Kho tàng tài liệu học tập phong phú.

GDKT & PL 10 Kết Nối Tri Thức Bài 14: Giới thiệu về Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

  Ngày 2 – 9 – 1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản “Tuyên ngôn Độc lập” khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Ngay sau đó, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ ngày 3 – 9 – 1945, Hồ Chủ tịch đã đề ra sáu nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ. Một trong những nhiệm vụ cấp bách đó là xây dựng Hiến pháp.

Câu hỏi: Em hãy nêu một khẩu hiệu về Hiến pháp mà em biết và chia sẻ ý nghĩa của khẩu hiệu đó.

Trả lời:

– Khẩu hiệu “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” .

– Khẩu hiệu này ra đời, đánh dấu một giai đoạn mới “quản lý đất nước bằng pháp luật chứ không chỉ bằng đạo lý” như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986) đã xác định.

– Ý nghĩa của khẩu hiệu: Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật là lối sống lành mạnh, thể hiện một trình độ văn minh, là lối sống có văn hóa, có kỷ cương, trách nhiệm.

1.1. Khái niệm và vị trí của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Câu hỏi: Em hãy đọc các thông tin trang 88, 89 SGK Giáo dục kinh tế và pháp luật 10 Kết Nối Tri Thức để trả lời câu hỏi.

1/ Em hãy cho biết vì sao Nhà nước cần phải ban hành Hiến pháp.

2/ Theo em, Hiến pháp có vị trí như thế nào trong Hệ thống pháp luật Việt Nam? Hiến pháp hiện hành của Việt Nam là bản hiến pháp nào?

3/ Vì sao khi ban hành Luật Trẻ em năm 2016, Quốc hội phải căn cứ vào nội dung của Hiến pháp năm 2013?

Trả lời: 

Yêu cầu số 1: Nhà nước cần phải ban hành Hiến pháp vì Hiến pháp là hệ thống các quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lí cao nhất quy định những vấn đề cơ bản nhất về chủ quyền quốc gia, chế độ chinh trị, chính sách kinh tế, văn hoá, xã hội, tổ chức quyền lực nhà nước, địa vị pháp lí của con người và công dân.

Yêu cầu số 2:

– Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là luật cơ bản, có hiệu lực pháp lí cao nhất, do Quốc hội ban hành đề quy định những vấn đề quan trọng của đất nước.

– Bản Hiến pháp hiện hành của Việt Nam là bản của năm 2013, là bản Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Quốc hội Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua vào sáng ngày 28 tháng 11 năm 2013, có hiệu lực vào ngày 1 tháng 1 năm 2014.

Yêu cầu số 3: Vì Hiến pháp là luật cơ bản, có hiệu lực pháp lí cao nhất, tất cả các luật ban hành ra đều phải căn cứ vào nội dung Hiến pháp. Do đó khi ban hành Luật Trẻ em năm 2016, Quốc hội phải căn cứ vào nội dung của Hiến pháp năm 2013.

  Hiến pháp là hệ thống các quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lí cao nhất quy định những vấn đề cơ bản nhất về chủ quyền quốc gia, chế độ chính trị, chính sách kinh tế, văn hoá, xã hội, tổ chức quyền lực nhà nước, địa vị pháp lí của con người và công dân. Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là luật cơ bản, có hiệu lực pháp lí cao nhất, do Quốc hội ban hành để quy định những vấn đề quan trọng của đất nước.

1.2. Đặc điểm của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Hiến pháp là đạo luật cơ bản của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Câu hỏi: Em hãy đọc các thông tin trang 89, 90 SGK Giáo dục kinh tế và pháp luật 10 Kết Nối Tri Thức để trả lời câu hỏi: 

Những chi tiết nào trong các thông tin trên cho thấy Hiến pháp là đạo luật cơ bản của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam?

Trả lời: 

– Hiến pháp là nguồn, là nền tảng cho việc ban hành các văn bản pháp luật khác thuộc hệ thống pháp luật Việt Nam. Các quy định của Hiến pháp mang tinh tuyên ngôn, cương lĩnh, điều chỉnh chung. Dựa trên nền tảng đó, các luật, pháp lệnh, nghị định và các văn bản dưới luật khác cụ thể hoá, chi tiết hoa để điều chỉnh các quan hệ xã hội.

– Trong nhiệm kì khoá XIV, Quốc hội đã ban hành 72 luật, hai pháp lệnh và nhiều nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật để kịp thời thể chế hoá các chủ trương, đường lối của Đảng và tiếp tục cụ thể chế hóa đưa Hiến pháp năm 2013 vào đời sống, qua đó, khẳng định vai trò quan trọng trong việc xây dựng, hoàn thiện thể chế của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Hiến pháp có hiệu lực pháp lí lâu dài và tương đối ổn định

Câu hỏi: Em hãy đọc các thông tin trang 90, SGK Giáo dục kinh tế và pháp luật 10 Kết Nối Tri Thức để trả lời câu hỏi

Theo em, vì sao nói Hiến pháp Việt Nam có hiệu lực pháp lí lâu dài và tương đối ổn định? Hiến pháp được bổ sung, thay đổi khi nào?

Trả lời: 

– Hiến pháp Việt Nam có hiệu lực pháp lí lâu dài và tương đối ổn định vì Hiến pháp quy định những nội dung cơ bản, quan trọng của đất nước, như: hình thức chính thể, chủ quyền, lãnh thổ, chế độ chính trị, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân… nên nội dung của hiến pháp ít được sửa chữa, thay đổi.

– Hiến pháp chỉ được sửa đổi, bổ sung, thay thế vào những thời điểm đặc biệt, đánh dấu sự thay đổi về lịch sử, phát triển của đất nước.

– Mặt khác, Hiến pháp được bổ sung, thay đổi khi Chủ tịch nước, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội có quyền đề nghị làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp. Quốc hội quyết định việc làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp khi có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.

Hiến pháp có quy trình làm, sửa đổi đặc biệt được quy định tại Hiến pháp

Câu hỏi: Quan sát sơ đồ kết hợp đọc thông tin trang 91, SGK Giáo dục kinh tế và pháp luật 10 Kết Nối Tri Thức để trả lời câu hỏi:

Dựa vào sơ đồ và thông tin trên, em hãy cho biết quy trình làm, sửa đổi Hiến pháp Việt Nam có gì đặc biệt?

Trả lời: 

– Điểm đặc biệt trong quy trình làm, sửa đổi Hiến pháp Việt Nam:

+ Quy trình làm, sửa đổi Hiến pháp Việt Nam bao gồm 8 bước, được quy định trong Hiến pháp.

+ Hiến pháp được Quốc hội quyết định làm, sửa đổi khi có ít nhất 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội tán thành. Trong quá trình làm, sửa đổi Hiến pháp phải lấy ý kiến của nhân dân.

+ Hiến pháp được thông qua khi có ít nhất 2/3 tổng số đại biểu quốc hội biểu quyết tán thành.

  Các đặc điểm cơ bản của Hiến pháp Việt Nam:

  – Hiến pháp là đạo luật cơ bản, là cơ sở để xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật khác trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

  – Hiến pháp có hiệu lực pháp lí lâu dài, tương đối ổn định.

  – Hiến pháp có quy trình làm, sửa đổi đặc biệt được quy định tại Hiến pháp.