Địa lí 10 Chân trời sáng tạo Bài 2: Phương pháp sử dụng bản đồ trong học tập Địa lí và trong đời sống
1.1. Sử dụng bản đồ trong học tập địa lí
- Việc sử dụng bản đồ trong học tập địa lí giúp tìm hiểu kiến thức về tự nhiên, kinh tế - xã hội và rèn luyện các kĩ năng đọc bản đồ, vẽ lược đồ, tính toán, so sánh, nhận xét, phân tích,...
Hình 2. Địa hình Việt Nam
- Ví dụ: Qua bản đồ địa hình Việt Nam:
+ Thể hiện các dạng địa hình ở nước ta
+ Thể hiện các côn sông, hồ và các đảo, quần đảo ở nước ta
+ Bản đồ giúp rèn luyện kỹ năng quan sát và so sánh khi so sánh độ cao của các địa điểm với nhau,
- Một số lưu ý để sử dụng hiệu quả bản đồ chúng ta phải tiến hành:
+ Xác định yêu cầu và mục đích của việc sử dụng bản đồ.
+ Lựa chọn bản đồ phù hợp với nội dung hay mục đích cần tìm hiểu.
+ Định hướng những nội dung cần khai thác từ bản đồ, sau đó lần lượt khai thác từng nội dung. Để khai thác tốt từng nội dung, chúng ta cần tìm hiểu hệ thống kí hiệu bản đồ, tỉ lệ bản đồ; xác định vĩ độ, kinh độ và phương hướng trên bản đồ; phân tích các số liệu và biểu đồ trên bản đồ (nếu có).
1.2. Sử dụng bản đồ trong đời sống
- Bản đồ được sử dụng rộng rãi trong nhiều hoạt động và lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong sinh hoạt hằng ngày, bản đồ dùng để xác định vị trí; tìm đường đi, tính khoảng cách; xem dự báo thời tiết,...
- Trong sản xuất, kinh doanh dịch vụ hay các dự án, quy hoạch phát triển vùng, việc xây dựng các công trình thuỷ lợi, các trung tâm công nghiệp, các tuyến đường giao thông hay thiết kế các chương trình du lịch, người ta đều phải sử dụng bản đồ.
- Đối với lĩnh vực quân sự, để xây dựng các phương án tác chiến, lợi dụng địa hình, địa vật trong phòng thủ và tấn công,... càng cần phải sử dụng tốt các loại bản đồ.
- Cách sử dụng bản đồ cho một số hoạt động thường gặp trong đời sống:
a. Xác định vị trí
Việc xác định vị trí địa lí của một người, một vật hay một địa điểm trên bản đồ chủ yếu dựa vào hệ thống lưới kinh, vĩ tuyến, từ đó xác định được toạ độ địa lí và chỉ ra vị trí. Đối với các bản đồ số, việc xác định vị trí phải dựa vào hệ thống định vị toàn cầu (GPS).
b. Tìm đường đi
- Bước 1: chọn bản đồ hành chính hoặc bản đồ giao thông có địa danh bạn cần tìm.
- Bước 2: xác định vị trí xuất phát và điểm đến trên bản đồ.
- Bước 3: xác định lộ trình bằng cách chọn tuyến đường gần nhất nối vị trí xuất phát và điểm đến.
Ngày nay, việc tìm đường đi trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn nhờ các bản đồ số được cài đặt trên thiết bị điện tử như: Hình dưới đây
Hướng dẫn chỉ đường đến một địa điểm trên điện thoại thông minh
c. Tính khoảng cách địa lí
- Trong đời sống, đôi khi chúng ta cần biết khoảng cách giữa các địa điểm để tính toán thời gian, lựa chọn phương tiện, chủ động lên kế hoạch cho việc đi lại và làm việc của mình.
- Muốn tính khoảng cách thực tế giữa hai địa điểm trên bản đồ ta làm như sau:
- Đo khoảng cách giữa hai địa điểm trên bản đồ.
- Căn cứ vào tỉ lệ bản đồ để tính khoảng cách trên thực tế.
Cách tính khoảng cách địa lí trên bản đồ