Kho tàng tài liệu học tập phong phú.

GDKT & PL 11 Chân Trời Sáng Tạo Bài 3: Lạm phát trong kinh tế thị trường

 Lạm phát là một hiện tượng gắn với kinh tế thị trường, gây tác động nhiều mặt đối với nền kinh tế và xã hội. Khi lạm phát được kiểm soát và kiềm chế sẽ giúp phục hồi, ổn định và phát triển kinh tế, xã hội. Công dân ủng hộ những chủ trương, chính sách của Nhà nước trong kiểm soát và kiềm chế lạm phát là góp phần vào sự phát triển kinh tế và xã hội của đất nước.

1.1. Khái niệm lạm phát

Lạm phát là sự tăng lên liên tục mức giá chung của nền kinh tế trong một thời gian nhất định, làm giảm giá trị và sức mua của đồng tiền.

1.2. Các loại hình lạm phát

Dựa vào tỉ lệ lạm phát, có các loại hình lạm phát sau:

Lạm phát vừa phải: dưới 10% (lạm phát 1 con số).

Lạm phát phi mã: từ 10% đến dưới 1 000% (lạm phát 2 hay 3 con số).

Siêu lạm phát: từ 1 000% trở lên (lạm phát từ 4 con số trở lên).

1.3. Các nguyên nhân dẫn đến lạm phát

Do nhu cầu thị trường tăng: nhu cầu tiêu dùng hàng hoá, dịch vụ của thị trường gia tăng một cách nhanh chóng khiến giá cả các mặt hàng bị đẩy lên cao dẫn đến mức giá chung của hàng hoá, dịch vụ tăng lên, làm giảm sức mua của đồng tiền.

Do chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng: khi giá cả của một hoặc vài yếu tố sản xuất (tiền lương, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu,…) tăng sẽ làm tổng chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng, đẩy giá thành sản phẩm tăng và kéo giá cả của hầu hết hàng hoá, dịch vụ khác tăng theo, làm giảm sức mua của đồng tiền.

– Do cung lượng tiền lưu thông trong nước tăng: khi Ngân hàng Nhà nước mua ngoại tệ, mua công trái, phát hành tiền mới làm lượng cung tiền lưu thông vượt lượng cầu tiền lưu thông, mức giá chung tăng, sức mua của đồng tiền giảm.

1.4. Hậu quả của lạm phát đối với nền kinh tế và xã hội

Đối với nền kinh tế: doanh nghiệp thu hẹp quy mô sản xuất – kinh doanh, giảm sản lượng, lãng phí các nguồn lực sản xuất, thất nghiệp gia tăng.

Đối với xã hội: thu nhập thực tế của người lao động giảm, đời sống khó khăn; phân hoá giàu nghèo trong xã hội tăng lên.

1.5. Vai trò của Nhà nước trong việc kiểm soát và kiềm chế lạm phát

Chính sách phát triển sản xuất, kinh doanh: giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất, tăng sản lượng đáp ứng nhu cầu tăng của thị trường.

Chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng: bảo đảm mức cung tiền tệ hợp lí, giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất.

Thực hiện chính sách tài khoá thắt chặt: giảm thuế, cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách nhà nước để giảm lượng tiền trong lưu thông và giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất.

Tăng cường chính sách an sinh xã hội: hỗ trợ hộ nghèo, hỗ trợ tiền thuê nhà, mua bảo hiểm cho công nhân, giúp gảm bớt khó khăn trong cuộc sống.

Vai trò của Kiểm toán của nhà nước trong kiềm chế lạm phát

Vai trò của Kiểm toán nhà nước trong kiềm chế lạm phát