Kho tàng tài liệu học tập phong phú.

Lịch sử 10 Chân trời sáng tạo Bài 13: Cơ sở hình thành văn minh Đông Nam Á thời cổ – trung đại

1.1. Cơ sở tự nhiên

a) Vị trí địa lí

– Đông Nam Á là khu vực có diện tích khoảng 4,5 triệu km2, nằm ở phía đông nam châu Á, ngày nay gồm các nước Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia, Thái Lan, Mi-an-ma, Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po, In-đô-nê-xi-a, Phi-líp-pin, Bru-nây, Đông Ti-mo.

– Đông Nam Á là giao điểm của các đường giao thông quốc tế từ bắc xuống nam, từ đông sang tây, là cầu nối giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, thuận lợi cho việc phát triển các mối quan hệ, giao lưu kinh tế quốc tế.

b) Điều kiện tự nhiên, khí hậu

– Địa hình Đông Nam Á gồm hai bộ phận: Đông Nam Á lục địa và Đông Nam Á hải đảo. Đông Nam Á lục địa bị chia cắt bởi các dãy núi, giữa các dãy núi là các thung lũng rộng, màu mỡ. Nơi đây có hệ thống sông ngòi dày đặc như sông Mê Công, sông Hồng, sông Mê Nam,… lưu lượng nước lớn, hàm lượng phù sa cao, tạo nên những vùng đồng bằng rộng lớn.

– Đông Nam Á hải đảo là nơi tập trung nhiều đảo lớn và đồi núi. Một số đồng bằng ở các đảo Ca-li man-tan, Xu-ma-tra,… có thêm các khoáng chất từ dung nham núi lửa được phong hoá.

– Đại bộ phận Đông Nam Á nằm trong vùng khí hậu gió mùa nóng ẩm. Gió mùa kèm theo mưa nhiệt đới đã cung cấp đủ nước cho sinh hoạt và sản xuất của con người.

1.2. Cơ sở xã hội

a) Cư dân, tộc người

– Cư dân thuộc tiểu chủng Đông Nam Á, mang đặc điểm của cả hai đại chủng tộc là Môn-gô-lô-ít da vàng và Ô-xtra-lô-ít da ngăm đen. Tiểu chủng Đông Nam Á gồm hai nhóm chính: In-đô-nê-diên và Nam Á.

– Đông Nam Á có nhiều dân tộc khác nhau, tạo nên sự đa dạng về sắc tộc. Tuy vậy, các dân tộc vẫn có nhiều nét gần gũi, tương đồng trên nền tảng văn hoá bản địa Đông Nam Á. Cộng đồng dân cư sống gắn kết trên cơ sở gia đình, dòng họ và làng xã.

b) Tổ chức xã hội

– Xã hội Đông Nam Á thời cổ mang tính liên kết cộng đồng chặt chẽ.

– Quá trình hình thành nhà nước của các quốc gia ở Đông Nam Á đồng thời là quá trình tiếp biến những giá trị văn hoá Trung Quốc và Ấn Độ, hình thành thiết chế chính trị và mô hình tổ chức xã hội vừa mang tính bản địa, vừa chịu ảnh hưởng sâu sắc của các mô hình thiết chế chính trị Ấn Độ, Trung Quốc (cả ở cấp độ mô hình nhà nước đến thiết chế xã hội). 

1.3. Ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc và Ấn Độ

a) Ảnh hưởng của văn hoá Trung Quốc

– Văn hoá Trung Quốc được cư dân Đông Nam Á tiếp nhận có chọn lọc và sáng tạo với những mức độ khác nhau.

– Quốc thiết lập những tuyến đường buôn bán và bành trướng xuống Đông Nam Á, tạo ra sự tiếp xúc văn hoá cưỡng bức và sau đó là giao thoa văn hoá.

– Nho giáo, Đạo giáo được du nhập, trở thành một bộ phận trong tư tưởng, văn hoá của cư dân Đông Nam Á.

Một lớp học ở Việt Nam thế kỉ XIX

b) Ảnh hưởng của văn hoá Ấn Độ

– Văn hoá Ấn Độ theo chân các thương gia và tu sĩ được truyền đến Đông Nam Á. 

– Chữ viết của Ấn Độ được một số quốc gia cổ ở Đông Nam Á lấy làm cơ sở để sáng tạo chữ viết riêng. Kiến trúc và điêu khắc Ấn Độ cũng ảnh hưởng sâu sắc đến các nước Mi-anma, Thái Lan, Lào, Cam-pu-chia, In-đô-nê-xi-a, Việt Nam. 

Chùa Vat Xiêng Thông ở thành phố Luông Pha-băng (Lào)