Địa lí 10 Chân trời sáng tạo Bài 40: Phát triển bền vững, tăng trưởng xanh
1.1. Phát triển bền vững
a. Khái niệm
- Phát triển bền vững là sự phát triển để thoả mãn nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng thoả mãn nhu cầu của thế hệ tương lai dựa trên sự phát triển hài hoà giữa kinh tế, xã hội, môi trường.
- Phát triển bển vững là kết quả của các tương tác qua lại và phụ thuộc lẫn nhau giữa hệ thống tự nhiên, hệ thống kinh tế và hệ thống xã hội. Trong đó, không cho phép vì sự ưu tiên phát triển kinh tế mà gây ra sự suy thoái và tàn phá hệ thống tự nhiên, xã hội.
Hình 40. Mô hình phát triển bền vững
b. Sự cần thiết của phát triển bền vững
- Phát triển bền vững nhằm đảm bảo các mục tiêu về phát triển kinh tế, xã hội, môi trường.
- Về kinh tế, trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, giao thông vận tải, ... tạo ra khí thải, rác thải, nước thải vào môi trường làm ô nhiễm không khí, nước, đất, ... Vì vậy, phát triển kinh tế nếu chỉ chú trọng mục tiêu tăng trưởng GDP nhanh mà không gắn với bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên thì sê ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động sản xuất
- Phát triển bền vững là xu hướng tất yếu, nhằm khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên; tạo điều kiện duy trì tăng trưởng kinh tế cho thế hệ tương lai.
- Về xã hội, trong một quốc gia, khu vực hay giữa các nền kinh tế trên thế giới vẫn đang tồn tại khoảng cách giàu nghèo, bất bình đẳng trong thu nhập, bùng nổ dân số gây nên các vấn đề về thất nghiệp, tệ nạn xã hội, khả năng tiếp cận các điều kiện sống khó khăn.
- Để phát triển bển vững về xã hội cần đẩy mạnh công tác giảm nghèo bằng cách tạo việc làm ổn định; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, cải thiện và nâng cao chất lượng dân số; phát triển văn hoá hài hoà với phát triển kinh tế.
- Về môi trường, trước thực trạng tài nguyên thiên nhiên ngày càng suy giảm nghiêm trọng, môi trường đất, nước, không khí, ... bị ô nhiễm nặng nề, nhiều loài sinh vật có nguy cơ tuyệt chủng, biến đổi khí hậu, ... gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế, đời sống của con người, ... Vì vậy, phát triển kinh tế cần áp dụng các tiến bộ khoa học - kĩ thuật để giảm các tác động xấu đến môi trường và tài nguyên. Đồng thời, phải đảm bảo cho con người có đời sống vật chất, tinh thần ngày càng cao, môi trường sống lành mạnh.
1.2. Tăng trưởng xanh
a. Khái niệm
- Nhiều tổ chức quốc tế như: Uỷ hội Kinh tế Xã hội châu Á Thái Bình Dương Liên Hợp Quốc (UNESCAP), Tổ chức Sáng kiến Tăng trưởng xanh của Liên Hợp Quốc,... và các quốc gia trên thế giới đưa ra những quan niệm về tăng trưởng xanh.
- Tăng trưởng xanh là một phương thức quan trọng để thực hiện phát triển bền vững, có vai trò trong giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu; góp phần thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế gắn với thay đổi mô hình tăng trưởng; nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế thông qua việc nghiên cứu và áp dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại.
- Tăng trưởng xanh là định hướng mới thúc đẩy kinh tế phát triển theo những mô hình tiêu thụ và sản xuất bền vững, đảm bảo nguồn vốn tự nhiên tiếp tục cung cấp cho đời sống và sản xuất của con người trong hiện tại và cho thế hệ tương lai.
Xanh hóa các ngành kinh tế, xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững...
b. Biểu hiện của tăng trưởng xanh
Việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế của các quốc gia trên thế giới từ cuối thế kỉ XX đến nay theo hướng tăng trưởng xanh, cho thấy tăng trưởng xanh có các biểu hiện như sau:
- Tăng trưởng xanh góp phần giảm phát thải khí nhà kính
+ Hầu hết các hoạt động kinh tế đều phát thải khí nhà kính, nguyên nhân gây biến đổi khí hậu, suy thoái mỏi trường.
+ Tỉ lệ phát thải khí nhà kính của ngành công nghiệp năng lượng và hoạt động giao thông vận tải chiếm tỉ trọng cao.
+ Hiện nay, nhiều quốc gia đang đẩy mạnh phát triển sản xuất xe điện hoặc ô tô áp dụng các tiêu chuẩn giảm phát thải khí nhà kính; phát triển điện mặt trời, đầu tư hạ tầng cây xanh đô thị; ... để hướng đến phát triển bển vững.
+ Mục tiêu của Việt Nam đến năm 2030 là giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP ít nhất 15%, đến năm 2050 giảm ít nhất 30% so với năm 2014.
- Xanh hoá trong sản xuất
+ Xanh hoá trong sản xuất bằng việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hoá các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuấn hoàn thông qua khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng tái tạo dựa trên tiến bộ của khoa học - công nghệ.
+ Phát triển cơ sở hạ tầng - kĩ thuật kết hợp ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
- Xanh hoá lối sống và tiêu dùng bền vững
+ Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng xanh; tạo lập văn hoá tiêu dùng bền vững trong bối cảnh hội nhập với thế giới.
+ Nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng lối sống thân thiện với môi trường; sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường; tiết kiệm năng lượng; có hành vi thiết thực bảo vệ môi trường.
+ Mục tiêu chủ yếu của Việt Nam đến năm 2030 là đạt 95% tì lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lí theo quy định; tăng tỉ lệ sử dụng phương tiện giao thông công cộng tại các đô thị.