Sinh học 10 Chân trời sáng tạo Bài 17: Thông tin giữa các tế bào
1.1. Thông tin giữa các tế bào
a. Khái niệm về thông tin giữa các tế bào
Mối quan hệ giữa các tế bào với nhau có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển của các loài sinh vật đa bào, nhờ đó mà cơ thể thực hiện các hoạt động sống một cách chính xác. Các tế bào có thể liên hệ với nhau nhờ quá trình truyền thông tin giữa các tế bào. Trong đó, tế bào đích đáp ứng lại các tín hiệu được truyền đến từ các tế bào khác nhau.
Hình 17.1. Thông tin giữa các tế bào
b. Các kiểu truyền thông tin giữa các tế bào
Các tế bào trong cơ thể có nhiều phương thức truyền thông tin tuỳ thuộc vào khoảng cách giữa các tế bào. Các tế bào ở gần nhau có thể truyền tin nhờ các mối nối giữa các tế bào theo kiểu tiếp xúc trực tiếp nhờ các phân tử bề mặt hoặc truyền tin cục bộ. Các tế bào ở xa nhau sẽ truyền tin qua các phân tử tín hiệu được vận chuyển nhờ hệ tuần hoàn.
Hình 17.2. Các kiểu truyền thông tin giữa các tế bào: qua mối nối qua các tế bào (a), tiếp xúc trực tiếp (b) truyền tin cục bộ (c) và truyền tin qua khoảng cách xa (d)
Thông tin giữa các tế bào là sự truyền tín hiệu từ tế bào này sang tế bào khác thông qua phân tử tín hiệu để tạo ra các đáp ứng nhất định. Giữa các tế bào có các kiểu truyền thông tin như qua mối nối giữa các tế bào, tiếp xúc trực tiếp, truyền tin cục bộ và truyền tin qua khoảng cách xa. |
1.2. Quá trình truyền thông tin giữa các tế bào
- Giai đoạn tiếp nhận: Là giai đoạn tế bào đích phát hiện ra phân tử tín hiệu từ bên ngoài tế bào. Phân tử tín hiệu này liên kết với protein thụ thể của tế bào đích, làm thụ thể thay đổi hình dạng.
- Giai đoạn truyền tin: Sự thay đổi hình dạng của thụ thể là khởi đầu cho quá trình truyền tin. Trong giai đoạn này, một chuỗi các phản ứng sinh hoá diễn ra trong tế bào tạo thành con đường truyền tín hiệu thông qua các phân tử truyền tin.
- Giai đoạn đáp ứng: Tín hiệu đã được truyền tin sẽ hoạt hoá một đáp ứng đặc hiệu của tế bào. Sự đáp ứng có thể diễn ra trong nhân hoặc trong tế bào chất.
Hình 17.3. Sơ đồ quá trình truyền thông tin giữa các tế bào
Ví dụ: Khi hormone testosterone đi qua màng sinh chất và gắn với thụ thể nội bào tạo phức hệ hormone – thụ thể. Lúc này, thụ thể được hoạt hoá, biến đổi cấu trúc và kích hoạt quá trình truyền tin. Phức hợp hormone – thụ thể đi vào trong nhân tế bào và liên kết với các gene đặc thủ làm các gene này phiên mã tổng hợp nên các phân tử mRNA. Sau đó, mRNA ra tế bào chất tiến hành dịch mã tổng hợp các protein mới tham gia điều hoà quá trình sinh sản của cơ thể.
Hình 17.4. Sự đáp ứng của tế bào với hormone testosterone
- Quá trình truyền thông tin giữa các tế bào gồm ba giai đoạn + Giai đoạn tiếp nhận: Phân tử tín hiệu liên kết vào thụ thể làm thụ thể thay đổi hình dạng. + Giai đoạn truyền tin: Quá trình truyền tín hiệu từ thụ thể tới các phân tử đích trong tế bào. + Giai đoạn đáp ứng: Tế bào phát tín hiệu hoạt hóa đáp ứng tế bào. |