Kho tàng tài liệu học tập phong phú.

GDKT & PL 10 Kết Nối Tri Thức Bài 11: Khái niệm, đặc điểm và vai trò của pháp luật

  Trong tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, mỗi công dân cần phải “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”. Hiểu biết về pháp luật sẽ giúp chúng ta có những ứng và phù hợp, đúng pháp luật và thực hiện tốt các quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Câu hỏi: Em hãy chia sẻ về một tình huống vi phạm pháp luật mà em biết hoặc chứng kiến và nêu nhận xét của em về tình huống đó.

Trả lời:

– Tình huống: Do cần tiền để trả nợ, sáng 15/12/2014, Nguyễn Văn C (sinh năm 1990, sinh sống tại thành phố X) chạy xe máy đến nhà bác của mình là ông Nguyễn Văn N để mượn tiền. Trên đường đi, C nghĩ nếu nhà bác không ai ở nhà thì sẽ ra tay lấy trộm tài sản. C đến nhà ông N. Thấy cổng nhà khóa trái, C tìm cách đột nhập không thành nên lên tiếng gọi người nhà. Lúc này, con gái ông N là chị Nguyễn Thị M ra mở cổng. Vào nhà một lúc, C viện lý do bị đau bụng, sau đó nhờ chị M pha một ly nước chanh để uống. Khi chị M đi vào phòng bếp, C lặng lẽ bám theo rồi bất ngờ lao đến dùng tay kẹp cổ chống chế rồi yêu cầu chị M chỉ chỗ cất tiền. Chị M cố vùng vẫy để tháo chạy nhưng bị mất thăng bằng, ngã vào cạnh khung cửa bếp bất tỉnh. C đi vào phòng ngủ của con gái ông N lục lấy được 9 nhẫn vàng (trọng lượng từ 0,5 -1 chỉ/chiếc), sau đó sang phòng ngủ của ông N lục lấy 6 nhẫn vàng (trọng lượng 2 chỉ/chiếc) và 3 triệu đồng. Lúc này, phát hiện chị M tình dậy chạy ra ngoài đường kêu cứu nên C lên xe tẩu thoát. C bán 5 chiếc nhẫn vàng cho một người đàn ông được 7,5 triệu đồng. Được người thân vận động, sáng ngày hôm sau, Nguyễn Văn C đã đến công an thành phố X đầu thú.

– Nhận xét: C đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật

1.1. Khái niệm và đặc điểm của pháp luật

a) Khái niệm pháp luật

Câu hỏi: Em hãy đọc tình huống trang 71, SGK Giáo dục kinh tế và pháp luật 10 Kết Nối Tri Thức để trả lời câu hỏi: 

1. Theo em, người cảnh sát giao thông có nên bỏ qua lỗi của anh T không? Vì sao?

2. Quy tắc xử sự cố tình bắt buộc chung được thể hiện như thế nào trong tình huống trên?

Trả lời: 

1. Theo em, người cảnh sát giao thông không nên bỏ qua lỗi của anh T. Vì: việc vượt qua đèn đỏ đã vi phạm luật giao thông, để đảm bảo trật tự, an toàn cho mọi người khi tham gia giao thông và giao thông thông suốt. Nhà nước đã ban hành pháp luật quy định người tham gia giao thông phải chấp hành tín hiệu giao thông, dừng xe trước vạch kẻ đường khi gặp đèn đỏ. Đây là quy tắc xử sự chung bắt buộc tất cả mọi người khi tham gia giao thông phải tuân thủ và thực hiện nghiêm túc ở mọi nơi, vào bất kì thời gian nào. Nếu không tuân thủ sẽ bị xử phạt.

2. Các quy tắc xử sự khác trong xã hội đều là những công cụ điều chỉnh hành vi của con người, đưa ra những quy tắc xử sự, hành vi khuôn mẫu để mọi người thực hiện đảm bảo tuân theo định hướng chung đã được đề ra. Tuy cùng mục đích nhưng pháp luật và các quy tắc xử sự khác trong xã hội cũng có những điểm khác biệt, phạm vi bài viết dưới đây nhằm đưa ra và phân tích sự khác nhau giữa pháp luật và các quy tắc xử sự khác trong xã hội.

  Pháp luật là hệ thống các quy tắc xử sự có tính bắt buộc chung, do Nhà nước ban hành và được bảo đảm thực hiện bằng quyền lực nhà nước.

b) Đặc điểm của pháp luật

Câu hỏi: Em hãy đọc trường hợp trang 72, SGK Giáo dục kinh tế và pháp luật 10 Kết Nối Tri Thức, kết hợp với khái niệm pháp luật để trả lời câu hỏi:

1. Vì sao N bị xử phạt?Tính quy phạm phổ biến, tính quyền lực, bắt buộc chung của pháp luật được thể hiện như thế nào trong trường hợp này?

2. Để các quy phạm phổ biến được áp dụng vào đời sống xã hội thì các quy phạm | đó phải được thể hiện qua hình thức nào?

3. Nêu ví dụ minh hoạ cho các đặc điểm của pháp luật.

Trả lời: 

1. N bị xử phạt vì không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, N mắc thêm lỗi là sử dụng xe máy khi chưa đủ tuổi. Tính quy phạm phổ biến, tính quyền lực, bắt buộc chung của pháp luật được thể hiện: áp dụng xử phạt ở nhiều nơi, đối với tất cả mọi người, mọi cá nhân không phân biệt địa vị, nghề nghiệp, chức vụ, quyền hạn đều phải thực hiện pháp luật. Mọi hành vi vi phạm pháp luật đều bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lí nghiêm minh.

2. Để các quy phạm phổ biến được áp dụng vào đời sống xã hội thì các quy phạm đó phải được thể hiện qua hình thức:

+ Được thể hiện bằng văn bản có chứa quy phạm pháp luật

+ Văn bản quy phạm pháp luật phải do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành trình tự, thủ tục, hình thức luật định. Chỉ các cơ quan nhà nước có thẩm quyền do Hiến pháp, luật định mới được ban hành văn bản quy phạm pháp luật

+ Tất cả văn bản quy phạm pháp luật đều phải phù hợp, không được trái với Hiến pháp. Văn bản quy phạm pháp luật do cấp dưới ban hành không được trái với nội dung văn bản do cấp trên ban hành.

3. Ví dụ minh họa cho các đặc điểm của pháp luật do nhà nước ban hành:

– Ví dụ về tính quy phạm phổ biến pháp luật: Luật giao thông đường bộ được áp dụng đối với tất cả công dân đang sinh sống trên lãnh thổ nước Việt Nam, đối với tất cả mọi người không phân biệt lứa tuổi, giới tính, tôn giáo, dân tộc,…. và được áp dụng nhiều lần. 

– Ví dụ về tính quyền lực, bắt buộc chung: Luật an toàn giao thông đường bộ được Nhà nước ban hành và đảm bảo bằng sức mạnh quyền lực nhà nước (Đại diện là Cảnh sát giao thông, Cảnh sát cơ động) Những người vi phạm Luật giao thông đường bộ đều phải chịu phạt theo điều luật đã quy định. 

– Ví dụ về tính xác định chặt chẽ về mặt hình thức: Luật an toàn giao thông có văn bản chứa quy phạm pháp luật. Trong đó sẽ ghi rõ những trường hợp cũng như hình phạt cho những lỗi vi phạm. Như: điều 60 quy định về độ tuổi của người điều khiển xe máy, ô tô như sau:

+ Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe máy dung tích xi-lanh dưới 50 cm3

+ Người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe máy dung tích xi-lanh từ 50 cm3 trở lên; xe ô tô tải có trọng tải dưới 3,5 tấn; xe ô tô chở người đến 09 chỗ ngồi

+ Người đủ 24 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi

+ Người đủ 27 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi

+ Tuổi tối đa của người lái ô tô trên 30 chỗ ngồi, 50 tuổi đối với nữ và 55 tuổi đối với nam.

  Pháp luật có các đặc điểm sau:

  – Tính quy phạm phổ biến pháp luật là hệ thống các quy tắc xử sự chung, được áp dụng nhiều lần, ở nhiều nơi, đối với tất cả mọi người. Đây là đặc điểm để phân biệt pháp luật với các quy phạm xã hội khác.

  – Tính quyền lực, bắt buộc chung: pháp luật do Nhà nước ban hành và được bảo đảm thực hiện bằng sức mạnh của quyền lực nhà nước. Mọi tổ chức, cá nhân không phân biệt địa vị, nghề nghiệp, chức vụ, quyền hạn đều phải thực hiện pháp luật. Mọi hành vi vi phạm pháp luật đều bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lí nghiêm minh tuỳ theo mức độ vi phạm.

  – Tính xác định chặt chẽ về mặt hình thức:

 + Pháp luật phải được thể hiện bằng các văn bản có chứa quy phạm pháp luật.

  + Văn bản quy phạm pháp luật phải do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành theo trình tự, thủ tục, hình thức luật định. Chỉ các cơ quan nhà nước có thẩm quyền do Hiến pháp, luật quy định mới được ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

  + Tất cả văn bản quy phạm pháp luật đều phải phù hợp, không được trái với Hiến pháp. Văn bản quy phạm pháp luật do cấp dưới ban hành không được trái với nội dung văn bản do cấp trên ban hành.

1.2. Vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội

a) Pháp luật là phương tiện để quản lí nhà nước

Câu hỏi: Em hãy đọc trường hợp trang 72, 73 SGK Giáo dục kinh tế và pháp luật 10 Kết Nối Tri Thức để trả lời câu hỏi:

1. Hành vi xả thải chất độc vào môi trường của Công ty Hoá chất A đã vi phạm quy định của luật nào? Việc xử phạt đối với Công ty Hoá chất A có tác dụng như thế nào?

2. Em hãy nêu một số quy định của pháp luật thể hiện vai trò quản lí xã hội của Nhà nước mà em biết.

Trả lời: 

1. Hành vi xả thải chất độc vào môi trường của Công ty Hóa chất A đã vi phạm quy định của luật Bảo vệ môi trường. Việc xử phạt đối với Công ty Hóa chất A có tác dụng khắc phục hậu quả mà công ty đã vi phạm, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.

2. Một số quy định của pháp luật thể hiện vai trò quản lí xã hội của Nhà nước:

+ Quản lý xã hội bằng pháp luật là việc nhà nước sử dụng các quy định pháp luật để điều chỉnh quan hệ xã hội. Lấy pháp luật là thước đo các hành vi trong xã hội, những hành vi lệch chuẩn đều bị xử lý theo quy định của pháp luật.

+ Thông qua pháp luật, nhà nước điều hành xã hội phát triển theo ý chí của mình. Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật bằng việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định về các vấn đề trong xã hội, ví dụ: Khiếu nại các quyết định hành chính, giao thông đường bộ, giáo dục,… Nhờ đó các vấn đề này được giải quyết thống nhất, theo quy định của pháp luật.

+ Ví dụ: Trong giao thông đường bộ, người tham gia giao thông phải tuân thủ quy định tại Luật Giao thông đường bộ và những văn bản khác liên quan, những hành vi vi phạm sẽ bị xử lý theo Nghị định 100: Khi tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện phải đáp ứng các điều kiện về độ tuổi, giấy phép lái xe, nếu không đủ các điều kiện này sẽ bị xử phạt.

  Pháp luật là phương tiện để Nhà nước quản lí xã hội:

  – Pháp luật điều chỉnh, định hướng các quan hệ xã hội theo khuôn mẫu chung thống nhất, tạo nên trật tự xã hội ổn định, đảm bảo sự phát triển bền vững của xã hội.

  – Pháp luật là phương tiện để Nhà nước kiểm tra, kiểm soát hoạt động của cá nhân, tổ chức, trong phạm vi lãnh thổ của mình.

  – Pháp luật tạo cơ sở pháp lý để Nhà nước phát huy quyền lực, sức mạnh trong quản lí nhà nước nhằm đảm bảo dân chủ, công bằng, bình đẳng và tiến bộ xã hội.

b) Pháp luật là phương tiện để công dân thực hiện quyền và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình

Câu hỏi: Em hãy đọc thông tin, trường hợp trang 73, 74 SGK Giáo dục kinh tế và pháp luật 10 Kết Nối Tri Thức để trả lời câu hỏi:

1. Theo em, pháp luật đã bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của anh B như thế nào?

2. Em hãy nêu ý nghĩa của việc pháp luật là phương tiện để công dân thực hiện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bản thân.

Trả lời: 

1. Theo em, pháp luật đã bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của anh B bằng việc: sau khi anh B kiện, tòa án nhân dân đã tuyên Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động của công ty X đã đối với anh B là trái pháp luật, buộc phải hủy. Công ty X phải tiếp nhận lại anh B, bố trí công việc phù hợp với sức khỏe của anh và hoàn trả anh các chế độ theo quy định.

2. Ý nghĩa của việc pháp luật là phương tiện để công dân thực hiện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bản thân:

+ Pháp luật xác lập, ghi nhận các quyền của công dân trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội.

+ Tạo cơ sở pháp lí để công dân thực hiện quyền và yêu cầu Nhà nước bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bản thân.

+ Tạo cơ sở pháp lí để giải quyết các tranh chấp, khiếu nại và xử lí các hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

  Pháp luật là phương tiện để công dân thực hiện quyền, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân:

  – Pháp luật xác lập, ghi nhận các quyền của công dân trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội.

  – Tạo cơ sở pháp lí để công dân thực hiện quyền và yêu cầu Nhà nước bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bản thân.

  – Tạo cơ sở pháp lí để giải quyết các tranh chấp, khiếu nại và xử lý các hành vi xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.