Kho tàng tài liệu học tập phong phú.

GDKT & PL 10 Chân Trời Sáng Tạo Bài 2: Các chủ thể của nền kinh tế

  Nền kinh tế bao gồm nhiều chủ thể khác nhau: người sản xuất, người tiêu dùng, các chủ thể trung gian và Nhà nước.

Câu hỏi: Hãy xác định các chủ thể kinh tế được mô tả trong tranh và chia sẻ hiểu biết của em về các chủ thể kinh tế đó.

Trả lời:

– Tranh 1: Người sản xuất: là các cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp…sử dụng các yếu tố đầu vào như nguồn vốn, sức lao động, tài nguyên để tạo ra hàng hóa cho xã hội.

– Tranh 2: Nhà nước: có vai trò điều tiết và tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành kinh tế khác nhau hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, tác động để điều chỉnh và khắc phục những vấn đề nảy sinh trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội.

– Tranh 3,4: Các chủ thể trung gian gồm những tổ chức, cá nhân giữ vai trò kết nối giữa người sản xuất và người tiêu dùng.

1.1. Vai trò của các chủ thể khi tham gia trong nền kinh tế

a. Chủ thể sản xuất

Câu hỏi: Đọc trường hợp trang 13, SGK Giáo dục kinh tế và pháp luật 10 Chân Trời Sáng Tạo và trả lời các câu sau:

Em hãy xác định những việc làm của anh H thể hiện trách nhiệm với tư cách là chủ thể sản xuất tham gia vào nền kinh tế. Theo em, những việc làm của anh H đã đóng góp gì cho nền kinh tế và cho đời sống xã hội?

Trả lời: 

– Những việc làm của anh H thể hiện trách nhiệm với tư cách là chủ thế sản xuất tham gia vào nền kinh tế là: tạo việc làm cho nhiều lao động, đóng thuế, đóng góp cho sự phát triển kinh tế – xã hội trong vùng. 

– Theo em, những việc làm của anh H giúp ổn định cuộc sống cho người dân trong vùng, nâng cao đời sống người dân và góp phần làm giàu đẹp cho quê hương.

b. Chủ thể tiêu dùng

Câu hỏi: Đọc trường hợp trang 13, SGK Giáo dục kinh tế và pháp luật 10 Chân Trời Sáng Tạo và trả lời các câu sau:

– Chị V đã thể hiện vai trò chủ thể tiêu dùng của mình như thế nào trong trường hợp trên?

– Việc làm của chị V có ý nghĩa như thế nào đối với các hoạt động kinh tế?

Trả lời: 

– Với vai trò là chủ thể tiêu dùng, chị V là một người biết chọn lọc, có ý thức sử dụng các vật dụng thân thiện với môi trường.

– Việc làm của chị V đã đóng góp một phần vào việc phát triển xu hướng “tiêu dùng xanh”. 

=> Những người tiêu dùng như chị V sẽ là động lực để các nhà sản xuất chế tạo ra những dòng sản phẩm thân thiện với môi trường.

c. Chủ thể trung gian

Câu hỏi: Đọc trường hợp trang 14, SGK Giáo dục kinh tế và pháp luật 10 Chân Trời Sáng Tạo và trả lời các câu sau:

Chủ thể kinh tế nào được đề cập trong trường hợp trên? Hoạt động của hệ thống siêu thị A đã giúp ích gì cho người sản xuất và người tiêu dùng?

Trả lời: 

– Chủ thể kinh tế được đề cập trong trường hợp trên là hệ thống siêu thị A. 

– Lợi ích: 

+ Hệ thống siêu thị A đã trở thành cầu nối giữa người sản xuất và người tiêu dùng.

+ Mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng, giới thiệu các sản phẩm mới.

+ Có những chính sách chăm sóc khách hàng chu đáo.

d. Chủ thể Nhà nước

Câu hỏi: Đọc thông tin trang 14, SGK Giáo dục kinh tế và pháp luật 10 Chân Trời Sáng Tạo và trả lời câu hỏi sau:

– Nhà nước đã làm gì trước khó khăn của doanh nghiệp do tác động của dịch bệnh Covid – 19? – Theo em, Nhà nước có vai trò như thế nào đối với nền kinh tế?

Trả lời: 

– Nhà nước đã cắt giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

– Nhà nước có vai trò điều tiết nền kinh tế, hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tư nhân có thể phát huy hết hiệu quả hoạt động. Đồng thời, Nhà nước cũng tác động để điều chỉnh và khắc phục những vấn đề nảy sinh trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội.

1.2. Trách nhiệm của công dân với tư cách là một chủ thể kinh tế

Câu 1: Đọc trường hợp 1 trang 14, SGK Giáo dục kinh tế và pháp luật 10 Chân Trời Sáng Tạo và trả lời câu hỏi sau:

Em hãy nhận xét về việc làm của anh H và gia đình.

Trả lời: 

– Việc làm của anh H và gia đình đã góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế địa phương, cung cấp các sản phẩm rau sạch, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Câu 2: Đọc trường hợp 2 trang 15, SGK Giáo dục kinh tế và pháp luật 10 Chân Trời Sáng Tạo và trả lời câu hỏi sau:

– Em hãy nhận xét về việc làm của chị B.

– Trình bày vai trò của bản thân với tư cách là một chủ thể tham gia trong nền kinh tế.

Trả lời: 

– Nhận xét việc làm của chị B:

+ Giúp cho người mua yên tâm về chất lượng hàng hóa mà chị bán. 

+ Việc chị chủ động tìm hiểu nguồn gốc sản phẩm trước khi nhập vào thể hiện trách nhiệm của một người phân phối sản phẩm đến tay người tiêu dùng. 

+ Giá cả và hạn sử dụng được niêm yết công khai, rõ ràng giúp người sử dụng dễ dàng theo dõi và lựa chọn sản phẩm phù hợp.

– Vai trò của bản thân với tư cách là một chủ thể tham gia trong nền kinh tế: Đảm bảo chất lượng sản phẩm mình phân phối, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng,không tự ý nâng giá sản phẩm, không đầu cơ, tích trữ, gây bất ổn cho nền kinh tế chung của đất nước.

Câu 3: Đọc trường hợp 3 trang 14, SGK Giáo dục kinh tế và pháp luật 10 Chân Trời Sáng Tạo và trả lời câu hỏi sau:

– Em hãy nhận xét về việc làm của chị N và cách ứng xử của người quản lí trung tâm thương mại trong trường hợp trên.

– Với tư cách là người tiêu dùng, hãy liệt kê những tiêu chí của bản thân khi mua sắm.

Trả lời: 

– Nhận xét về việc làm của chị N và cách ứng xử của người quản lí trung tâm thương mại:

+ Việc làm của chị N là cần thiết. 

+ Người quản lí trung tâm thương mại đã có cách ứng xử khéo léo để khách hàng tin tưởng và yên tâm, tiếp tục mua hàng tại trung tâm thương mại này.

– Theo em, những tiêu chí người tiêu dùng luôn đặt lên hàng đầu khi mua sắm là: 

+ Chất lượng sản phẩm (vệ sinh an toàn thực phẩm thành phần dinh dưỡng, hạn sử dụng)

+ Giá thành

+ Nguồn gốc xuất xứ

+ Sản phẩm có thân thiện với môi trường hay không

  – Vai trò của các chủ thể trong nền kinh tế:

  + Chủ thể sản xuất: là những cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp,… sử dụng các yếu tố đầu vào như nguồn vốn, sức lao động, tài nguyên,… tạo ra hàng hoá, sản phẩm, dịch vụ cho xã hội, phục vụ nhu cầu tiêu dùng, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế.

  Ngoài mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận, chủ thể sản xuất cần phải tuân thủ pháp luật, có trách nhiệm cung cấp những hàng hoá, không làm tổn hại đối với con người, môi trường và xã hội.

  + Chủ thể tiêu dùng: là người tiêu thụ các sản phẩm, dịch vụ để thoả mãn nhu cầu của mình, chủ thể tiêu dùng có vai trò quan trọng trong việc định hướng, tạo động lực cho sản xuất phát triển, có trách nhiệm đối với sự phát triển bền vững.

  Chủ thể tiêu dùng cần phải có trách nhiệm đối với sự phát triển bền vững của xã hội; lựa chọn, tiêu dùng hàng hoá có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, phê phán hành vi trái pháp luật trong hoạt động kinh tế.

  + Chủ thể trung gian, gồm những tổ chức, cá nhân giữ vai trò kết nối giữa người tiêu dùng và người sản xuất trong nền kinh tế. Dưới tác động của phân công lao động xã hội, những chủ thể trung gian xuất hiện trên thị trường thực hiện kết nối các quan hệ mua và bán, sản xuất và tiêu dùng,… giúp nền kinh tế linh hoạt, hiệu quả.

  + Chủ thể Nhà nước: Có vai trò điều tiết và tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành kinh tế khác nhau hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả. Đồng thời, Nhà nước cũng tác động để điều chỉnh và khắc phục những vấn đề nảy sinh trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội.