Kho tàng tài liệu học tập phong phú.

GDKT & PL 11 Cánh Diều Bài 1: Cạnh tranh trong kinh tế thị trường

 Trên thị trường, một loại sản phẩm có thể do nhiều chủ thể cùng sản xuất. Sản phẩm cùng loại có mẫu mã khác nhau, đến với người tiêu dùng bằng nhiều hình thức và có thể khác biệt về giá bán.

1.1. Khái niệm cạnh tranh

Cạnh tranh là sự ganh đua giữa các chủ thể tham gia thị trường nhằm giành điều kiện thuận lợi trong sản xuất, mua bán, tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ để có thể thu về lợi ích kinh tế cao nhất.

Sự ganh đua của các chủ thể kinh tế trong cạnh tranh

1.2. Nguyên nhân dẫn đến cạnh tranh

Cạnh tranh trên thị trường diễn ra là do:

+ Các chủ thể kinh tế có sự khác biệt về hình thức sở hữu nguồn lực;

+ Các chủ thể này lại tồn tại độc lập với nhau;

+ Chủ thể nào cũng hành động trước hết vì lợi ích của mình.

Nguyên nhân cạnh tranh giữa các chủ thể kinh tế:

+ Vì các nguồn lực có hạn, các điều kiện sản xuất, mua bán và tiêu dùng khác nhau nên để thực hiện được lợi ích của mình, các chủ thể kinh tế phải cạnh tranh với nhau.

+ Các chủ thể sản xuất luôn phải giành giật những điều kiện thuận lợi trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa nhằm thu được lợi nhuận cao nhất cho mình.

+ Người tiêu dùng cũng luôn ganh đua với nhau để mua được hàng hóa rẻ hơn với chất lượng tốt hơn.

+ Người sản xuất và người tiêu dùng cũng thường xuyên cạnh tranh với nhau để đạt được lợi ích nhiều nhất cho mình từ hoạt động trao đổi trên thị trường.

Những lợi ích về kinh tế dẫn đến cạnh tranh

Những lợi ích về kinh tế dẫn đến cạnh tranh

1.3. Vai trò của cạnh tranh trong nền kinh tế

Cạnh tranh có vai trò to lớn trong nền kinh tế thị trường:

+ Cạnh tranh là động lực thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển. Để giành được lợi nhuận tối đa, các chủ thể sản xuất kinh doanh luôn tìm cách tận dụng tốt nhất các nguồn lực và lợi thế, tích cực ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất.

+ Cạnh tranh tạo điều kiện để người tiêu dùng được tiếp cận hàng hóa dịch vụ chất lượng tốt, phong phú về mẫu mã, chủng loại, giá cả hợp lý. Do đó, nhu cầu của người tiêu dùng và xã hội được đáp ứng ngày càng tốt hơn.

+ Nhờ có cạnh tranh, các nguồn lực kinh tế được sử dụng linh hoạt và hiệu quả, cạnh tranh trở thành động lực cho sự phát triển của nền kinh tế thị trường.

1.4. Cạnh tranh không lành mạnh

Khái niệm: Cạnh tranh không lành mạnh là hành vi trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực trong sản xuất, kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại tới quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể khác.

Biện pháp: Ngăn ngừa, hạn chế cạnh tranh không lành mạnh là nhiệm vụ của mỗi cá nhân, của toàn xã hội, đặc biệt là của nhà nước.