Kho tàng tài liệu học tập phong phú.

Lịch sử 10 Kết nối tri thức Bài 3: Sử học với các lĩnh vực khoa học

1.1. Sử học – môn khoa học có tính liên ngành

Sử học là ngành khoa học nghiên cứu về toàn bộ đời sống của loài người trong quá khứ, trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, quân sự, kinh tế, xã hội, văn hoá, khoa học, giáo dục,… Vì vậy, trong quá trình nghiên cứu, nhà sử học cần phải phối hợp sử dụng thông tin và phương pháp của các ngành khoa học khác nhau để tìm hiểu một cách toàn diện, sâu sắc, hiệu quả và khoa học về từng lĩnh vực của đời sống, xã hội. Nhờ thế, nhà sử học mới có thể hiểu đúng và ngày càng đầy đủ hơn về quá khứ của loài người. Sử học được coi là một môn khoa học có tính liên ngành là vì vậy.

Lược đồ nơi tìm thấy một số dấu tích của người nguyên thủy ở Đông nam Á

1.2. Mối liên hệ giữa Sử học và các ngành khoa học xã hội, nhân văn

Khoa học xã hội và nhân văn là một lĩnh vực khoa học bao gồm toàn bộ các ngành khoa học nghiên cứu về các vấn đề, phương diện của con người như: Ngôn ngữ, Văn hoá, Văn học, Tâm lí, Triết học, Kinh tế, Khoa học chính trị, Xã hội học, Nhân học, Địa lí kinh tế – xã hội,…

Quan hệ giữa Sử học với các ngành khoa học xã hội và nhân văn là mối quan hệ tương tác hai chiểu.

a) Mối liên hệ của Sử học với các ngành khoa học xã hội và nhân văn

Các công trình thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn đều phản ánh hiện thực cuộc sống hiện tại hoặc trong quá khứ và đều không thể thoát lï khỏi bối cảnh xuất hiện của nó với những nhân vật, sự kiện, vấn để cụ thể. Vì vậy, lịch sử đời sống xã hội chính là chất liệu, là nguồn cảm hứng đưa đến sự ra đời của các công trình, tác phẩm của các ngành khoa học xã hội và nhân văn, đồng thời cũng là tấm gương phản chiếu giá trị của các công trình, tác phẩm đó với cuộc sống. 

Một trang trong sách Hoàng Việt văn tuyền khắc in lại tác phẩm Bình ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, tổng kết về cuộc khởi nghĩa chống quân Minh của Đại Việt (đầu thế kỉ XV)

b) Mối liên hệ của các ngành khoa học xã hội và nhân văn với Sử học

Trong quá trình nghiên cứu lịch sử, các ngành khoa học xã hội và nhân văn lại hỗ trợ đắc lực cho việc tìm hiểu, phục dựng quá khứ.

Sử học luôn sử dụng tri thức, phương pháp nghiên cứu, thành tựu,…. của nhiều ngành như: Triết học, Văn học, Địa lí, Luật học, Tâm lí học, Xã hội học,… để mô tả, phục dựng đối tượng nghiên cứu, cũng như giải thích, chứng minh, khái quát,… trên cơ sở đó vạch ra những triết lí, rút ra bài học hoặc quy luật lịch sử. Nhờ đó, nhận thức lịch sử được chính xác, đầy đủ và sâu sắc hơn.

Ví dụ: Khai thác một số tác phẩm văn học như Tắt đèn của Ngô Tất Tố, Bỉ vỏ của Nguyên Hồng, Chí Phèo của Nam Cao, Số đỏ của Vũ Trọng Phụng,… giúp chúng ta hiểu biết một cách sinh động hơn về đời sống xã hội ở nông thôn và thành thị Việt Nam trong những năm 1930 – 1945.

1.3. Sử học với các ngành khoa học tự nhiên và công nghệ

Lĩnh vực khoa học tự nhiên bao gồm một số ngành cơ bản như: Toán học, Vật lí học, Hoá học, Sinh học, Thiên văn học, Tin học,… Hơn nữa, trong xu thế phát triển như vũ bão của khoa học, công nghệ hiện nay đã xuất hiện hàng loạt các ngành mới thuộc lĩnh vực công nghệ như: Công nghệ thông tin, Viễn thám, Trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, Thực tế ảo, Công nghệ 3D,…

a) Vai trò của Sử học với các ngành khoa học tự nhiên và công nghệ

Các ngành khoa học tự nhiên và công nghệ cũng là một bộ phận của đời sống xã hội, do con người sáng tạo ra. Do vậy, khoa học tự nhiên và công nghệ cũng là đối tượng nghiên cứu của Sử học. Khi đó, Sử học không đi sâu vào nội dung của các khoa học tự nhiên và công nghệ, mà chủ yếu chỉ xem xét nó ở góc độ lịch sử. Ví dụ: Thành tựu của ngành ấy ra đời trong bối cảnh, điều kiện lịch sử nào? Tác dụng, ý nghĩa của nó đối với sự phát triển xã hội ra sao? Nó phản ánh lịch sử xã hội lúc bấy giờ thế nào?…

Trang bìa một số tác phẩm của các ngành khoa học tự nhiên

Hơn nữa, bất kì ngành khoa học nào cũng có lịch sử của chính nó. Việc tái hiện toàn diện, đầy đủ lịch sử của từng ngành khoa học tự nhiên và công nghệ giúp cho các nhà khoa học thuộc lĩnh vực đó hiểu rõ các vấn để đã từng được các nhà khoa học đi trước đặt ra và giải quyết như thế nào. Việc này vừa giúp các nhà khoa học đi sau không lặp lại sai lầm của người đi trước, lại có thể kế thừa tri thức, kinh nghiệm của người đi trước.

b) Vai trò của các ngành khoa học tự nhiên và công nghệ đối với Sử học

Đối tượng nghiên cứu của Sử học là toàn bộ đời sống của loài người trong quá khứ, bao gồm cả các tương tác của con người với tự nhiên. Vì vậy, nhà sử học cần phải sử dụng nhiều thông tin và phương pháp của các ngành khoa học tự nhiên và công nghệ để tái hiện đời sống trong quá khứ của con người.

Ví dụ:

+ Thông tin và phương pháp của Toán học để thống kê, phân tích, trình bày các thành tựu kinh tế – xã hội, tính toán, đo đạc một số công trình trong quá khứ,…

+ Thông tin và phương pháp của Vật lí học để giám định sử liệu, trình bày các thành tựu về khoa học – kĩ thuật,….

+Tài liệu, phương pháp của các ngành Địa lí – Địa chất, Cổ sinh học, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Y học,… để xác định tính chính xác của sự kiện, cũng như phân tích để đoán định niên đại của các di vật lịch sử.

+ Ứng dụng công nghệ số, viễn thám, trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, thực tếảo,… để hỗ trợ quá trình tìm kiếm dấu vết lịch sử, thu thập, xử lí sử liệu, đo đạc và xây dựng bản đồ về sự kiện, không gian lịch sử, cũng như trình bày và tái hiện quá khứ lịch sử một cách sinh động, hấp dẫn và hiệu quả,…

Bảo tàng ảo 3D (chuyên đề Bảo vật quốc gia) tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia