1.1. Mục tiêu của ASEAN
– Ngày 8/8/1967, tại Băng Cốc (Thái Lan), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập với 5 nước thành viên là: Thái Lan, Xin-ga-po, Phi-líp-pin, In-đô-nê-xi-a và Ma-lai-xi-a. Tuyên bố Băng Cốc (được xem là bản tuyên ngôn khai sinh ra ASEAN) đã đưa ra mục tiêu của tổ chức.
– Ngày 15/12/2008, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 41, được tổ chức tại Gia-các-ta (In-đô-nê-xi-a), Hiến chương ASEAN chính thức có hiệu lực với các mục tiêu cụ thể và toàn diện.
– Một số mục tiêu chính được nêu trong Hiến chương ASEAN là:
+ Duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, hướng tới hòa bình trong khu vực. Duy trì khu vực không có vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí huỷ diệt hàng loạt khác.
+ Nâng cao năng lực tự cường khu vực thông qua việc đẩy mạnh hợp tác chính trị, an ninh, kinh tế, văn hóa – xã hội.
+ Giảm nghèo và thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN thông qua hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau; nâng cao phúc lợi và đời sống của người dân khu vực.
+ Thúc đẩy phát triển bền vững nhằm bảo vệ môi trường khu vực, tài nguyên, di sản văn hóa,…
+ Hướng tới một ASEAN hòa bình, an ninh, ổn định dài lâu, kinh tế phát triển bền vững, thịnh vượng và tiến bộ xã hội.
Hình 1. Trụ sở ASEAN tại In-do-ne-xi-a
1.2. Cơ chế hoạt động và một số hợp tác trong kinh tế, văn hóa của ASEAN
1.2.1. Cơ chế hoạt động
Hoạt động của ASEAN tuân theo các nguyên tắc được quy định trong Hiến chương ASEAN và thông qua các hoạt động của các cơ quan ASEAN, các hợp tác, các chương trình, các hiệp ước,…
a. Các cơ quan điều phối của ASEAN
– Hội nghị Cấp cao ASEAN:
+ Gồm những người đứng đầu Nhà nước hoặc Chính phủ;
+ Là cơ quan hoạch định chính sách tối cao của ASEAN, đưa ra các chỉ đạo và các vấn đề then chốt.
– Hội đồng Điều phối ASEAN:
+ Gồm Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN;
+ Có nhiệm vụ chuẩn bị các cuộc họp cấp cao, điều phối việc thực hiện các thỏa thuận và quyết định của Hội nghị Cấp cao ASEAN; xem xét báo cáo của Tổng Thư kí ASEAN về chức năng và hoạt động của Ban Thư kí cũng như của các cơ quan liên quan khác,…
– Các Hội đồng Cộng đồng ASEAN:
+ Gồm Hội đồng Cộng đồng Chính trị – An ninh ASEAN, Hội đồng Cộng đồng Kinh tế ASEAN và Hội đồng Cộng đồng Văn hoá – Xã hội ASEAN
+ Nhiệm vụ: bảo đảm việc thực hiện các quyết định có liên quan của Hội nghị Cấp cao ASEAN, điều phối các công việc trong lĩnh vực phụ trách và các vấn đề có liên quan tới các Hội đồng Cộng đồng khác,…
– Các cơ quan chuyên ngành cấp Bộ trưởng ASEAN:
+ Hoạt động theo chức năng, quyền hạn đã được xác định;
+ Thực hiện các thỏa thuận và quyết định của Hội nghị Cấp cao ASEAN.
– Ngoài ra, còn có Tổng Thư kí ASEAN, Ban Thư kí ASEAN, Uỷ ban các Đại diện thường trực bên cạnh ASEAN, Ban Thư kí ASEAN quốc gia, Uỷ ban liên Chính phủ ASEAN về Nhân quyền, Quỹ ASEAN.
b. Các nguyên tắc chính trong hoạt động của ASEAN
– Tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, toàn vẹn lãnh thổ và bản sắc dân tộc của tất cả các quốc gia thành viên; không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.
– Cam kết và chia sẻ trách nhiệm tập thể trong việc thúc đẩy hòa bình, an ninh và thịnh vượng của khu vực.
– Không xâm lược, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực hay các hành động khác dưới bất kì hình thức nào trái với luật pháp quốc tế; giải quyết tranh chấp bằng hòa bình.
– Tuân thủ các nguyên tắc thương mại và các cơ chế dựa trên luật lệ của ASEAN.
1.2.2. Một số hợp tác trong kinh tế, văn hoá của ASEAN
– Trong lĩnh vực kinh tế: Các nước ASEAN đã đẩy mạnh hợp tác toàn diện kinh tế thông qua các hiệp định, xây dựng các khu vực thương mại, đầu tư,… Một số biểu hiện cụ thể là: Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (AFTA); Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC); Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP); Hiệp định Thương mại Dịch vụ ASEAN (ATISA); …
– Trong lĩnh vực văn hoá: ASEAN ngày càng có nhiều hoạt động mở rộng hợp tác trong lĩnh vực văn hoá như: giáo dục, y tế, thể thao, thanh thiếu niên, lao động…. Một số biểu hiện cụ thể là: Uỷ ban liên Chính phủ ASEAN về Nhân quyền (AICHR); Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games); Chương trình Tàu Thanh niên Đông Nam Á và Nhật Bản (SSEAYP)
– Bên cạnh đó, các hội nghị bộ trưởng như: Hội nghị Bộ trưởng Thể thao ASEAN (AMMS), Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN (ASED), Hội nghị Bộ trưởng Thanh niên ASEAN (AMMY), Hội nghị Bộ trưởng Phụ nữ ASEAN (AMMW),… thường xuyên được diễn ra, nhằm củng cố và làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa các quốc gia thành viên trên mọi lĩnh vực.
Hình 2. SEA Game 31 tổ chức tại Việt Nam
1.3. Thành tựu và thách thức của ASEAN
1.4. Hợp tác đa dạng và vai trò của Việt Nam trong ASEAN
– Ngày 28/7/1995, Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN.
– Kể từ đó đến nay, Việt Nam đã chủ động và tham gia hợp tác có hiệu quả với các nước ASEAN trong nhiều lĩnh vực như: ngoại giao, kinh tế, khoa học – công nghệ, môi trường, y tế, văn hoá, giáo dục, an ninh – quốc phòng,… Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng trong sự phát triển của ASEAN và đã khẳng định được vai trò của mình trong hiệp hội:
+ Vai trò trong việc mở rộng ASEAN.
+ Vai trò trong thường trực ASEAN.
+ Vai trò trong việc tổ chức, điều phối các hoạt động của ASEAN.
+ Vai trò trong xây dựng thể chế.
+ Các hoạt động khác.