1.1. Tình hình phát triển kinh tế
– Nền kinh tế Nhật Bản có sự phát triển qua nhiều giai đoạn khác nhau.
+ Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, từ năm 1955, kinh tế phát triển với tốc độ cao, bình quân khoảng 10%/năm.
+ Đến năm 1968, kinh tế Nhật Bản vươn lên đứng thứ hai thế giới, sau Hoa Kỳ.
– Trong quá trình phát triển tiếp sau đó, kinh tế Nhật Bản chịu tác động nhiều của các cuộc khủng hoảng.
– Từ sau năm 2008, kinh tế Nhật Bản chịu nhiều tác động của thiên tai, dịch bệnh, sự cạnh tranh của nhiều nền kinh tế phát triển nhanh, lực lượng lao động bị thiếu hụt, thu hút đầu tư nước ngoài thấp,… => Các tác động đó đã góp phần làm cho tốc độ tăng trưởng GDP của Nhật Bản thiếu ổn định và có xu hướng giảm. Tuy nhiên, Nhật Bản hiện nay vẫn là một trong những trung tâm kinh tế hàng đầu thế giới.
– GDP của Nhật Bản đạt 5040,1 tỉ USD, chiếm 6% GDP toàn thế giới (năm 2020).
– Dịch vụ đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế Nhật Bản và chiếm tỉ trọng cao nhất.
1.2. Các ngành kinh tế
1.2.1. Công nghiệp
– Công nghiệp chế tạo:
+ Chiếm khoảng 40 % giá trị hàng công nghiệp xuất khẩu (năm 2020), nổi bật với sản xuất ô tô và đóng tàu đứng hàng đầu thế giới.
+ Ngành này có khối lượng sản phẩm lớn và đa dạng, áp dụng tối đa các công nghệ tiên tiến và đạt hiệu quả cao.
+ Các trung tâm công nghiệp chế tạo lớn là: Tô-ky-ô, Na-gôi-a, Ô-xa-ca.
– Công nghiệp luyện kim:
+ Chủ yếu dựa vào nguyên liệu nhập từ nước ngoài, có tốc độ phát triển nhanh, ứng dụng phổ biến kĩ thuật và công nghệ hiện đại.
+ Phân bố chủ yếu ở Tô-ky-ô, I-ô-cô-ha-ma, Na-gôi-a,…
– Công nghiệp điện tử – tin học:
+ Phát triển với tốc độ nhanh, dẫn đầu thế giới, sản phẩm công nghiệp nổi bật là máy tính và rô-bốt,…
+ Các trung tâm lớn là: Tô-ky-ô, Na-ga-xa-ki, Phu-cu-ô-ca,…
– Công nghiệp hóa chất:
+ Là một trong những ngành công nghệ cao của Nhật Bản.
+ Các sản phẩm chủ yếu là: nhựa, vật liệu cách nhiệt, cao su tổng hợp,…
+ Công nghiệp hóa chất phân bố chủ yếu ở Tô-ky-o, Na-gôi-a, Cô-chi,…
– Công nghiệp thực phẩm:
+ Có sản phẩm đa dạng, trình độ phát triển cao, đầu tư ra nước ngoài lớn.
+ Ngành này phân bố chủ yếu ở I-ô-cô-ha-ma, Ky-ô-tô, Mu-rô-ran…
Hình 1. Bản đồ phân bố một số trung tâm công nghiệp và ngành công nghiệp của Nhật Bản năm 2020
1.2.2. Dịch vụ
– Giao thông vận tải hiện đại, đặc biệt là đường biển và đường hàng không, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội đất nước.
+ Giao thông vận tải biển có vị trí đặc biệt, với đội tàu biển trọng tải lớn.
+ Giao thông hàng không phát triển mạnh với 176 sân bay (năm 2020).
+ Nhật Bản có hệ thống tàu điện ngầm hiện đại, tập trung ở các thành phố lớn.
– Ngành bưu chính viễn thông phát triển mạnh. Nhật Bản đứng thứ năm thế giới về số lượng vệ tinh ngoài không gian (năm 2020), đảm bảo thông tin liên lạc trong nước và cung cấp dịch vụ viễn thông cho một số nước trên thế giới.
– Du lịch:
+ Nhật Bản có nhiều phong cảnh đẹp và di tích lịch sử – văn hóa độc đáo,… là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch.
+ Khách du lịch quốc tế đến Nhật Bản tăng nhanh, đạt 31,8 triệu lượt người (năm 2019), du lịch trong nước phát triển mạnh.
+ Hoạt động du lịch đóng góp hơn 7% vào GDP (năm 2019).
Hình 2. Cảng l-ô-cô-ha-ma
– Thương mại:
+ Ngoại thương: tổng trị giá xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đạt hơn 1500 tỉ USD (2020). Nhật Bản là nước xuất siêu, các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là phương tiện vận tải, máy móc, thiết bị điện tử và quang học, thiết bị y tế, sắt thép, hóa chất, nhựa,… Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là: nhiên liệu hóa thạch, nguyên liệu thô cho các ngành công nghiệp, ngũ cốc và thực phẩm,…
+ Nội thương phát triển và có hệ thống rộng khắp, thương mại điện tử phát triển mạnh.
– Ngành tài chính ngân hàng:
+ Đứng hàng đầu thế giới, hoạt động đầu tư nước ngoài ngày càng phát triển.
+ Nhật Bản là một trong những nước có tài trợ vốn ODA lớn nhất thế giới.
+ Các ngân hàng lớn là: Mit-su-bi-shi, Mi-du-hô, Su-mi-tô-mô Mit-sui….
+ Tô-ky-ô là trung tâm tài chính ngân hàng lớn nhất của Nhật Bản.
1.2.3. Nông nghiệp
Hình 3. Bản đồ phân bố nông nghiệp của Nhật Bản năm 2020
– Trồng trọt:
+ Chiếm hơn 63 % tổng giá trị sản xuất nông nghiệp (năm 2020) và được hiện đại hoá.
+ Các sản phẩm chủ yếu là: lúa gạo, rau, hoa quả.
+ Hoạt động trồng trọt tập trung chủ yếu ở đảo Hô-cai-đô, tỉnh Ca-ga-oa (đảo Xi-cô-cư), tỉnh A-ki-ta (dão Hôn-su),…
– Chăn nuôi khá phát triển, các vật nuôi chủ yếu là: gà, bò, lợn… Chăn nuôi bò sữa phát triển mạnh, áp dụng công nghệ hiện đại và có sản lượng cao, chất lượng tốt, tập trung chủ yếu ở đảo Hô-cai-đô.
– Lâm nghiệp:
+ Nhật Bản có diện tích rừng lớn, chiếm khoảng 66 % diện tích lãnh thổ. Việc bảo vệ rừng, tăng diện tích rừng rất được chú trọng; rừng trồng chiếm khoảng 40% tổng diện tích rừng cả nước.
+ Ngành khai thác và chế biến gỗ có sự tăng trưởng nhanh, sản lượng khai thác gỗ tròn năm 2020 là 30,3 triệu m3.
– Thuỷ sản:
+ Đánh bắt thuỷ sản được hiện đại hoá, áp dụng công nghệ kĩ thuật số, trí tuệ nhân tạo. Nhật Bản là một trong những nước có đội tàu đánh cá lớn nhất thế giới, sản lượng đánh bắt hằng năm cao. Đánh bắt xa bờ được chú trọng và chiếm phần lớn sản lượng thuỷ sản đánh bắt, là nguồn cung cấp hàng xuất khẩu quan trọng.
+ Nuôi trồng thuỷ sản được chú trọng phát triển; phân bố rộng rãi, tập trung nhiều ở các vịnh biển và ven các đảo. Các loại được nuôi chủ yếu là: tôm, rong biển, sò, trai lấy ngọc,…
1.3. Các vùng kinh tế
Các vùng kinh tế của Nhật Bản gắn với các đảo lớn: Hô-cai-đô, Hôn-su, Xi-cô-cư, Kiu-xiu.
– Vùng kinh tế Hô-cai-đô
+ Chiếm khoảng 22 % diện tích và khoảng 4,4 % dân số Nhật Bản, mật độ dân số rất thấp. Rừng chiếm diện tích lớn, khoáng sản chủ yếu là than.
+ Phát triển công nghiệp chế biến thực phẩm, chế biến gỗ, luyện kim đen, sản xuất giấy; sản xuất lúa mì, khoai tây, nuôi bò sữa; du lịch.
+ Các trung tâm công nghiệp lớn: Xap-pô-rô, Mu-rô-man,…
– Vùng kinh tế Hôn-su
+ Chiếm 61,2 % diện tích và khoảng 83,2% dân số Nhật Bản. Hoạt động núi lửa và động đất xảy ra thường xuyên.
+ Công nghiệp phát triển mạnh, phân bố chủ yếu ở bờ biển Thái Bình Dương. Nông nghiệp trồng lúa gạo, chè, dâu tằm, hoa quả; nuôi trồng và đánh bắt cá.
+ Các trung tâm công nghiệp lớn: Tô-ky-ô, I-ô-cô-ha-ma, Ca-oa-xa-ki, Na-gôi-a, Ky-ô-tô, Ô-xa-ca, Cô-bê, Phu-cu-a-ma,…
+ Vùng Hôn-su được chia thành 5 vùng kinh tế trọng điểm: Tô-hu-cô, Can-tô, Chu-bu, Can-sai, Chu-gô-cu; trong đó Can-tô và Can-sai là hai vùng quan trọng nhất.
– Vùng kinh tế Xi-cô-cư
+ Chiếm khoảng 5 % diện tích và 3,2 % dân số Nhật Bản. Núi chiếm diện tích lớn.
+ Nông nghiệp đóng vai trò chủ yếu, sản xuất gạo, lúa mạch, cam, quýt; nuôi trồng thuỷ sản. Các sản phẩm công nghiệp là dầu mỏ, kim loại màu, hàng dệt, bột giấy và giấy. Du lịch phát triển.
+ Trung tâm công nghiệp lớn: Cô-chi, Tô-ku-shi-ma.
– Vùng kinh tế Kiu-xiu:
+ Chiếm khoảng 11,7 % diện tích và 4,3 % dân số Nhật Bản, có đồng bằng khá rộng.
+ Công nghiệp chủ yếu là luyện kim đen, hóa chất, đóng tàu. Từ những năm 1970, công nghiệp điện tử đã phát triển nhanh chóng, được mệnh danh là “Đảo si-li-côn”.
+ Nông nghiệp phát triển, nổi tiếng về sản xuất lúa gạo, rau, cây ăn quả; chăn nuôi bò, lợn.
+ Trung tâm công nghiệp lớn: Phu-cu-ô-ca, Na-ga-xa-ki, Ô-y-ta,…