Thị trường ra đời, phát triển gắn liền với sự phát triển của kinh tế hàng hoá, là sợi dây liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu dùng. Sự phát triển của kinh tế thị trường đã dẫn tới những biến đổi sâu sắc của hệ thông thị trường trên toàn thế giới. Khi tham gia thị trường với những vai trò khác nhau, mỗi chúng ta cần hiểu rõ bản chất, chức năng của thị trường và các vấn đề liên quan. |
---|
Câu hỏi: Em cùng các bạn sắm vai người mua và người bán trong một cửa hàng bán đồ dùng học tập để trả lời câu hỏi:
1. Đối tượng mua bán ở cửa hàng này là gì?
2. Chủ thể tham gia vào các hoạt động ở cửa hàng này là ai?
Trả lời:
1. Đối tượng mua bán ở cửa hàng này là học sinh, sinh viên, trí thức,…
2. Chủ thể tham gia vào các hoạt động ở cửa hàng là chủ thể tiêu dùng và chủ thể trao đổi – phân phối.
1.1. Khái niệm thị trường
Câu hỏi: Em hãy đọc thông tin trang 17, 18, SGK Giáo dục kinh tế và pháp luật 10 Kết Nối Tri Thức để trả lời câu hỏi:
1. Sự thay đổi trên quê hương S diễn ra như thế nào? Em hãy mô tả những hoạt động trao đổi, mua bán hàng hóa, dịch vụ nơi đây.
2. Khi tham gia hoạt động trao đổi, mua bán hàng hóa, dịch vụ, bà con phải giải quyết những mối quan hệ kinh tế nào?
Trả lời:
1. Giờ đây, quê hương của S được ví như một Sa Pa thu nhỏ với thung lũng hoa cát cánh nở rộ, nhuộm sắc tím mênh mông, tạo thành một vùng thị trường dược liệu đạt tiêu chuẩn quốc tế. Những đồi hoa cát cánh thơ mộng còn trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn cho du khách thập phương. Nơi đây tấp nập thị trường mua bán nguồn dược liệu quý từ cây cát cánh và kinh doanh dịch vụ du lịch, chụp ảnh, bán váy, áo, khăn, túi thổ cảm….
2. Khi tham gia hoạt động trao đổi, mua bán hàng hóa, dịch vụ, bà con phải giải quyết những mối quan hệ kinh tế như: mối quan hệ cung – cầu, cạnh tranh, cần xác định giá cả, số lượng hàng hóa, dịch vụ cung ứng,…
– Theo nghĩa hẹp, thị trường là nơi diễn ra hoạt động trao đổi, mua bán hàng hoá. – Theo nghĩa rộng, thị trường là lĩnh vực trao đổi, mua bán mà ở đó các chủ thể kinh tế tác động qua lại lẫn nhau để xác định giá cả và số lượng hàng hoá, dịch vụ. Các yếu tố cấu thành thị trường gồm: người mua – người bán, hàng hoá – tiền tệ, quan hệ mua – bán, giá cả – giá trị, cung – cầu hàng hoá,… |
---|
1.2. Các loại thị trường
Câu hỏi: Em hãy đọc thông tin trang 18, SGK Giáo dục kinh tế và pháp luật 10 Kết Nối Tri Thứcvà quan sát hình ảnh để trả lời câu hỏi:
1. Em hãy xác định các loại thị trường trong thông tin và hình ảnh trên.
2. Theo em, ngoài ra còn có những loại thị trường nào khác?
Trả lời:
1. Các loại thị trường trong thông tin và hình ảnh trên là: Thị trường tư liệu tiêu dùng, thị trường tiền tệ, sức lao động, khoa học và công nghệ.
2. Theo em, ngoài ra còn có những loại thị trường khác như: Thị trường lúa gạo, thị trường dầu mỏ, thị trường chứng khoán,…
– Theo đối tượng giao dịch, mua bán, có thị trường các loại hàng hoá và dịch vụ như: thị trường lúa gạo, thị trường dầu mỏ, thị trường tiền tệ, thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản,.. – Theo vai trò của các đối tượng mua bán, giao dịch, có thị trường tư liệu sản xuất, thị trường tư liệu tiêu dùng, thị trường lao động, thị trường khoa học – công nghệ,… – Theo phạm vi của quan hệ mua bán, giao dịch, có thị trường trong nước và thị trường quốc tế,… |
---|
1.3. Các chức năng cơ bản của thị trường
Câu hỏi: Em hãy đọc các thông tin 1, 2 trang 19, SGK Giáo dục kinh tế và pháp luật 10 Kết Nối Tri Thức để trả lời câu hỏi:
1. Ở thông tin 1, sản phẩm áo sơ mi kẻ ô vuông, chất liệu cotton được thị trường thừa nhận như thế nào? Thị trường đã cung cấp thông tin gì khiến Ban Giám đốc Công ty may A phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất?
2. Thông tin 2 cho thấy thị trường kích thích, hạn chế việc sản xuất và tiêu dùng thịt lợn như thế nào?
Trả lời:
1. Sơ mi nam màu xanh, chất liệu kate giá bán 400 000 đồng/áo, tháng trước bán được rất nhiều nhưng hiện sức mua đang chững lại. Sản phẩm mới – áo sơ mi nam dài tay, kẻ ô vuông, chất liệu cotton bán với giá 550 000 đồng/áo được nhiều khách hàng ưa chuộng. Thông tin thị trường trên khiến Ban Giám đốc công ty phải xem xét, điều chỉnh kế hoạch, gia tăng sản xuất mặt hàng sơ mi chất liệu cotton, cắt giảm sản xuất áo chất liệu kate.
2. Vào giữa năm, dịch tả lợn Châu Phi bùng nhe khiến người chăn nuôi lo ngại, bán chạy dẫn đến nguồn cung thịt lợn tăng đột biến, giá thịt lợn giảm sâu, có nơi chỉ còn 30 000 đồng/kg. Vào cuối năm, đàn lợn cả nước giảm mạnh, khiến giá thịt lợn tăng vọt, đạt mức kỉ lục trong lịch sử, có lúc lên tới 280 000 đồng/kg. Khi dịch tả lợn châu Phi tạm lắng, nhiều hộ chăn nuôi đã tái đàn, góp phần bình ổn dân giá thịt lợn.
Thị trường có 3 chức năng chủ yếu: – Chức năng thừa nhận: Thị trường thừa nhận công dụng xã hội của hàng hoá và lao động đã hao phí để sản xuất ra nó, thông qua việc hàng hoá có bán được hay không và bán với giá như thế nào. – Chức năng thông tin: Thị trường cung cấp thông tin cho người sản xuất và người tiêu dùng thông qua những biến động của nhu cầu xã hội về số lượng, chất lượng, chủng loại, cơ cấu các loại hàng hoá, giá cả, tình hình cung – cầu về các loại hàng hoá,… – Chức năng điều tiết, kích thích hoặc hạn chế: Trên cơ sở những thông tin thu được từ thị trường, người sản xuất và người tiêu dùng sẽ có những ứng xử, điều chỉnh kịp thời cho phù hợp với sự biến đổi của thị trường, nhờ đó sản xuất và tiêu dùng được kích thích hoặc hạn chế. |
---|