Kho tàng tài liệu học tập phong phú.

GDKT & PL 10 Chân Trời Sáng Tạo Bài 12: Đặc điểm, cấu trúc và nguyên tắc hoạt động của hệ thống chính trị nước CHXHCNVN

  Hệ thống chính trị nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam bao gồm nhiều bộ phận cấu thành. Mỗi bộ phận của hệ thống chính trị đều có chung mục đích vì lợi ích của nhân dân và của cả dân tộc Việt Nam.

Câu hỏi: Em hãy quan sát những hình ảnh dưới đây và trả lời câu hỏi.

Em là thành viên của tổ chức nào trong 4 tổ chức nêu trên? Hãy cho biết những hoạt động của một trong các tổ chức trên.

Trả lời:

– Các tổ chức trong hình trên:

+ Đảng Cộng sản Việt Nam

+ Quốc hội

+ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

+ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh

– Em là thành viên của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

– Hoạt động của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh:

+ Là đội dự bị tin cậy của Đảng, thường xuyên bổ sung lực lượng trẻ cho Đảng, Nhà nước và các ngành.

+ Tạo môi trường đưa thanh niên vào các hoạt động giúp học tập rèn luyện và phát triển nhân cách, năng lực của người lao động mới phù hợp với yêu cầu cầu xã hội hiện nay.

+ Chăm lo và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của tuổi trẻ.

1.1. Cấu trúc hệ thống chính trị nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Câu hỏi: Em hãy đọc sơ đồ dưới đây và trả lời câu hỏi.

– Hệ thống chính trị nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam bao gồm những cơ quan nào?

– Em có những hiểu biết gì về vị trí của cơ quan đó trong hệ thống chính trị nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam?

Trả lời: 

– Hệ thống chính trị nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bao gồm:

+ Đảng Cộng sản Việt Nam

+ Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

+ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội khác.

– Vị trí:

+ Đảng Cộng sản Việt Nam: là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc.

+ Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: là trụ cột của hệ thống chính trị ở nước ta, là công cụ tổ chức thực hiện ý chí và quyền lực của nhân dân, thay mặt nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân để quản lý toàn bộ hoạt động của đời sống xã hội. Nhà nước là phương tiện quan trọng nhất của nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình.

+ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội khác: là một bộ phận của hệ thống chính trị, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân. Các đoàn thể chính trị – xã hội, các tổ chức xã hội là nơi tập hợp quần chúng, phản ánh ý chí, nguyện vọng và lợi ích của các tầng lớp nhân dân.

1.2. Đặc điểm hệ thống chính trị nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Câu 1: Em hãy đọc thông tin trang 72, SGK Giáo dục kinh tế và pháp luật 10 Chân Trời Sáng Tạo và trả lời câu hỏi.

– Tính nhất nguyên chính trị, thống nhất, nhân dân được thể hiện như thế nào trong hệ thống chính trị Việt Nam?

Trả lời: 

– Tính nhất nguyên chính trị, thống nhất, nhân dân được thể hiện trong hệ thống chính trị Việt Nam là:

Tính nhất nguyên

+ Chế độ chính trị Việt Nam là thể chế chính trị một Đảng duy nhất cầm quyền.

+ Hệ thống chính trị Việt Nam gắn liền với vai trò tổ chức và lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt nam. Mỗi tổ chức thành viên của hệ thống chính trị đều do Đảng Cộng sản Việt Nam sáng lập, vừa đóng vai trò là hình thức tổ chức quyền lực của nhân dân (Nhà nước), tổ chức tập hợp, đoàn kết quần chúng, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của quần chúng vừa là tổ chức mà qua đó Đảng Cộng sản thực hiện sự lãnh đạo chính trị đối với xã hội.

+ Tính nhất nguyên tư tưởng: Toàn bộ hệ thống chính trị đều được tổ chức và hoạt động trên nền tảng tư tưởng là chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Tính thống nhất

+ Sự lãnh đạo thống nhất của một đảng duy nhất cầm quyền là Đảng Cộng sản Việt Nam.

+ Sự thống nhất về mục tiêu chính trị của toàn bộ hệ thống là xây dựng chủ nghĩa xã hội Việt Nam với nội dung: Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

+ Sự thống nhất ở nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và hoạt động là tập trung dân chủ.

+ Sự thống nhất của hệ thống tổ chức ở từng cấp, từ Trung ương đến địa phương, với các bộ phận hợp thành.

Tính nhân dân

+ Đây là quy luật tồn tại của Đảng, là nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng cầm quyền.

+ Nhà nước là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

+ Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội là hình thức tập hợp, tổ chức của chính các tầng lớp nhân dân.

+ Hệ thống chính trị là trường học dân chủ của nhân dân. Mỗi tổ chức trong hệ thống chính trị là phương thức thực hiện quyền làm chủ của nhân dân.

Câu 2: Em hãy đọc trường hợp trang 73, SGK Giáo dục kinh tế và pháp luật 10 Chân Trời Sáng Tạo và trả lời câu hỏi.

– Em đồng tình với ý kiến của bạn C hay D? Vì sao?

Trả lời: 

 – Em đồng tình với ý kiến của bạn D vì do sự khác biệt về các yếu tố lịch sử, xã hội nên mỗi nước sẽ có những đặc điểm riêng về hệ thống chính trị, hệ thống chính trị nước ta được xây dựng trên cơ sở lí luận của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh,…

1.3. Nguyên tắc hoạt động của hệ thống chính trị

a) Nguyên tắc quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân

Câu hỏi: Em hãy đọc các thông tin và trường hợp trang 73, SGK Giáo dục kinh tế và pháp luật 10 Chân Trời Sáng Tạo và trả lời câu hỏi.

– Thế nào là nguyên tắc quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân?

– Theo em, nhân dân thực hiện quyền lực của mình bằng cách thức nào và thông qua cơ quan, cá nhân nào?

Trả lời: 

– Nguyên tắc quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân: Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Nhà nước là công cụ thực hiện quyền làm chủ của nhân dân. Vì vậy, trong hoạt động của mình Nhà nước phải đảm bảo sự tham gia và giám sát của nhân dân đối với các cơ quan nhà nước.

– Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân; thông qua đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; thông qua các cơ quan Nhà nước, các thiết chế Hiến định (Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Chính quyền địa phương, Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán nhà nước); thông qua đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước và các cơ quan, tổ chức khác được giao thực thi quyền lực nhà nước.

b) Nguyên tắc đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội

Câu hỏi: Em hãy đọc thông tin và trường hợp trang 74, SGK Giáo dục kinh tế và pháp luật 10 Chân Trời Sáng Tạo trả lời câu hỏi.

– Nguyên tắc đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội được quy định như thế nào?

– Đảng uỷ xã có vai trò như thế nào đối với sự phát triển của xã A?

Trả lời: 

– Nguyên tắc đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam: Hệ thống chính trị Việt Nam là hệ thống chính trị nhất nguyên, trong đó chỉ tồn tại một đảng là Đảng Cộng sản Việt Nam – lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền, giữ vai trò lãnh đạo toàn dân, toàn diện bao gồm chính trị, kinh tế – xã hội, an ninh, quốc phòng, ngoại giao.

– Vai trò của Đảng ủy xã A đối với sự phát triển của xã A

+ Thống nhất lãnh đạo chính quyền xã, các đoàn thể và toàn thể nhân dân tham gia vào các hoạt động chính trị – kinh tế – xã hội với quyết tâm chính trị cao nhất.

+ Là hạt nhân chính trị trong hệ thống chính trị, Đảng ủy xã A thực hiện sự lãnh đạo chính trị đối với toàn bộ tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị của xã.

c) Nguyên tắc tập trung dân chủ

Câu hỏi: Em hãy đọc các thông tin trang 74, 75 SGK Giáo dục kinh tế và pháp luật 10 Chân Trời Sáng Tạo và trả lời câu hỏi.

– Em hãy cho biết nguyên tắc tập trung dân chủ là gì?

– Theo em, nguyên tắc tập trung dân chủ được biết hiện như thế nào?

Trả lời: 

– Nguyên tắc tập trung dân chủ là một trong những nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và hoạt động của Đảng, trong công tác cán bộ, đảm bảo cho Đảng trở thành một tổ chức chặt chẽ, thống nhất, đoàn kết cả về ý chí và hành động, trên cơ sở đó trí tuệ của toàn Đảng sẽ được phát huy một cách tối đa.

– Biểu hiện của nguyên tắc tập trung dân chủ:

+ Cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng do bầu cử lập ra, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.

+ Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng là Đại hội đại biểu toàn quốc. Cơ quan lãnh đạo ở mỗi cấp là đại hội đại biểu hoặc đại hội đảng viên. Giữa hai kỳ đại hội; cơ quan lãnh đạo của Đảng là Ban Chấp hành Trung ương, ở mỗi cấp là ban chấp hành đảng bộ, chi bộ.

+ Cấp ủy các cấp báo cáo và chịu trách nhiệm về hoạt động của mình trước đại hội cùng cấp, trước cấp ủy cấp trên và cấp dưới; định kỳ thông báo tình hình hoạt động của mình đến các tổ chức đảng trực thuộc, thực hiện tự phê bình và phê bình.

+ Tổ chức đảng và đảng viên phải chấp hành nghị quyết của Đảng. Thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức, các tổ chức trong toàn Đảng phục tùng Đại hội đại biểu toàn quốc và Ban Chấp hành Trung ương.

+ Nghị quyết của các cơ quan lãnh đạo của Đảng chỉ có giá trị thi hành khi có hơn một nửa số thành viên trong cơ quan đó tán thành. Trước khi biểu quyết, mỗi thành viên được phát biểu ý kiến của mình. Đảng viên có ý kiến thuộc về thiểu số được quyền bảo lưu và báo cáo lên cấp uỷ cấp trên cho đến Đại hội đại biểu toàn quốc, song phải chấp hành nghiêm chỉnh nghị quyết, không được truyền bá ý kiến trái với nghị quyết của Đảng. Cấp uỷ có thẩm quyền nghiên cứu xem xét ý kiến đó; không phân biệt đối xử với đảng viên có ý kiến thuộc về thiểu số.          

+ Tổ chức đảng quyết định các vấn đề thuộc phạm vi quyền hạn của mình, song không được trái với nguyên tắc, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của cấp trên.

d) Nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa

Câu hỏi: Em hãy đọc thông tin trang 75, SGK Giáo dục kinh tế và pháp luật 10 Chân Trời Sáng Tạo và trả lời câu hỏi.

– Nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa trong tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị Việt Nam được biểu hiện như thế nào?

Trả lời: 

– Biểu hiện của nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa trong tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị Việt Nam:

+ Mọi hành động xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể và của công dân đều bị xử lí theo pháp luật.

+ Tôn trọng, tuân thủ, chấp hành nghiêm chỉnh hiến pháp, pháp luật của các cơ quan, nhân viên nhà nước, của các tổ chức xã hội và mọi công dân.

1.4. Trách nhiệm của công dân trong xây dựng và bảo vệ hệ thống chính trị

Câu hỏi: Em hãy đọc tình huống trang 75, 76 SGK Giáo dục kinh tế và pháp luật 10 Chân Trời Sáng Tạo và trả lời câu hỏi.

– Em ủng hộ ý kiến của bạn A hay bạn C? Vì sao?

– Theo em, học sinh có trách nhiệm gì trong xây dựng và bảo vệ hệ thống chính trị?

Trả lời: 

– Em ủng hộ ý kiến của bạn C vì tìm hiểu hệ thống chính trị là việc làm rất cần thiết đối với mỗi công dân Việt Nam, việc được trang bị những kiến thức đó sẽ đóng góp cho việc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

– Trách nhiệm của học sinh trong xây dựng và bảo vệ hệ thống chính trị

+ Gương mẫu chấp hành mọi chủ trương, chính sách, pháp luật và thực hiện nghĩa vụ công dân.

+ Tham gia giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, quốc phòng, an ninh quốc gia.

+ Vận động mọi người xung quanh cùng thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

+ Trang bị kiến thức về hệ thống chính trị của Việt Nam.

+ Rèn luyện bản thân thật tốt để sau này tham gia vào hệ thống chính trị.

  – Hệ thống chính trị nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một chỉnh thể thống nhất trong đó bao gồm các tổ chức, các thiết chế hợp pháp có quan hệ về mục đích và chức năng thực hiện hoặc tham gia thực hiện quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước.

  – Hệ thống chính trị nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm: Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên.

  – Đặc điểm của hệ thống chính trị nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam:

  + Đảng Cộng sản Việt Nam là một bộ phận của hệ thống chính trị, đồng thời là tổ chức giữ vai trò lãnh đạo của cả hệ thống chính trị Việt Nam;

  + Thống nhất về tổ chức lãnh đạo, mục tiêu chính trị, nguyên tắc tổ chức và hoạt động;

  + Cơ quan, tổ chức gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ cho lợi ích của nhân dân dân và chịu sự kiểm tra, giám sát của nhân dân.

  – Hoạt động của hệ thống chính trị nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam dựa trên các nguyên tắc: nguyên tắc quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; nguyên tắc uỷ quyền có điều kiện và có thời hạn; nguyên tắc pháp quyền; nguyên tắc tập trung dân chủ, lãnh đạo tập thể, cá nhân phụ trách; nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa.