Quyền bình đẳng là thành quả đấu tranh lâu dài của nhân loại tiến bộ qua những thời kì lịch sử khác nhau. Quyền bình đẳng của công dân trước pháp luật được Nhà nước tôn trọng, bảo vệ và ghi nhận trong Hiến pháp và luật. |
1.1. Quy định cơ bản của pháp luật về quyền bình đẳng của công dân trước pháp luật
1.1.1. Khái niệm
Quyền bình đẳng của công dân trước pháp luật nghĩa là mọi công dân, không phân biệt nam, nữ thuộc các dân tộc, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội khác nhau đều không bị phân biệt đối xử trong việc hưởng quyền, thực hiện nghĩa vụ và chịu trách nhiệm pháp lí theo quy định của pháp luật.
1.1.2. Những quy định cơ bản
– Công dân bình đẳng về quyền và nghĩa vụ:
+ Công dân bình đẳng về việc hưởng quyền và thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội theo quy định của pháp luật. Quyền và nghĩa vụ của công dân không tách rời nhau.
+ Quyền và nghĩa vụ của công dân không bị phân biệt bởi dân tộc, giới tính, tôn giáo, giàu, nghèo, thành phần và địa vị xã hội.
– Công dân bình đẳng về trách nhiệm pháp lí:
+ Bất kì công dân dù ở vị trí nào, làm nghề gì khi vi phạm pháp luật đều phải chịu trách nhiệm pháp lí, hành chính, dân sự, hình sự, kỉ luật về hành vi vi phạm của mình và bị xử lí theo quy định của pháp luật.
+ Công dân vi phạm pháp luật với tính chất và mức độ như nhau thì phải chịu trách nhiệm pháp lí như nhau.
Nguyên tắc bảo đảm quyền bình đẳng trước pháp luật
1.2. Ý nghĩa của quyền bình đẳng của công dân đối với đời sống con người và xã hội
– Quyền bình đẳng của công dân trước pháp luật có ý nghĩa quan trọng đối với đời sống con người và xã hội:
+ Giúp đảm bảo quyền và lợi ích tối thiểu của con người;
+ Đảm bảo công bằng dân chủ;
+ Định hướng cho việc xây dựng, giải thích và áp dụng pháp luật đối với đời sống con người và xã hội.
1.3. Thực hiện pháp luật về quyền bình đẳng của công dân
– Công dân có trách nhiệm:
+ Học tập biết được quy định về quyền bình đẳng công dân trước pháp luật;
+ Tuân thủ và chấp hành các quy định pháp luật;
+ Tuyên truyền và vận động mọi người xung quanh cùng thực hiện.