Kho tàng tài liệu học tập phong phú.

Lịch sử 10 Chân trời sáng tạo Bài 4: Sử học với một số lĩnh vực, ngành nghề hiện đại

1.1. Sử học với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, di sản thiên nhiên

a) Mối quan hệ giữa Sử học với công tác bảo tôn và phát huy giá trị các di sản văn hoá, di sản thiên nhiên

– Sử học nghiên cứu, phục dựng lại bức tranh hiện thực lịch sử, xác định giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học cần được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

– Kết quả nghiên cứu của Sử học khẳng định giá trị của các di sản văn hoá, là cơ sở để bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị của các di sản đó.

b) Vai trò của công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá, di sản thiên nhiên

Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hoá, di sản thiên nhiên là hoạt động lưu giữ, bảo vệ và lan toả các giá trị những di sản của thời trước để lại, nhắc nhở con người nhớ về cội nguồn, hình thành ý thức trách nhiệm với tổ tiên, với cộng đồng xã hội đương đại và với các thế hệ mai sau. Hoạt động này có ý nghĩa to lớn trong việc bảo đảm sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, dân tộc, góp phần đem lại những hiệu quả thiết thực cho sự phát triển kinh tế, xã hội.

Một góc Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam)

1.2.  Sử học với sự phát triển công nghiệp văn hóa

a) Vai trò của Sử học đối với một số ngành, nghề trong lĩnh vực công nghiệp văn hoá

– Sử học cung cấp chất liệu cốt lõi, tri thức, ý tưởng và cảm hứng cho một số ngành nghề trong lĩnh vực công nghiệp văn hoá (thời trang, phim ảnh, âm nhạc, sân khấu, triển lãm, xuất bản,…).

– Sử học góp phần thúc đẩy sáng tạo những sản phẩm có giá trị của công nghiệp văn hoá.

b) Vai trò của các ngành nghề thuộc lĩnh vực công nghiệp văn hoá đối với Sử học

– Các ngành nghề thuộc lĩnh vực công nghiệp văn hoá cung cấp những thông tin, tư liệu quý giá giúp Sử học khôi phục bức tranh lịch sử xã hội một cách đầy đủ, chính xác và sinh động hơn.

– Công nghiệp văn hoá phát triển với nhiều ngành nghề mới đặt ra nhu cầu xã hội và nhu cầu nội tại của công nghiệp văn hoá thúc đẩy Sử học nghiên cứu các di sản.

      Đua ghe Ngo (Sóc Trăng)                                                             Gốm Bát Tràng (Hà Nội)        

1.3. Sử học với sự phát triển du lịch

a) Vai trò của lịch sử và văn hoá đối với sự phát triển du lịch

– Di sản văn hoá là sản phẩm của lịch sử. Các di tích lịch sử – văn hoá là tài nguyên du lịch có sức hấp dẫn to lớn, là động lực thu hút ngày càng nhiều du khách trong nước và quốc tế. Phát huy giá trị di sản văn hoá gắn với hoạt động du lịch là đặc trưng quan trọng của bảo tồn di sản.

– Du lịch khai thác các di sản văn hoá, lịch sử, giúp cho con người hưởng thụ giá trị của di sản thiên nhiên và di sản văn hoá. Trên thế giới, tiêu biểu là các di sản: Kim tự tháp (Ai Cập), đền Ta-giơ Ma-han (Ấn Ðộ), Vạn Lý Trường Thành (Trung Quốc),…; ở Việt Nam, tiêu biểu là các di sản: Phố cổ Hà Nội, Tràng An (Ninh Bình), Cố đô Huế (Thừa Thiên Huế), Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam), Địa đạo Củ Chỉ (Thành phố Hồ Chí Minh),… đều trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách.

Lễ hội Đền Hùng (Phú Thọ)

b) Vai trò của du lịch đối với việc bảo tồn di tích lịch sử và di sản văn hoá

– Nhu cầu du lịch của con người không chỉ là tham quan các di tích, di sản, mà cao hơn là các hoạt động tương tác, trải nghiệm để hiểu rõ hơn giá trị của các di tích, di sản ấy.

– Du lịch chính là nguồn động lực thúc đẩy sự tăng cường bảo tồn và phát huy những giá trị di tích lịch sử – văn hoá của địa phương, dân tộc.

– Du lịch văn hoá phát triển vừa tạo ra việc làm, thu nhập cho người lao động, vừa tạo ra nguồn lực kinh tế để bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hoá, di tích lịch sử,

Đình Tân Trào thuốc Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào (Tuyên Quang)

Lễ hội chùa Hương (Hà Nội)