Kho tàng tài liệu học tập phong phú.

GDKT & PL 10 Kết Nối Tri Thức Bài 8: Tín dụng và vai trò của tín dụng trong đời sống

  Tín dụng có vai trò là cầu nối đáp ứng những nhu cầu vay và cho vay của các chủ thể trong nền kinh tế, góp phần thúc đẩy mọi mặt đời sống xã hội phát triển.

Câu hỏi: Em hãy chia sẻ hiểu biết về lợi ích của việc gửi và vay tiền ở ngân hàng?

Trả lời:

– Khi gửi tiền vào ngân hàng, bạn sẽ được hưởng lãi kép từ việc gửi tiền vào ngân hàng, từ đó sẽ có thêm 1 nguồn thu nhập.

– Khi vay tiền ngân hàng, bạn sẽ có vốn để đầu tư hoặc mua nhà, mua xe,…

1.1. Khái niệm và đặc điểm của tín dụng

Câu hỏi: Em hãy đọc trường hợp trang 48, SGK Giáo dục kinh tế và pháp luật 10 Kết Nối Tri Thức để trả lời câu hỏi:

1. Nội dung quan hệ vay mượn giữa anh A và ngân hàng là gì? Căn cứ vào những điều gì để ngân hàng quyết định cho anh A vay tiền?

2. Trong hợp đồng vay tiền, anh A cam kết phải hoàn trả lại ngân hàng với nội dung như thế nào? Việc hoàn trả này có bắt buộc không? Vì sao?

Trả lời: 

1. Ngân hàng quyết định cho anh A vay 100 triệu đồng với lãi suất ưu đãi, thời hạn vay 2 năm. Ngân hàng đã căn cứ vào mục đích, hiệu quả sử dụng vốn, khả năng hoàn trả nợ vay trong quá khứ của anh A để đưa ra quyết định cho anh A vay tiền.

2. Anh A cam kết sẽ hoàn trả đầy đủ số tiền vay cộng thêm phần tiền lãi đúng kì hạn như đã thoả thuận với ngân hàng. Việc hoàn trả này có bắt buộc vì đây tiền của nhà nước cho người dân vay mượn để xây dựng cuộc sống.

  – Tín dụng là khái niệm thể hiện quan hệ kinh tế giữa chủ thể sở hữu (người cho vay) và chủ thể sử dụng nguồn vốn nhàn rỗi (người vay) theo nguyên tắc hoàn trả có kì hạn cả vốn gốc và lãi.

  – Tín dụng có đặc điểm cơ bản là:

 + Dựa trên sự tin tưởng: người cho vay chỉ cấp tín dụng khi có lòng tin vào việc người vay sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả và có khả năng hoàn trả nợ đúng hạn.

 + Có tính tạm thời: việc cho vay chỉ là nhường quyền sử dụng tạm thời một lượng vốn trong một thời hạn nhất định.

 + Có tính hoàn trả cả gốc lẫn lãi: đến thời hạn, người vay có nghĩa vụ và trách nhiệm phải hoàn trả cả vốn gốc và lãi vô điều kiện.

1.2. Vai trò của tín dụng

Câu hỏi: Em hãy đọc các thông tin 1, 2, 3 trang 49, SGK Giáo dục kinh tế và pháp luật 10 Kết Nối Tri Thức để trả lời câu hỏi:

Thông tin trên cho thấy tín dụng tập trung, cung cấp nguồn vốn và đảm bảo sử dụng vốn hiệu quả cho nên kinh tế như thế nào?

Thông tin trên cho thấy tín dụng giúp Nhà nước thực hiện việc điều tiết kinh tế – xã hội như thế nào?

Thông tin trên cho thấy tín dụng thúc đẩy sản xuất, lưu thông hàng hoá, tiêu dùng phát triển, tạo việc làm, nâng cao đời sống nhân dân như thế nào?

Trả lời: 

Thông tin 1: Cung cấp vốn cho những người muốn vay để phát triển sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng và đòi hỏi người vay phải sử dụng hiệu quả vốn vay.

Thông tin 2: Chính sách trợ vốn ngân hàng của Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên đã giúp nhiều em có hoàn cảnh khó khăn thực hiện được ước mơ đến với giảng đường đại học. Nhờ được vay ưu đãi, các em có kinh phí để hoàn thành khoá học, có thêm cơ hội tìm được việc làm và phát triển bản thân, có thu nhập đề thực hiện nghĩa vụ hoàn trả vốn vay cho ngân hàng.

Thông tin 3: Nhờ chương trình cho vay vốn đóng mới và nâng cấp tàu cá của Chính phủ triển khai ở nhiều tỉnh thành trong cả nước, các đội đánh bắt cá đã có thêm những chiếc tàu công suất lớn bám biển vươn khơi, tạo nguồn lực cho ngư dân làm kinh tế, góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo của quốc gia.

  Tín dụng có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội: 

 – Góp phần tăng lượng vốn đầu tư và hiệu quả đầu tư thông qua việc luân chuyển nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi của các cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp và Chính phủ đến những người đang cần vốn, đồng thời đòi hỏi người đi vay phải nỗ lực sử dụng vốn hiệu quả.

 – Là công cụ điều tiết kinh tế – xã hội của Nhà nước.

– Thúc đẩy sản xuất, lưu thông tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế và việc làm, nâng cao đời sống nhân dân.