫn bảo lưu được những nét văn hóa truyền thống đáng quý. Sự ảnh hưởng của tinh thần tôn giáo đã tạo nên một số thay đổi trong nghệ thuật Việt, tư tưởng của người nghệ sĩ cũng có đôi chút khác biệt nhằm tạo nên những tác phẩm nghệ thuật mới. Kiến trúc là nền nghệ thuật tiêu biểu nhất ở Việt Nam và mang tính chất tôn giáo, thể hiện cái vĩ đại và bí ẩn mà vẫn có tính đều đặn và đối xứng. Nghệ thuật điêu khắc gỗ phụ thuộc vào kiến trúc và là môn nghệ thuật mà người Việt thành công nhất. Nghệ thuật đúc đồng cũng là nền nghệ thuật tiêu biểu ở Việt Nam, thường phát triển ở một số vùng nhất định.

1.2. Đọc hiểu văn bản 

1.2.1. Những thông tin chính của văn bản

– Nghệ thuật truyền thống của người Việt

– Sự ảnh hưởng của tôn giáo: Người nghệ sĩ không có xu hướng trình bày chính xác, đầy đủ hiện thực, các tác phẩm nghệ thuật từ gôc đều được cách điệu hóa và ước lệ hóa

– Nền nghệ thuật tiêu biểu của Việt Nam: Nghệ thuật kiến trúc như công trình Lăng mộ các Vua ở Huế, nghệ thuật điêu khắc chùa Keo, nghệ thuật đúc đồng bồn vạc ở Huế,..

1.2.2. Các yếu tố miêu tả, biểu cảm, nghị luận trong văn bản

– Yếu tố miêu tả được sử dụng trong văn bản là:

+ Miêu tả các công trình kiến trúc tiêu biểu ở Việt Nam, miêu tả các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc nổi tiếng.

+ Yếu tố miêu tả được sử dụng trong những đoạn văn nói về những nét văn hóa nghệ thuật lâu đời của Việt Nam, miêu tả một số tác phẩm được nhiều người biết đến làm minh chứng, dẫn chứng về nghệ thuật được nhắc đến.

– Yếu tố biểu cảm được sử dụng trong văn bản là:

+ Cảm nhận về khiếu thẩm mĩ của người Việt, về sự ảnh hưởng của tôn giáo đến nét văn hóa truyền thống Việt,…

+ Yếu tố biểu cảm nhằm biểu đạt suy nghĩ, cảm xúc của người viết về những vấn đề liên quan đến nghệ thuật truyền thống của người Việt, giúp người đọc hiểu rõ hơn về nền văn hóa lâu đời ấy.

– Yếu tố nghị luận được sử dụng trong văn bản là:

+ Bàn luận về sự ảnh hưởng của tôn giáo, bàn về những nét văn hóa lâu đời của Việt Nam, …

+ Yếu tố nghị luận là cách tác giả làm nổi bật vấn đề, nghị luận về những nền nghệ thuật truyền thống như nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, đúc đồng, … của người Việt.

1.3. Tổng kết

1.3.1. Về nội dung

Văn bản Nghệ thuật truyền thống của người Việt viết về những nền nghệ thuật truyền thống của người Việt, về những giá trị văn hóa lâu đời được bảo lưu đến ngày nay. Qua đó thể hiện niềm tự hào của tác giả đối với nghệ thuật truyền thống của nước nhà.

1.3.2. Về nghệ thuật

– Kết hợp nhuần nhuyễn các yếu tố miêu tả, biểu cảm, nghị luận trong bài viết

– Ngôn ngữ tự nhiên, dễ hiểu