Địa lí 10 Chân trời sáng tạo Bài 35: Địa lí ngành bưu chính viễn thông

Địa lí 10 Chân trời sáng tạo Bài 35: Địa lí ngành bưu chính viễn thông

1.1. Vai trò và đặc điểm

a. Vai trò

- Hoạt động bưu chính đảm nhận vai trò chuyển thư tín, bưu phẩm, điện báo, ... Hoạt động viễn thông đảm nhận vai trò truỵển thông tin của xã hội được diễn ra thông suốt và liên tục.

- Ngành bưu chính viễn thông cung cấp những điều kiện cần thiết cho hoạt động sản xuất, xã hội; là hạ tầng cơ sở quan trọng ở mỗi quốc gia.

- Thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

- Giúp quá trình quản lí, điều hành của Nhà nước thuận lợi; tăng cường hội nhập quốc tế và đảm bảo an ninh quốc phòng.

b. Đặc điểm

- Ngành bưu chính viễn thông gồm hai ngành là bưu chính và viễn thông.

+ Ngành bưu chính nhận, vận chuyển và chuyển phát bằng các phương thức khác nhau qua mạng bưu chính. Sản phẩm của ngành là sự vận chuyển thư tín, bưu phẩm, bưu kiện, hàng hoá,... từ nơi gửi đến nơi nhận.

+ Ngành viễn thông sử dụng các thiết bị kết nối với vệ tinh và mạng internet để truyền thông tin từ người gửi đến người nhận.

- Các tiêu chí đánh giá dịch vụ bưu chính (số lượng thư tín, khối lượng bưu phẩm, thời gian giao nhận, ...), dịch vụ viễn thông (thời gian cuộc gọi, chất lượng cuộc gọi,...).

- Sự phát triển của ngành bưu chính viễn thông phụ thuộc chặt chẽ vào sự phát triển của khoa học - công nghệ.

1.2. Các nhân tố ảnh hưởng tới sự phát triển và phân bố của ngành bưu chính viễn thông

Sự phát triển và phân bổ của ngành bưu chính viẻn thông chịu ảnh hưởng bởi nhiều nhân tố:

- Trình độ phát triển kinh tế và mức sống dân cư ảnh hưởng tới quy mô, tốc độ phát triển và chất lượng dịch vụ bưu chính viễn thông.

- Sự phân bố các ngành kinh tế, phân bố dân cưvà mạng lưới quần cư ảnh hưởng tới mật độ phân bố và sử dụng dịch vụ bưu chính viễn thông.

- Sự phát triển của khoa học - công nghệ tác động đến chất lượng hoạt động và phát triển của ngành bưu chính viễn thông.

- Nguồn vốn đầu tư, cơ sở hạ tầng, chính sách phát triển, ... cũng ảnh hưởng tới sự phát triển và phân bố của ngành bưu chính viễn thông.

1.3. Tình hình phát triển và phân bố của ngành bưu chính viễn thông trên thế giới

a. Ngành bưu chính

- Ngành bưu chính trên thế giới ngày càng phát triển với nhiều dịch vụ và cách thức chuyển phát mới xuất hiện (chuyển phát nhanh; chuyển tiền nhanh, bán hàng qua bưu chính, khai thác dữ liệu qua bưu chính, ...).

- Mạng lưới bưu cục và các dịch vụ bưu chính phát triển rộng khắp trên thế giới để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội.

- Các nước EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, ... có ngành bưu chính phát triển nhất thế giới.

b. Ngành viễn thông

Ngành viễn thông hiện nay đang phát triển nhanh chóng dưới tác động của khoa học - công nghệ, trong đó nổi bật nhất là điện thoại internet.

- Điện thoại: là phương tiện được sử dụng phổ biến nhất trên thế giới hiện nay.

+ Ngoài điện thoại cố định thì điện thoại di động không dây có tích hợp nhiều chức năng (nghe, gọi âm thanh và video, ...) đang chiếm ưu thế trong ngành viễn thông.

+ Hiện nay, có hơn 5 tỉ người trên thế giới đang sử dụng điện thoại cá nhân.

+ Các nước có số lượng thuê bao điện thoại nhiều nhất là: Trung Quốc, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Bra-xin, Liên bang Nga, ...

Alexander Graham Bell và chiếc điện thoại đầu tiên (1876)

- Internet: sự ra đời của internet đã tạo ra cuộc cách mạng vĩ đại trong ngành viễn thông thế giới.

+ Sự phát triển về hạ tầng cáp quang, tốc độ đường truyền, kết hợp với sự phát triển của các ứng dụng tìm kiếm thông tin và mạng xã hội đã thúc đẩy quá trình trao đổi thông tin trên toàn cầu phát triển mạnh.

Hình 35. Tỉ lệ dân số sử dụng internet so với tổng dân số ở các quốc gia trên thế giới, năm 2020

+ Đồng thời sự phát triển của các công nghệ dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI), .... đã tạo ra thời kì vạn vật kết nối, làm thay đổi sâu sắc ngành viễn thông thế giới.

- Ngoài ra, điện báo, telex, fax, ... cũng được sử dụng để truyền thông tin nhưng ngày càng ít thông dụng hơn so với điện thoại và internet.