Kho tàng tài liệu học tập phong phú.

GDKT & PL 10 Kết Nối Tri Thức Bài 7: Sản xuất kinh doanh và các mô hình sản xuất kinh doanh

  Nhiều người đã và đang tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng không phải ai cũng nhận thức được đầy đủ vai trò của sản xuất kinh doanh cũng như biết lựa chọn cho mình một mô hình phù hợp. Bài học này sẽ giúp các em hiểu rõ hơn vai trò của sản xuất kinh doanh, một số mô hình sản xuất kinh doanh.

Câu hỏi: Em hãy kể một số hoạt động sản xuất kinh doanh của gia đình hoặc những cơ sở sản xuất kinh doanh nơi em sinh sống và cho biết hoạt động đó có đóng góp gì cho đời sống xã hội?

Trả lời:

Ở địa phương em có những hoạt động sản xuất kinh doanh sau:

– Dịch vụ: Internet, chuyển phát, sửa chữa xe… giúp người dân thuận tiện cho việc gửi hàng hoá một cách thuận lợi nhanh chóng

– Sản xuất: Sản xuất lúa, ngô, khoai, chăn nuôi gia súc, gia cầm… giải quyết vấn đề lương thực thực phẩm cho người dân và tạo nguồn thu nhập cho chủ hộ.

– Thương mại: Chủ yếu là các đại lí bán hàng (tạp hoá, xăng dầu, điện máy…) để người dân tiếp cận để mua bán hàng hoá thuận tiện nhất.

1.1. Vai trò của sản xuất kinh doanh

Câu hỏi: Em hãy đọc câu chuyện trang 39, 40 SGK Giáo dục kinh tế và pháp luật 10 Kết Nối Tri Thức để trả lời câu hỏi:

1. Anh T đã cung cấp dịch vụ để phục vụ bà con địa phương với mục đích gì? Hoạt động này có điểm gì khác so với hoạt động sản xuất trước đây?

2. Hoạt động sản xuất kinh doanh của anh T đã mang lại lợi ích gì cho gia đình và xã hội?

Trả lời: 

1. Anh T đã cung cấp dịch vụ để phục vụ bà con địa phương với mục đích để bà con bớt khó khăn hơn trong việc nghiền thức ăn cho gia súc, để bà con phát triển chăn nuôi. Hoạt động này giúp anh T cũng giúp bà con có điều kiện phát triển hơn trong chăn nuôi so với trước kia. Trước kia nhà anh T chỉ đủ phục vụ nhu cầu tiêu dùng cho gia đình, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Nhưng từ ngày anh đầu tư vào máy nghiền thức ăn thì anh có thể phục vụ cho bà con phát triển chăn nuôi, đồng thời nuôi thêm hơn 60 con lợn mỗi năm.

2. Hoạt động sản xuất của anh T mang lại cho gia đình anh T có thêm thu nhập từ việc phục vụ máy nghiền thức ăn cho bà con, phát triển chăn nuôi cho gia đình anh T. Hoạt động này góp phần thúc đẩy phát triển chăn nuôi cho bà con cũng như góp phần phát triển kinh tế – xã hội cho quê hương đất nước.

 – Kinh doanh là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả công đoạn của quá trình từ đầu tư, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích thu được lợi nhuận.

 – Sản xuất kinh doanh là hoạt động sản xuất ra sản phẩm hàng hoá/ dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhằm mục đích thu được lợi nhuận.

– Sản xuất kinh doanh có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội là hoạt động kinh tế cơ bản của con người, làm ra sản phẩm hàng hoá/ dịch vụ, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu của xã hội, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, gia đình, xã hội và chủ thể kinh doanh, đem lại cuộc sống ấm no cho mọi người trong xã hội, đóng góp cho sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và đất nước.

1.2. Một số mô hình sản xuất kinh doanh

a) Mô hình hộ sản xuất kinh doanh

Câu hỏi: Từ câu chuyện sản xuất kinh doanh của gia đình anh T, em hãy thảo luận với các bạn trong nhóm để trả lời câu hỏi sau:

1. Việc sản xuất kinh doanh của hộ gia đình anh T do ai chịu trách nhiệm sản xuất và tiêu thụ sản phẩm? Số lao động tham gia là bao nhiêu?

2. Em có nhận xét gì về quy mô kinh doanh, khả năng huy động vốn của hộ gia đình anh T?

Trả lời: 

1. Việc sản xuất kinh doanh của hộ gia đình anh T do anh T chịu trách nhiệm sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Số lao động tham gia là toàn bộ thành viên trong gia đình anh T.

2. Quy mô kinh doanh của gia đình anh T là mô hình sản xuất kinh doanh do cá nhân làm chủ, quy mô nhỏ lẻ, dễ hoạt động sản xuất. Nhưng chính vì vậy nên khó huy động vốn, khó tăng quy mô và đầu tư trang thiết bị, khó đáp ứng yêu cầu của khách hàng lớn.

 – Hộ sản xuất kinh doanh là mô hình sản xuất kinh doanh do cá nhân hoặc một nhóm người là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hoặc một hộ gia đình làm chủ, tự tổ chức sản xuất kinh doanh theo định hướng phát triển kinh tế của Nhà nước, địa phương và quy định của pháp luật, tự chủ trong quản lí và tiêu thụ sản phẩm.

 – Hộ kinh doanh chỉ được đăng kí kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng dưới 10 lao động và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh.

 – Mô hình này có quy mô nhỏ lẻ, bộ máy quản lí gọn nhẹ, dễ tạo việc làm nhưng khó huy động vốn nên khó tăng quy mô và đầu tư trang thiết bị khó đáp ứng yêu cầu của khách hàng lớn.

b) Mô hình hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã sản xuất kinh doanh

Câu hỏi: Em hãy đọc tiếp câu chuyện của gia đình anh T trang 41, SGK Giáo dục kinh tế và pháp luật 10 Kết Nối Tri Thứcđể trả lời câu hỏi:

1. Hợp tác xã Đoàn Kết gồm mấy thành viên? Hoạt động của hợp tác xã dựa trên nguyên tắc nào?

2. Ưu điểm của mô hình hợp tác xã so với mô hình hộ sản xuất kinh doanh là gì? Theo em, tại sao anh T phải liên kết với các hộ gia đình khác?

Trả lời: 

1. Hợp tác xã Đoàn Kết gồm 8 thành viên. Hoạt động của hợp tác xã dựa trên nguyên tắc: Tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lí.

2. Ưu điểm của mô hình hợp tác xã so với mô hình hộ sản xuất kinh doanh là có điều kiện sản xuất theo tiêu chuẩn mới, sử dụng giống lúa có năng suất, chất lượng cao, gieo cấy tập trung, phân bón cân đối nên thu được kết quả cao hơn so với trước đây với mô hình hộ sản xuất kinh doanh. Hợp tác xã còn lo bao tiêu sản phẩm đầu ra, bán với giá ổn định nên các thành viên rất yên tâm, tin tưởng phát triển sản xuất.

Anh T phải liên kết với các hộ gia đình khác là vì để có thêm thành viên hình thành mô hình hợp tác xã, giúp huy động vốn dễ dàng, nâng cao mức thu nhập cho mỗi hộ gia đình.

 – Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 7 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quan hợp tác xã.

 – Đặc điểm của hợp tác xã có hình thức sở hữu tập thể, các thành viên có những nhu cầu chung trong sản xuất kinh doanh, nghĩa vụ, trách nhiệm như nhau trong quản lí hợp tác xã.

 – Liên hiệp hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 4 hợp tác xã tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm đáp ứng nhu cầu chung của họp tác xã thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lí liên hiệp hợp tác xã.

 – Đặc điểm của liên hiệp hợp tác xã có hình thức sở hữu tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, các hợp tác xã thành viên tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lí.

c) Mô hình doanh nghiệp

Câu hỏi: Em hãy đọc thông tin trang 42, SGK Giáo dục kinh tế và pháp luật 10 Kết Nối Tri Thức để trả lời câu hỏi:

Em hãy nêu những biểu hiện tính hợp pháp và tính tổ chức của doanh nghiệp X.

Trả lời: 

Những biểu hiện tính hợp pháp và tính tổ chức của doanh nghiệp X:

– Tính tổ chức: Kinh doanh mặt hàng điện tử gia dụng, vốn thành lập và làm chủ là Ông Q, có trụ sở giao dịch, có cơ cấu nhân sự, bộ máy điều hành.

– Tính hợp pháp: Doanh nghiệp ông Q được nhà nước cấp phép hoạt động và phải chịu trách nhiệm cho các hoạt động kinh doanh bằng tài sản riêng của mình trước pháp luật.

 – Doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh.

 – Doanh nghiệp có đặc điểm:

 + Có tính kinh doanh: mục đích hoạt động là tạo ra lợi nhuận thông qua mua bán, sản xuất, kinh doanh hàng hoá/ dịch vụ,…

 + Có tính hợp pháp: đã đăng kí và được cấp phép kinh doanh.

 + Có tính tổ chức: có tổ chức điều hành, cơ cấu nhân sự, trụ sở giao dịch, tài sản riêng và tư cách pháp nhân (trừ loại hình doanh nghiệp tư nhân).

Một số mô hình doanh nghiệp

Doanh nghiệp tư nhân

Câu hỏi: Từ thông tin về doanh nghiệp X do ông Q làm chủ ở trên, em hãy trả lời câu hỏi:

Ông Q có quyền sở hữu, quản lí và thực hiện nghĩa vụ đối với doanh nghiệp X trước pháp luật như thế nào?

Trả lời: 

Ông Q có quyền sở hữu, quản lí và thực hiện nghĩa vụ đối với doanh nghiệp X trước pháp luật: Do ông Q bỏ vốn đầu tư, làm chủ, mục đích sinh lợi. Chịu trách nhiệm cho các hoạt động kinh doanh bằng tài sản riêng của mình trước pháp luật.

 – Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.

 – Đặc điểm:

 + Chủ sở hữu duy nhất của doanh nghiệp là cá nhân chủ doanh nghiệp, có quyền tăng hoặc giảm vốn đầu tư, không tách bạch tài sản của chủ doanh nghiệp và tài sản của doanh nghiệp, không có tư cách pháp nhân.

 + Chủ doanh nghiệp là đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp toàn quyền quyết định hoạt động kinh doanh, sử dụng lợi nhuận và chịu trách nhiệm vô hạn toàn bộ tài sản của doanh nghiệp và của chủ doanh nghiệp.

Công ty hợp danh

Câu hỏi: Em hãy đọc tiếp thông tin về doanh nghiệp của ông Q trang 43, SGK Giáo dục kinh tế và pháp luật 10 Kết Nối Tri Thức để trả lời câu hỏi:

1. Công ty hợp danh QT được thành lập bởi những ai? Các thành viên hợp danh có quyền lợi và nghĩa vụ gì trong công ty? Các thành viên góp vốn có quyền lợi và nghĩa vụ gì trong công ty?

2. Theo em, công ty hợp danh có ưu điểm gì so với doanh nghiệp tư nhân?

Trả lời:

1. Công ty hợp doanh QT được thành lập bởi ông T và Ông Q.

– Các thành viên hợp doanh có quyền và nghĩa vụ trong công ty: chịu trách nhiệm toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty. Các thành viên hợp doanh có quyền ngang nhau trong quản lý công ty, tiến hành các hoạt động kinh doanh, cùng liên đới chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ công ty.

– Thành viên góp vốn chịu trách nhiệm về các khoản nợ trong phạm vi số vốn đã cam kết vào công ty. Thành viên góp vốn có quyền được chia lợi nhuận theo tỷ lệ đượa quy định tại điều lệ công ty, không được tham gia quản lí công ty và hoạt động kinh doanh nhân doanh công ty.

2. Ưu điểm của công ty hợp doanh: Có thể huy động nguồn vốn, tăng người để cùng quản lý công ty, tạo được sự tin cậy của các bạn hàng, đối tác kinh doanh. Việc điều hành quản lý công ty không quá phức tạp do số lượng các thành viên ít và tin tưởng nhau.

 – Công ty hợp danh là doanh nghiệp có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung (gọi là thành viên hợp danh). Ngoài các thành viên hợp danh, công ty có thể có thêm thành viên góp vốn. Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm băng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty Thành viên góp vốn là tổ chức, cá nhân và chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của Công ty trong phạm vi số vốn đã cam kết góp vào Công ty.

 – Đặc điểm:

 + Thành viên hợp danh là người có trình độ chuyên môn và uy tín nghề nghiệp,

có quyền ngang nhau trong quản lí công ty, tiến hành các hoạt động kinh doanh nhân danh công ty, cũng liên đới chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ của Công ty

 + Thành viên góp vốn có quyền được chia lợi nhuận theo tỉ lệ được quy định tại

Điều lệ công ty, không được tham gia quản lí Công ty và hoạt động kinh doanh

nhân danh Công ty

 + Do kết hợp được uy tín cá nhân của thành viên họp danh nên tạo được sự tin cậy của các bạn hàng, đối tác kinh doanh. Việc điều hành quản lí công ty không quá phức tạp do số lượng các thành viên ít và tin tưởng nhau.

Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên

Câu hỏi: Em hãy đọc thông tin trang 43, 44 SGK Giáo dục kinh tế và pháp luật 10 Kết Nối Tri Thức để trả lời câu hỏi:

Em có nhận xét gì về mục đích thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên của anh N?

Trả lời: 

Mục đích thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên của anh N: Chỉ phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ mà không lo ảnh hưởng đến các tài sản khác của gia đình.

 – Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu, chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của Công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty.

 – Đặc điểm:

 + Vốn điều lệ tại thời điểm đăng ki doanh nghiệp là tổng giá trị tài sản do chủ sở hữu cam kết góp và ghi trong Điều lệ công ty. Nếu tăng vốn điều lệ bằng đóng góp của người khác thì phải chuyển đổi sang loại hình Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoặc công ty cổ phần.

 + Ít rủi ro hơn doanh nghiệp tư nhân, cơ cấu tổ chức đơn giản, chủ sở hữu toàn quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến hoạt động của công ty.

Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên

Câu hỏi: Em hãy đọc tiếp thông tin về hoạt động kinh doanh của anh N trang 44, SGK Giáo dục kinh tế và pháp luật 10 Kết Nối Tri Thức để trả lời câu hỏi:

Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên của anh N được chuyển đổi thành Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên như thế nào? Cơ chế tổ chức và hoạt động ra sao?

Trả lời: 

– Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên của anh N được chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên: có thêm 4 người bạn thân đầu tư thêm 4 tỉ đồng vào vốn điều lệ và đề nghị chuyển đổi thành công ty TNHH hai thành viên trở lên với vốn điều lệ là 9 tỉ đồng.

– Cơ chế tổ chức và hoạt động của công ty: Cả năm người hợp thành hội đồng thành viên, duy trì hoạt động công ty, chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn đã góp.

 – Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là doanh nghiệp trong đó thành viên có thể là tổ chức, cá nhân số lượng thành viên không vượt quá 50.

 – Đặc điểm:

 + Công ty có tư cách pháp nhân, không được quyền phát hành cổ phần đề huy động vốn.

 + Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp. Vốn điều lệ của công ty khi đăng ký doanh nghiệp là tổng giá trị phần vốn góp các thành viên cam kết góp vào công ty.

 + Ít gây rủi ro cho người góp vốn, việc quản lý, điều hành công ty không quá phức tạp.

Công ty cổ phần

Câu hỏi: Em hãy đọc trường hợp trang 45, SGK Giáo dục kinh tế và pháp luật 10 Kết Nối Tri Thức để trả lời câu hỏi:

Công ty Cổ phần A được hình thành như thế nào? Em hãy nêu phương thức hoạt động của Công ty Cổ phần.

Trả lời:

– Công ty cổ phần A được hình thành bằng vốn đóng góp của hàng trăm cổ đông.

– Phương thức hoạt động của công ty cổ phần: hằng năm công ty tổ chức đại hội cổ đông, bầu ra hội đồng quản trị. Công ty được phát hành chứng khoán để huy động vốn. Các cổ đông được chia lợi tức cổ phần theo số cổ phần đóng góp cho công ty.

 – Công ty Cổ phần là doanh nghiệp được hình thành bằng vốn đóng góp của nhiều người, vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần, Người đóng cổ phần gọi là các cổ đông. 

 – Đặc điểm:

 + Cổ đông có thể là tỏ chức, cá nhân, chi chịu trách nhiệm về nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp, có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần, số lượng cổ đông tối thiểu là ba và không hạn chế số lượng tối đa. 

+ Công ty Cổ phần có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh.

 + Mức độ rủi ro của các cổ đông không cao, cơ cấu vốn của công ty Cổ phần linh hoạt, khả năng huy động vốn cao thông qua phát hành cổ phần chào bán hoặc cổ phiếu ra công chúng.

Doanh nghiệp nhà nước

Câu hỏi:  Em hãy đọc trường hợp trang 46, SGK Giáo dục kinh tế và pháp luật 10 Kết Nối Tri Thức để trả lời câu hỏi:

Em hãy phân tích số vốn của doanh nghiệp K trước và sau khi cổ phần hoá.

Trả lời: 

Doanh nghiệp K là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Sau khi cổ phần hoá doanh nghiệp K đã trở thành một công ty cồ phần với số vốn lớn hơn nhiều so với trước. Số vốn nhà nước chỉ còn chiếm 54% vốn của công ty, phần còn lại cho phép tư nhân đầu tư.

 – Doanh nghiệp nhà nước là tổ chức kinh doanh do Nhà nước thành lập hoặc tham gia thành lập đầu tư trên 50% vốn điều lệ và quản lí hoặc tham gia quản lí với tư cách chủ sở hữu, là một pháp nhân kinh tế, hoạt động theo pháp luật và bình đẳng trước pháp luật.

 – Doanh nghiệp nhà nước gồm có hai loại:

 + Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.

 + Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết: Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần.